Sẽ đưa Em về thăm quê Anh,nơi Tiền Hải

SẼ ĐƯA EM VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG ANH


Quê tôi là huyện ven biển ở phía Đông Nam tỉnh Thái Bình, mang đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Tiền Hải cái nôi của nền văn minh lúa nước với những miền quê thanh bình, xanh tươi, trù phú; những biển lúa mênh mông chín vàng thẳng cánh cò bay; sông ngòi, hồ ao nhiều, khí hậu mát mẻ, giao thông thuận tiện; nhiều làng nghề với những mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống có giá trị; nhiều di tích lịch sử và văn hóa với các lễ hội, trò chơi, điệu múa dân gian đặc sắc, hấp dẫn. Tiền Hải được hình thành từ công cuộc quai đê lấn biển, thau chua rửa mặn bãi biển Tiền Châu của doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ năm 1828. Với trên 23 km bờ biển gồm nhiều bãi ngang, bãi triều rộng, khu rừng ngập mặn gần 2000ha, hàng vạn km2 lãnh hải, vùng biển Tiền Hải không chỉ đa dạng về ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp mà còn tạo điều kiện cho huyện tăng cường khả năng khai thác các dịch vụ tổng hợp nguồn lợi biển, trong đó có phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, thể thao. Đó là khu du lịch biển Cồn Vành được quy hoạch đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí lớn của vùng đồng bằng sông Hồng.


Từ trung tâm Thành phố Thái Bình xuôi theo Quốc lộ 39B, đến ngã ba Trái Diêm rẽ phải, theo đường 221A chừng 13 km, bạn sẽ chạm đê biển Cồn Vành. Cồn Vành cách đất liền 7km, được ví như Tuần Châu của Quảng Ninh, một “cô gái đẹp đang được đánh thức”. Cồn Vành là bãi sa bồi với địa hình tương đối bằng phẳng, nằm ở phía đông xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, phía Bắc giáp Cồn Thủ, phía Nam giáp cửa Ba Lạt. Cồn Vành thuộc khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (đã được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2004), nằm trong hệ thống liên hoàn các khu rừng ngập mặn ven biển trải dài từ Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh với khu vực rừng ngập mặn rộng gần 2000ha. Hệ sinh thái rừng ngập mặn của Cồn Vành khá phong phú với nhiều loài thực vật như sú, vẹt, bần, thông; trên 200 loài hải sản có giá trị và nhiều loài chim quý hiếm. Năm 2008, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Vành mang tầm cỡ của khu du lịch Quốc gia với quần thể sân bay, sân gôn, khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí tiêu chuẩn quốc tế. Theo quy hoạch, Cồn Vành sẽ có khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao được bố trí ven biển kết hợp với bãi tắm và bể bơi; khu vui chơi giải trí bao gồm các điểm tổ chức đua thuyền, du ngoạn, thể thao và các loại hình giải trí đa dạng; khu thể thao sân gôn; khu du lịch văn hóa; khu rừng ngập mặn và các khu cây xanh được bố trí gắn với sông, biển để tạo ra vùng sinh thái có một không hai ở ven biển Bắc Bộ. Hiện tại Cồn Vành còn khá hoang sơ, tự nhiên với những hạng mục công trình đang bắt đầu xây dựng.


Đến Cồn Vành,bạn không chỉ tắm biển, nghỉ dưỡng, thưởng thức hải sản tươi ngon, hấp dẫn mà còn có thể đi thuyền quanh hệ thống sông Hồng Lấp, sông Đào, sông Cau, ra tận cửa Ba Lạt, hòa mình vào với thiên nhiên kỳ thú, với rừng ngập mặn và vô số chim muông. Điểm đặc biệt ở Cồn Vành là triền cát mịn, trải dài khoảng 6km. Bạn có thể ra rất xa để tắm biển buổi sáng mà mức nước vẫn chỉ cao vừa phải, tuy nhiên sóng lại khá lớn, có thể trùm kín đầu để bạn cảm nhận sự mạnh mẽ của biển cả và thiên nhiên. Những hàng phi lao chắn cát xanh ngát cũng sẽ là một điểm nhấn lý tưởng dành cho những du khách thích tạo dáng chụp ảnh. Cái thú khi du lịch Cồn Vành phải kể đến cảm giác nằm cưỡi sóng, ngắm biển đêm, hòa cùng thiên nhiên và thưởng thức gió trời lồng lộng mang vị mặn mòi của biển, một trong những nét đặc trưng nơi đây. Cồn Vành hấp dẫn khách du lịch cả bốn mùa trong năm, tuy nhiên nếu muốn hòa mình vào cuộc sống cư dân nơi đây, bạn nên tìm hiểu kĩ để về đúng dịp lễ hội ở Cồn Vành với các hoạt động hấp dẫn của những trò chơi dân gian: đi cà kheo, biểu diễn kèn đồng, trống trắc, thi bơi chải, bóng chuyền bãi biển, cắm trại… Ngoài ra bạn cũng có thể đi thăm hải đăng Ba Lạt, nơi có thể quan sát hết vẻ đẹp của biển đảo Cồn Vành từ trên cao. Du lịch Cồn Vành phù hợp cho chuyến đi chơi ngắn ngày, tuy nhiên, nếu có thêm thời gian, bạn có thể thăm thú các nơi lân cận như khu du lịch sinh thái biển Đồng Châu, bãi biển Cồn Đen và những địa danh nổi tiếng như chùa Keo, đền Mẫu Đợi, Tiên La, đền Trần… Với ưu thế nằm giữa những điểm du lịch nổi tiếng theo đường biển, Cồn Vành cách Vịnh Hạ Long, Bãi Cháy (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng) không xa. Và chỉ mất vài giờ cao tốc tới điểm nghỉ mát Vân Đồn, bãi tắm Trà Cổ ở phía bắc, lại cận kề các bãi tắm Quất Lâm, Thịnh Long (Nam Định) và không quá xa Sầm Sơn, Cửa Lò… Cồn Vành sẽ đóng vai trò như một điểm kết nối các điểm du lịch, làm phong phú thêm bản đồ du lịch của Biển Đông. Từ khi có đường bộ nối với đất liền, Cồn Vành đã trở thành điểm lựa chọn của rất nhiều du khách từ mọi miền Tổ quốc.


Không chỉ đẹp bởi những tài nguyên do thiên nhiên ban tặng, Tiền Hải còn níu chân du khách bởi những giá trị lịch sử, văn hóa do con người hàng trăm năm vun đắp. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Tiền Hải đã gây dựng cho mình một sắc thái văn hoá riêng, phong phú, đa dạng; vừa có cái chung của văn hoá miền duyên hải, lại có những nét riêng của văn hoá khẩn hoang lấn biển – văn hoá của những người mở đất. Cùng với du lịch sinh thái – tự nhiên, Tiền Hải còn có lợi thế với nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, tiêu biểu cho nền văn hoá vùng đồng bằng Bắc bộ, đậm đà bản sắc dân tộc. Trên địa bàn huyện hiện có 250 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có 97 di tích đã được xếp hạng (14 di tích cấp Quốc gia, 83 di tích cấp tỉnh), các di tích lịch sử – văn hóa được phân bố rộng khắp ở các xã, thị trấn trong huyện. Mỗi di tích đều có những nội dung và đặc trưng khác nhau, có thể khai thác kết hợp với du lịch sinh thái để hình thành các tuyến du lịch tổng hợp và tuyến du lịch chuyên đề. Các lễ hội truyền thống cùng những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc như lễ hội đền Cửa Lân, xã Đông Minh; lễ hội đền Đại Hoàng, xã Tây Lương; lễ hội chọi trâu 10/8 – Âm lịch… với các trò chơi, trò diễn dân gian đa dạng như bơi chải, vật, chọi gà, cờ tướng, hát chèo, múa lân, trống, trắc, kèn… phong phú, nổi danh một thời nay vẫn được bảo lưu và phát triển, đã và đang trở thành “đặc sản” văn hóa du lịch độc đáo của miền quê lúa.


Là vùng đất trẻ, Tiền Hải không có nhiều những di sản văn hóa lâu đời. Song, là đất thiêng, Tiền Hải ghi dấu ấn đậm nét của cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 của nông dân ba làng Đông Cao, Nho Lâm, Thanh Giám. Đây còn là mảnh đất gắn liền với những tên tuổi đã đi vào lịch sử dân tộc, vào văn hóa nhân loại như khu đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Nam Cường; khu lưu niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ xã Tây Sơn; cụm tượng đài lịch sử 14/10; di tích lịch sử Bùi Viện – nhà ngoại giao; Ngô Quang Bích – nhà văn hóa, nhà yêu nước; nhà tưởng niệm Đại tướng Hoàng Văn Thái – Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Rồi đình Nho Lâm – Thanh Giám, địa điểm xuất phát cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải; đình Tiểu Hoàng; cụm di tích chùa Trung- Mả Bụt là cơ sở hoạt động của Tỉnh ủy Thái Bình, nơi diễn ra cuộc mít tinh Mả Bụt 12/9/1940 của nhân dân 3 huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Ninh… Nhiều di tích đã trở thành điểm sinh hoạt tín ngưỡng nổi tiếng linh thiêng, đang thu hút du khách trong và ngoài nước về thăm viếng, tìm hiểu và học tập. Vì vậy, Tiền Hải còn là nơi thích hợp cho loại hình du lịch dân tộc học để thu hút những ai ham thích nghiên cứu, tìm hiểu về thành tựu của công cuộc khẩn hoang, về nghệ thuật và kỹ thuật thuỷ nông do Nguyễn Công Trứ tổ chức cách đây 190 năm đến nay vẫn phát huy tác dụng, về văn hoá của cư dân ven biển, tìm về cội nguồn của phong trào nông dân khởi nghĩa năm 1930…
Tiền Hải hôm nay còn hứa hẹn bởi sự sầm uất của khu công nghiệp sử dụng khí mỏ với dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, các làng nghề truyền thống như mây tre đan, dệt, nón lá, chiếu cói, chế biến nông sản, thủy sản… Tất cả đã làm phong phú thêm đời sống vật chất, tinh thần của người dân Tiền Hải, tạo nên sự hấp dẫn, thu hút sự tìm về của du khách khắp nơi.
Để khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả; ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch, chương trình về phát triển du lịch huyện trong từng năm, từng giai đoạn. Đến nay, ngành du lịch Tiền Hải đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch từng bước được hoàn thiện.
Trên địa bàn huyện hiện có 52 cơ sở lưu trú du lịch, với 569 phòng nghỉ, trong đó có 11 khách sạn được xếp hạng: 01 khách sạn 3 sao, 03 khách sạn 2 sao, 07 khách sạn 1 sao; có tuyến xe buýt ra tận Cồn Vành. Doanh thu từ các dịch vụ du lịch toàn huyện năm 2017 đạt khoảng 50 tỷ đồng, tổng khách tham quan đạt trên 300.000 lượt người/năm.
Trong một tương lai không xa, Cồn Vành sẽ trở thành một khu du lịch có tầm cỡ, hấp dẫn, phát triển bền vững, hài hoà và hiệu quả. Cùng với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm biển, các điểm du lịch lễ hội, làng nghề, với lòng mến khách của người dân Tiền Hải anh hùng, sẽ là một điểm đến không thể thiếu được với những người đến Thái Bình. Tích cực đổi mới, thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển du lịch nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch là điều mà Tiền Hải đang hướng tới.
Hè này anh sẽ đưa em về thăm quê hương anh.Nơi đấy có gió,nắng,sóng biển và tình thương.
Hẹn gặp nhé hỡi Tiền Hải mến yêu.
( Viết dựa theo thế giới hôm nay)




Địa chỉ cá nhân
 
Phạm Hoành
Hamburg, Germany
phamhoanh2@yahoo.de
LỊCH ÂM
 
 
Diese Webseite wurde kostenlos mit Homepage-Baukasten.de erstellt. Willst du auch eine eigene Webseite?
Gratis anmelden