Trâu

Làm món Thịt trâu nướng sả


Thịt trâu ướp sả, nướng trên than hoa. Món nướng ăn với bánh phồng tôm.

Nguyên liệu:

- Thịt trâu: 400g

- Dứa chín: 1 quả

- Cà rốt: 1 củ to

- Gừng: 100 g

- Hành, tỏi khô, hạt tiêu, đường, ớt đỏ, chanh tươi, muối, dầu ăn, sả.

Cách làm:

Thịt trâu dùng giấy thấm hoặc khăn bông sạch thấm khô nước, thái miếng mỏng to bản.

- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, tỉa hoa, cho chút muối vào xóc đều rồi rửa lại bằng nước sôi để nguội.

- Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, bổ đôi thái miếng mỏng.

- Rau xà lách, nhặt rửa sạch, ngâm muối, vớt ra để ráo nước.

- Sả bỏ bớt vỏ ngoài, rửa sạch, cho vào cối xay nhỏ.

- Hành tươi nhặt rửa sạch, thái nhỏ.

- Chanh tươi bổ vắt lấy nước cốt.

- Ớt đỏ rửa sạch, thái chi, để 1 quả dùng trang trí.

Sau khi đã sơ chế xong, cho nguyên liệu ướp với đường, sả, hành khô, hành tươi, chút muối, dầu ăn và hạt tiêu hoàng 15 phút cho ngấm.

Cho 2 thìa xúp nước mắm, 1 thìa đường, 3 thìa nước cốt chanh, tỏi băm nhỏ và một chén nước đun sôi để nguội, khuấy đều cho tan đường rồi đổ cà rốt, ớt vào ngâm cùng.

Xếp thịt vỉ rồi nướng trên bếp than hoa, nướng vàng đều 2 mặt là được.

Gỡ chả ra đĩa, trình bày như ảnh kèm.

Ăn với bánh hỏi hoặc bánh phồng tôm, chấm với nước mắm đã pha, kèm rau sống và cà rốt đã ngâm và dứa.

Thịt không bị khô, vị vừa ăn, thơm mùi thịt nướng.

 

Thịt Trâu Lá Trơng

Vị ngọt của Thịt Trâu kết hợp với vị cay và mùi thơm đặc trưng của (Lá Trơơng) tạo nên một hương vị rất hấp dẫn đặc biệt khó quên những ai đã một lần thưởng thức. Nếu đã đến Quảng Trị bạn không nên bỏ qua món Thịt Trâu Lá Trơơng một món ăn độc đáo ở vùng đất nắng gió này.

Thịt Trâu là món ăn ngon đầy bổ dưỡng và ở mỗi miền có những cách chế biến khác nhau thành những món ngon. Thịt Trâu vị ngọt, có tác dụng bổ khí huyết, mạnh gân cốt ... Thịt Trâu có tác dụng chữa bệnh rất hữu ích có thể chữa được chứng phong thấp sưng tê; chứng đau lưng; phù chân. Về mặt sức khoẻ thịt Trâu tốt hơn thịt Bò.



thịt Trâu nướng ăn kèm với lá Trơng rất tuyệt


Thịt Trâu được chế biến thành nhiều món khác nhau nhưng món Thịt Trâu Lá Trơng ở Quảng Trị thì rất chi đặc biệt.
Món này được chế biến từ loại thịt Trâu non được nhập từ Lào, Trâu non nên thịt thường mềm, ngọt, không dai và được chế biến theo các kiểu chính như: Nướng, Hấp, Xào.. mỗi món có một hương vị độc đáo riêng. Đặc biệt điều làm nên cái độc đáo và sự khác biệt chính là sự kết hợp giữa Thịt Trâu và , một loại cây lá gai thường mọc hoang ở vùng rừng núi Quảng Trị, non có mùi thơm, cay rất đặc trưng. Khi ăn vị ngọt của thịt Trâu hòa quyện cùng vị cay và mùi thơm của lá Trơng tạo nên một hương vị đặc trưng khó quên làm mê mẩn thực khách thưởng thức.





Lá Trơng non cùng với rau Cải

Ở Quảng Trị Thịt Trâu Lá Trơng cũng được chế biến thành nhiều món song có 2 món chính:
Đầu tiên là món nướng: Thịt Trâu xắt thành miếng vừa, tẩm gia vị ướp đợi cho thấm thịt xong dùng vỉ sắt trải lá lốt đều 2 mặt. Xếp thịt Trâu vào vĩ kẹp lại và nướng trên bếp than hồng cho tới khi lá lốt cháy lớp vỏ bên ngoài, thịt chuyển màu nâu, mỡ chảy ra phát tiếng xèo xèo, tanh tách. Thịt chín thơm phức đem ra thái thành lát mỏng, bày ra đĩa cùng với một số rau cải, lá Trơng (Lá Trơơng), tiêu ớt xanh. Những thớ thịt chín mềm, ửng hồng bên trong và một màu nâu vàng bao phủ bề mặt thơm phưng phức. Thưởng thức trâu nướng kèm theo Lá Trơơng và nước tương pha ớt thật ngon khó tả.

Món Thịt Trâu xào Lá Trơng: Thịt Trâu được thái mỏng ngang thớ, ướp gia vị tiêu ớt tỏi và một chút dầu ăn. Làm nóng dầu rồi phi thơm tỏi, cho thịt trâu vào xào chín tái rồi xúc để riêng, cho thêm chút dầu ăn rồi tiếp tục cho hành tây vào xào, hành tây chín tái thì cho thịt Trâu và lá Trơng vào đảo tiếp chừng 2 phút nữa là được. (Lá Trơơng) có vị cay nhẹ và mùi thơm có tính ấm, chống hàn nên ăn vào những ngày mưa lạnh sẽ rất tốt, nhất là với những người hay bị lạnh hoặc người già hay bị đau khớp. Vị cay nhẹ của lá Trơng, hăng hăng của hành hòa quyện với cái ngọt của thịt Trâu non khiến món ăn trở nên hấp dẫn và vô cùng thơm ngon.



Lá Trơng (Trơơng)



Thịt Trâu Lá Trương là một trong những ngon và nổi tiếng, nếu đã đến đây bằng mọi giá bạn phải thưởng thức món này không thì coi như bạn đã bỏ lỡ cơ hội thưởng thức một đặc sản nổi tiếng mà không phải nơi cũng có.

 

Lai rai trâu nướng lá trơơng

 

Đến Lao Bảo phải thưởng thức ngay món trâu nướng, lá trơơng!” - anh bạn thổ địa người Quảng Trị quả quyết với tôi về món đặc sản không thể bỏ qua ở vùng biên giới Việt - Lào.



Đĩa thịt trâu nướng kèm với tương, ớt, lá trơơng, lá lốt - Ảnh: Tiến Thành 

Ở nông thôn, con trâu vốn là đầu cơ nghiệp. Tôi nhớ ngày xưa chỉ có những sự kiện tổ chức quy mô lớn như hội làng, sĩ tử vinh quy bái tổ… dân làng hay những gia đình giàu có mới mổ trâu, heo để đãi khách. Vậy mà nay thịt trâu nướng đã trở thành thứ đặc sản, thành món ăn thưởng thức hằng ngày ở vùng biên giới Lao Bảo - thật là một sự ngạc nhiên thú vị với những lãng khách dừng chân nơi biên giới, nhất là những người mê ẩm thực.

Cũng không ngoại lệ, tôi bị cuốn hút từ cái nhìn đầu tiên về đĩa trâu nướng lá trơơng với màu cánh gián, tỏa hương thơm phức.

Thịt trâu nướng ở đây là thịt trâu non được nhập từ xứ Nam Lào, miếng thịt thường mềm, ngọt và đầy đặn, không dai. Miếng thịt trâu sau khi sơ chế, tẩm ướp gia vị sẽ được kẹp vào vỉ sắt và nướng trên bếp than hồng cho tới khi chuyển màu nâu cánh gián, phát tiếng xèo xèo, tanh tách của mỡ.

Khi miếng thịt vừa săn lại sẽ được người bán nhanh chóng thái thành lát mỏng, bài trí trên đĩa sao cho vuông vức và bắt mắt. Thực khách tinh ý sẽ thấy tài nghệ của người nướng thịt trâu: những thớ thịt chín mềm, ửng hồng bên trong và một màu nâu vàng bao phủ bề mặt.

Sẽ thật lạc lõng và thiếu vị nếu thưởng thức trâu nướng mà không kèm theo lá lốt, lá trơơng và nước tương pha ớt. Lá trơơng là một loại cây lá gai hoang dã mọc ở vùng rừng núi Quảng Trị. Lá này có mùi thơm và cay rất đặc trưng. Ở vùng biên giới Lao Bảo, không ai biết vì sao và từ bao giờ thịt trâu lại ăn kèm với lá trơơng, lá lốt…

Cũng có ý kiến: hay chăng triết lý âm - dương ngũ hành đã quy tụ trong món ăn này bởi thịt trâu có tính hơi hàn (lạnh) nên khi kết hợp với lá lốt thơm, cay, nước tương ngọt sẽ tạo ra một hương vị bùi bùi đến khó quên?



Món thịt trâu xáo với lá lốt, lá trơơng - Ảnh: Tiến Thành 

Cần nói thêm, ở thị trấn Lao Bảo ngoài món thịt trâu nướng lá trơơng, lá lốt thực khách còn thỏa sức chọn lựa nhiều món khác mang đậm hương vị ẩm thực Việt - Lào, nào là món trâu xào, xáo, hấp, luộc… Còn gì thú vị hơn trong chiều mưa biên giới, ngồi trong quán thưởng thức một bữa thịt trâu nướng, trâu xáo lá lốt. Những cô đơn và mệt mỏi của một ngày sẽ dần tan biến…

Khúc biến tấu của đặc sản thịt trâu ba miền

Ở vùng Tây Bắc, thịt trâu được chế biến thành nhiều món độc đáo như thắng cố (Lào Cai), nậm pịa, thịt trâu khô (Sơn La), canh da trâu… Đến các tỉnh miền Trung nổi tiếng với món thịt trâu nướng sả (ăn với bánh phồng tôm), thịt trâu cuốn lá lốt nướng của người H’Rê (Quảng Ngãi)… Ở Nam bộ, thịt trâu luộc cơm mẻ (Cần Thơ, Trà Vinh), lẩu trâu… 

 

 

 

 

 

 

Thịt trâu gác bếp

Tôi thật không thể quên buổi xế chiều ấy khi được chiêm ngưỡng một con đường kỳ thú. Đó là con đường Tây Bắc, dưới lũng sâu có những thửa ruộng bậc thang diễm ảo làm nao lòng người. Khi thì nó vàng mơ màu lúa chín, nơi là con gái dậy thì với những gié đòng đòng đang độ mởn xanh.

Rồi con đường đèo quanh co như rồng uốn lượn qua những sườn núi cao chót vót ấp ủ mây mù trắng đục bảng lảng. Con đường đó dẫn đưa tôi đến nhà Tần Ê Loan. Dù mới quen nhưng Ê Loan không ngần ngại rủ tôi đến chơi nhà cô “cho biết”.



Uống trà cũng sang, lai rai càng “bắt... mồi”!

Và, tôi đã biết thế nào là “biệt sắc” Tây Bắc. Nhưng cô bảo chưa là gì, nếu chưa đến, chưa sống với một gia đình người H’Mông dân tộc cô. Vậy rồi tôi đã chìm trong nhiều cảm xúc của một tình thân không sao diễn tả, nhất là khi được thưởng thức món ngon: thịt trâu gác bếp.

Trâu là con vật quý, là gia tài của đồng bào dân tộc Tây Bắc nên người ta chỉ làm thịt trâu khi nó già, mất sức lao động, hoặc khi nó ngã ra vì rét đậm. Khi làm thịt trâu, người ta chọn những miếng thịt bắp để gác bếp. Trong cơ thể trâu, thịt bắp ngon nhất vì sự săn chắc do trâu vận động nhiều khi được thả rông trên đồi núi vùng cao. Thịt bắp được cắt từng tảng khá lớn, ướp gia vị là sản phẩm núi rừng, gọi là “chéo” - gồm thảo quả, ớt, gừng cùng một số loại lá thơm. Đặc biệt, trong số gia vị ướp thịt trâu không thể thiếu mắc khén - một loại tiêu rừng. Ướp xong, tảng thịt treo phía trên bếp lửa, khói bếp từng ngày dần xông khô nó. Cho nên tảng thịt để được cả năm trời, không cần bảo quản.

 



Ảnh: Phương Kiều

Tần Ê Loan thổ lộ với tôi như vậy về đặc sản Tây Bắc quê hương cô, cùng lúc đưa tôi ra gian bếp ám khói nhà mình. Không gian khá tăm tối nhưng lại ấm áp và thơm mùi thơm lạ kỳ toát ra từ những tảng thịt treo tòn ten trên bếp.

Ê Loan với tay lấy một tảng thịt đen ngòm, rồi kéo tôi vào ngồi cùng gia đình cô trong bữa cơm chiều. Cô xé từng miếng bự thịt trâu đưa tôi, bảo chấm vào chén chéo. Tôi làm theo, chỉ mới đưa lên miệng mùi thơm của chéo đã lan tỏa khắp khứu giác. Miếng thịt trâu đen đủi, khô khốc tưởng nhám xàm nhưng càng nhai càng nghe mùi thơm, cay, chua, mặn, ngọt đằm thắm miệng lưỡi ngào ngạt hương vị hoang dã núi rừng, lại có lẫn mùi khó tả của khói bếp.

Ê Loan bảo thịt trâu gác bếp phải ăn từng miếng xé to mới tiết ra vị ngọt như thế. Rồi cô rót đầy chén rượu ngô đặc sản lừng danh Tây Bắc cho tôi. Chiêu ngụm rượu màu vàng chanh, tôi cảm nhận mùi thơm của ngô hòa vị ngọt vị cay men rượu lan tỏa khắp người, vô cùng sảng khoái...

 

Địa chỉ cá nhân
 
Phạm Hoành
Hamburg, Germany
phamhoanh2@yahoo.de
LỊCH ÂM
 
 
Diese Webseite wurde kostenlos mit Homepage-Baukasten.de erstellt. Willst du auch eine eigene Webseite?
Gratis anmelden