Khánh thành đình làng Trung Thành
KHÁNH THÀNH ĐÌNH LÀNG TRUNG THÀNH  
"Tản mạn, gửi về quê hương"
Bố mẹ tôi không sinh ra từ làng Trung Thành,anh em tôi cũng không ai sinh ra ở đất Trung Thành (Khi tôi sinh ra tại chỗ đất trước đây của Trung Thành,nhưng tại thời điểm sinh đã cắt về Đông Khu của làng Roãn Đông). Nhưng tôi đã có 18 năm tuổi thơ với làng Trung Thành.Nên có rất nhiều kỷ niệm với làng.Nay làng Trung Thành làm lễ khánh thành đình làng tôi có rất nhiêu tản mạn và tâm ký ức về ngày xưa lại ùa về,mà tôi đã xa cách đây trên 40 năm..
Như ai đó đã viết:
Ngày xưa ơi....
Có khi nào cất tiếng gọi là một lần buồn bã.
Không phải vì tiếc nuối mà muốn quên đi.
Không phải vì muốn níu kéo mà muốn cắt đứt.
Không phải muốn quên mà buộc phải nhớ.
Đó chẳng phải gì đẹp đẽ mà là một tì vết. ..
Và ngày xưa …
Nhưng trong tôi thì lại:
Tôi yêu quê hương vô cùng.
Yêu cánh đồng xanh mướt trải tít tắp tận rặng cây phía xa.
Yêu mùi thơm của đất và hương lúa chín mỗi độ mùa về.
Yêu vì được về lại ngôi nhà ấm áp mùi đài bi, sắc cam hoa lan tiêu bên tường..
Tôi yêu Trung Thành không chỉ từ những niềm vui khôn tả mà chất chứa trong ấy là cả những câu chuyện buồn ..
Về những ngày xưa khuất nẻo cho ngày nay khôn lớn ..
Ngày xưa ơi....
Làng Trung Thành xưa kia bắt nguồn từ huyện Giao Thuỷ,phủ Thiên Trường. Phủ Thiên Trường thời Lý là Hải Thanh, thời Trần đổi là Thiên Thanh rồi Thiên Trường. Thời thuộc Minh đổi là Phụng Hoá, thời Lê lấy lại tên Thiên Trường, thời Tự Đức đổi là Xuân Trường. Phủ Thiên Trường gồm các huyện Giao Thuỷ, Mỹ Lộc, Thượng Nguyên, Nam Chân. Sau thành lập huyện Chân Ninh cũng thuộc phủ Thiên Trường.
Khi xưa con sông Hồng chảy đến Ngô Đồng ( Cồn Nhất) thì đổ ra biển bằng hai cửa sông là Hà Lạn và cửa Lân.Dải cát trải dài từ Cồn Tiên (Nam Thịnh) đến Giao Lâm đó chính là huyện Giao Thuỷ.
Kế tục thành quả của Doanh điền Nguyễn Công Trứ, Phó bảng Đặng Kim Toán là người Hành Thiện - Phủ Xuân Trường làm tổng đốc tỉnh Nghệ An (còn gọi là cụ Thượng Nghệ) đã giúp dân tiến hành công cuộc khai hoang lập nên mảnh đất tổng Lạc Thiện. Theo truyền thuyết tại địa phương và tư liệu “Từ đường biên ký” của dòng họ Trần Biên thì công cuộc khai hoang của cụ Phó bảng Đặng Kim Toán được ghi như sau: “Năm Tự Đức thứ 10 (1857), Phó bảng Đặng Kim Toán về đây khai hoang mở đất. Năm Tự Đức thứ 13 (1860), lấy cột đá chôn để phân định mốc giới, tiến hành làm hộ tịch và cấp quân điền cho nhân dân. Thống nhất lấy tên đất, tên làng theo tên gọi cũ thuộc huyện Xuân Trường để đặt tên cho làng xã vùng đất mới.Một vùng đất rộng lớn, phì nhiêu màu mỡ hiện nay thuộc các xã: Giao Thiện,Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân huyện Giao Thủy. Vùng đất đó là Tổng Lạc Thiện,là tổng mới sau này là quê hương của tôi bây giờ.
Trước năm 1890 sông Hồng mở đứt từ Cồn Tư xuống Bồng He ra biển bằng 2 cửa.Một cửa chỉ Nam,theo sông Cồn 5 ra biển (của Ba Lạt Nam) và một sông nhỏ hơn chảy ven làng Roãn Đông đổ qua Thiện Thành ra Cồn Tiên và một cửa ra Hợp Châu (Pháp gọi là cửa Ba Lạt Đông.Sau này trong ký ức tôi chỉ còn là cảng cá Hơp Châu).Nhánh cửa Nam đã chia đôi tổng Hà Cát thành 2 ( tả là Lạc Thiện còn hữu là Hà Cát). Bên tả ngạn sông cửa Ba Lạt Đông ( từ An Tứ đến cửa Lân) của huyện Giao Thuỷ được thành lập tổng Đông Thành mới.Còn bên Giao Thủy được thành lập thành tổng Lạc Thiện. Tuy nhiên khi đó đất làng Trung Thành và làng Hơp Châu đã được hình thành nhưng chỉ là bãi bồi và còn nối liền trong đất xã Thiện Giáo trên hòn đảo tổng Lạc Thiện mới hình thành.
Năm 1891 sáp nhập các xã, thôn, trại, giáp (của huyện Giao Thủy) ở bên tả ngạn sông Hồng vào huyện Tiền Hải, lập thành tổng Đông Thành.Tổng Đông Thành được lập gồm:Vĩnh Trung, Trung Lang, Thanh Châu, Châu Nhai, Doãn Hương, Phương Viên, Thục Thiện, An Tứ Thượng, An Tứ Hạ, Đông Hòa Nội, Đông Phú, Doãn Đông, Lộc Trung, Tả Thiện Thành, Thiện Tường, Đông Thành, Nam Đồng, Mộ Làng, Thượng Đồng, Đại Đồng.
Ngày 28.11.1894, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cắt Tổng Đông Thành về Thái Bình.Chia xã Đông Thành làm 4 xã: Đông Thành, Nội Lang, Trung Đồng, Nam Đồng.
Năm 1902 bên Thái Bình, thành lập các xã: Thiện Thành, Vĩnh Trung, Thanh Châu, Trung Lang, Doãn Thượng, Hợp Châu ( đất Cồn Tiên), Phương Viên, Bát Cấp, Đại Đồng, Đông Phú, Châu Nhai.
Bờ biển Giao Thuỷ từ cửa Ba Lạt (Hợp Phố sau này) đến cửa Hà Lạn dài 32 km. Sông Hồng là ranh giới tự nhiên từ thị trấn Ngô Đồng đến cửa Ba Lạt Đông (đoạn giữa Thiện Tường và Hợp Phố) ngăn cách huyện Giao Thuỷ với tỉnh Thái Bình. Sông Sò là ranh giới tự nhiên ngăn cách huyện Giao Thuỷ với huyện Xuân Trường và huyện Hải Hậu.
Tổng Lạc Thiện (hòn đảo giữa hai cửa Ba Lạt Đông và Nam) vẫn thuộc đất Giao Thủy,xã Thiện Giáo bên hữu cửa Ba Lạt Đông có hiệu từ thời Thành Thái thứ 14 (1903 ,sau trận bão rồng quấn) được khai khẩn trên bãi bồi bên ngoài biển của xã Lộc Trung và Roãn Đông (tổng Đông Thành). Từ cửa Ba Lạt Đông (Hợp Châu ) đến Từ Nguyên (Giao An) và nằm bên tả ngạn cửa Ba Lạt Nam.Dòng họ đến trưng khẩn đầu tiên là cụ Nguyễn Lương Bằng (gốc người Trung Hoa) quê xã Lục Trung và cụ Trần Quang Khanh quê xã Lục Thuỷ, phủ Xuân Trường. Cùng với hai vị tiên công còn có gia đình các cụ Nguyễn Chiêu, Phạm Rật (Sử Hoành Lộ xã Giao An ghi cụ phó Doãn Đình Rật), Trần Mã, Trần Chương và Phạm Khẩn. Cả năm cụ đều có quê gốc Trà Lũ huyện Xuân Trường.
- Năm 1903 có trận bão giỗ trận, dân Trà Lũ làm ăn dưới biển bị rồng biển hút chết hết,xác đưa về quê chất thành đống như đống ra. Bà nội tôi kể là cụ Cai Đằng ở Hạ Miêu là bố của bà chuyên cai thợ gặt xuống làng Roãn Đông gặt thuê kể lại là các cụ Trà Lũ ở bãi bồi bên Giao Thuỷ ngoài biển (sau là Trung Thành) chết hết không còn một ại.
- Khoảng năm 1911,cửa Ba lạt lại một lần nữa do nước lũ về,cửa sông được phá hội: chảy thẳng từ Roãn Đông ra biển cắt làng Thiện Giao (tổng Lạc Thiện) ra làm đôi.Phía hữu của Ba Lạt vẫn là xã Thiện Giáo,còn phần đất mới bồi và cồn cát bên phía tả ngạn cửa Ba Lạt mới được thiên nhiên chuyển cho tổng Đông Thành. Khu đất này sau được giao về thái Bình và chính quyền Tổng Đông Thành khai khẩn chiêu dân thành lập ấp Trung Thành. Từ đó cửa Ba Lạt chỉ còn 01. Hai cửa Ba Lạt Đông ( Hợp Phố) và cửa Ba Lạt Nam (Giao Xuân) đầy dần. Nước thuỷ triều của bãi đầm ven biển từ Yên Tứ Roãn Đông trút ra biển bằng các con sông Khổng,sông Nam,sông Sáu,sông Hợp Châu và các nhánh nhỏ khác.Khi đó bắt đầu có dân Trà Lũ xuống đánh lờ,để đó ở bãi phù sa Trung Thành.
- Cửa Ba Lạt cứ mỗi năm lấn ra biển bằng đất phù sa lở 2 bên bờ thượng nguồn khoảng 120 m và 50 đến 70 năm lại phá hội một lần.Tôi được chứng kiến cảnh phá hôi năm 1971 chia dải cồn Để từ Giao An đến Cồn Vành thành 2 khu Côn Vành và Khu vườn quốc gia Giao Thuỷ bây giờ).
- Năm Duy Tân 9 (1915), thôn Trung, Trà Lũ tách thành 4 xã: Trà Trung (nay là xã Xuân Trung), Trà Đông (nay là xã Xuân Phương), Trà Bắc (nay là xã Xuân Bắc) và Nam Điền (nay thuộc địa phận xã Xuân Vinh). Dân cư ngày càng đông đúc, nhiều dân đã di tản xuông cửa Ba Lạt quai vùng để lập nghiêp như đánh lờ,để đó,chăn vịt và cấy cói để lập nghiêp.
- Năm 1923, Chính phủ bảo hộ Pháp cho nhân dân đắp đê,đấu đất. Họ Đặng ở Trà Lũ đứng ra đấu thêm đất và đắp đê, mộ dân 4 xã Trà Trung đến khai khẩn lập làng.
- Năm 1924 làng được thành lập,lấy tên miền đất quê Trà Trung là Trung Thành (như Thiện Thành,Thiện tường là của người từ Hành Thiện).Triều Đình đã ban hương ước và Thần sắc cho làng Trung Thành.Từ đó dân Trung Thành mới được an cư lập nghiệp.Các cụ đến tuổi lấy vợ lấy chồng và những đứa trẻ đầu tiên được ra đời tại đây...
Xưa kia các Cụ từ Trà Lũ,đến vùng đất mới cư trú ở ven sông Hồng tại cửa Ba Lạt cùng nhau dựng lều, dựng lán, lợp cói, vách đất. Các bậc tiền nhân trong ấp đã bỏ ra rất nhiều công sức và phải trải qua suốt 21 năm vất vả, vận lộn với sóng gió dữ dội, nước biển hoành hành, vẫn cùng nhau đồng lòng quai đê ngăn nước mặn, nước lũ sông Hồng để sống với nghề để đó,chăn vịt,cấy lúa nàn và làm đầm.Mỗi cụ một nghề và có lều riêng ( lều của họ Phan cạnh nhà tôi bây giờ,lều họ Vũ ở trước đình bên này sông Năm ...và nói chung vất vả, đúng như cảnh các bác từ Nam Định sang Cồn Vành làm đầm bây giờ).
Các cụ tổ của làng Trung Thành là các cụ Viên họ Đặng, cụ Ngũ họ Phan (Xuân Phương), Cụ Rự họ Vũ (Xuân Vinh),cụ Kịn họ Trần,cụ Đạt họ Khổng,cụ Ri họ Hồ,cụ Thức họ Nguyễn,họ Phạm,cụ Lừng họ Đoàn,cụ Rật... đến từ năm 1911-1925. Các cụ đến từ Trà Lũ Trung (Thôn Trung nay là xã Xuân Vinh Xuân Bắc, Xuân Trung, Xuân Phương).
- Năm 1928, sau 100 năm thành lập huyện Tiền Hải, tên của làng Trung Thành đã có trong danh sách các làng xã trong Tổng Đông Thành: An Tứ Hạ, An Tứ Thượng, Bát Cấp, Châu Nhai, Doãn Đông, Doãn Thượng, Đại Đồng, Đông Hào, Đông Phú, Đông Thành, Đồng Lạc, Hợp Châu, Hợp Phú, Lộc Trung, Nam Đồng, Nội Lang, Phương Viên, Thanh Châu, Thiện Thành, Thiện Tường, Thục Thiện, Trung Đồng, Trung Lang, Trung Thành, Vĩnh Trung.Còn Cồn (ngày xua các cụ Trung Thành gọi Hưng Hải bây giờ là Cồn,ngoài Cồn).Sau năm 1923 các cụ các họ từ Định Hải (tổng Hà Cát) đến khai Khẩn ở và lập ấp. Sau sự kiện ngày 14 thang 10 năm 1930, tỉnh Thái Bình chiêu thêm dân khai khẩn tả ngạn cửa Ba Lạt.Các cụ làng Trình Phố (Tây An ngày nay) xuống khai hoang lập theo quê là ấp Hơp Phố. Người Hưng Nhân xuống lập ấp lấy tên quê là Hưng Hải sau đổi tên Thúy Lạc để đúng với tên làng cổ của mình...Cụ Nguyễn Tạo (1905 – 1994), bí danh Trần Châu,Tạo Rỗ,là tù nhân chính trị của triều đình.Ngày 25 tháng 12 năm 1932, cụ cùng 6 người khác gồm Nguyễn Lương Bằng, Hào Lịch, Lê Đình Tuyển, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm và Võ Duy Cương tổ chức vượt ngục Hỏa Lò. Sau khi vượt ngục, ông đổi tên thành Nguyễn Phủ Doãn để hoạt động bí mật. Trong thời gian này, cụ hoạt động ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), tiến hành vận động người dân khai hoang, lấn biển.Cụ là một người trong nhóm người đầu tiên từ Hưng Nhân quang gánh và điệu chèo quê xuống khai khẩn Cồn cùng người Hà Cát đã có trước ở đây... Cụ ở vùng ta khoảng 6 tháng.Trong nhóm người đầu tiên từ Hưng Nhận xuống có nhiều người là đảng viên đảng cộng sản.Trong đó Cụ Phạm Văn Đầu,bố của ông Phạm Hưng ở cạnh nhà tội.Những Năm sau cuối đời,theo gợi ý của bác Toản (Gia,bí thư chi bộ) cụ hay đọc cho tôi viết về đời cụ,về lich sử những người Hưng Nhân xuống khai hoang ( không nhớ cụ xuống năm nào).
Sau khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Ngày 01.4.1946, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa I họp phiên đầu tiên đã ra nghị quyết về hành chính, bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Theo đó tỉnh Thái Bình có 12 huyện, trong đó có huyện Tiền Hải trực thuộc tỉnh. Huyện Tiền Hải lúc này có 11 xã là: Hữu Nam, Hưng Đạo, Ngọc Thụ, Phùng Hưng, Ái Quốc, Công Trứ, Đông Hà, Ngô Quyền, Nam Hải, Đông Hải, Văn Tố.
- Sau khi hòa bình được lập lại, tháng 1 năm 1955, trong niềm vui giải phóng, xây dựng quê hương mới, Ủy ban kháng chiến hành chính Tiền Hải quyết định đặt tên mới cho những làng xã trong huyện. Khu Nam (12 xã),Nam Hưng có: Tân Trào, Lộc Trung, Hưng Hải, Trại Nam Đồng, Trại Quý Lâm.Trung Thành thuộc thôn Tân Trào.
- Năm 1962, năm tôi sinh, sau khi hoàn thành quay đê Nam Hưng,xây được 3 con cống lớn,Thái Bình được bác Hồ về thăm và định hướng mở rộng 2 xã Nam Hưng và Nam Cường.
- Năm 1963 làng Trung Thành được chiêu dân mới các họ từ xã Tây Phong thành lập đội 9 (trên gò sông Năm) và các họ từ xã Đông Trung đến thành lập đội 10 (trên gò sông Sáu).
- Ngày 13.12.1986, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 169/HĐBT, chia một số xã,theo quyết định trên, chia xã Nam Hưng thành 2 xã, lấy tên là Nam Hưng và Nam Phú.Làng Trung Thành chúng ta thuộc xã Nam Phú.
- Đình làng không những là địa điểm tâm linh, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng còn là nơi thờ Thành Hoàng của làng, đồng thời còn là nơi hội họp, bàn việc của dân làng. Đình được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn bó với một cộng đồng cư dân và mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam.Đình làng Trung Thành được xây dưng từ năm 1937.Nghe một số cụ cao tuổi kể cũng mấy năm mới xây xong.Sau hoà bình 1954 đình cũng không được thờ cúng như trước kia.Có thời kỳ đình làm sân kho của đội,bố tôi nhiều năm coi kho các vụ gặt trước đây.Thời kỳ trước 1975 chúng tôi còn nhớ hay trèo lên nóc đánh trận giả,trèo lên cây đề ngoài bờ sông hái quả...Các anh lớn tuổi thì chơi bóng chuyền ở cạnh đình.
-Năm 1977 đình bị phá ,bỏ hoang sơ.Đầu thập liên 90 đình được xây lai,phục hồi như cũ.Có một thời bị nhà dân lấn chiếm nhưng nhân dân đòi lại năm 2000.Từ đó đến nay đình được phục hồi,lễ bái như xưa.Giờ xuống cấp,bà con góp tiền xây dựng lại to đẹp hơn.
Làng Trung Thành đến nay đã có liên hiêu trên 100 năm.Vậy Thành Hoàng Làng là ai?
Thành hoàng là một niềm tin thiêng liêng, một chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng từ bao đời nay. Thờ cúng Thành Hoàng cũng giống như thờ cúng Tổ Tiên, nó mang đậm dấu ấn tâm linh và thể hiện quan niệm “uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam.
Đình làng Trung Thành đang thờ ai ?
Hiện nay đang thờ anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn. Cụ là con của thân vương An Sinh vương Trần Liễu và là cháu nội của Trần Thái Tổ, có mối quan hệ mật thiết với hoàng tộc họ Trần và vua Trần Nhân Tông gọi cụ bằng bác. Năm 1257, cụ được vua Trần Thái Tông phong làm đại tướng chỉ huy các lực lượng ở biên giới đánh quân Mông Cổ xâm lược. Sau đó, cụ lui về thái ấp ở Vạn Kiếp. Đến tháng 10 âm lịch năm 1283, nhà Nguyên (sau khi Mông Cổ thống nhất Trung Hoa) đe dọa đánh Đại Việt lần hai, cụ được Thượng hoàng Trần Thánh Tông, và vua Trần Nhân Tông (lần lượt là em họ và cháu họ của cụ) phong làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội cả nước. Trên cương vị này, năm 1285, cụ lãnh đạo quân sĩ chặn đứng đội quân xâm lược hoàng tử thứ chín Thoát Hoan. Trong các trận Hàm Tử, Chương Dương, Trường Yên, Vạn Kiếp,... đánh đuổi hoàn toàn quân Nguyên khỏi biên giới.
Cụ Trần Quốc Tuấn là một bậc tướng tài có đủ tài đức. Là tướng nhân, cụ thương dân, thương quân, chỉ cho quân dân con đường sáng.Cụ mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý, Hưng Long thứ 8 (1300) và chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh miền Đông Bắc, không xây lăng mộ, đất san phẳng, trồng cây như cũ...
Vua phong cụ tước Hưng Đạo đại vương vì có công giúp vua và triều đình đánh giặc ngoại xâm giữ được ngai vàng cho dòng họ và nước ta không bị rơi vào sự đô hộ của triều đình Mông cổ . Triều đình lập đền thờ cụ tại Vạn Kiếp, Chí Linh, ấp phong của cụ thuở sinh thời. Vua coi như bậc trượng phu, trăm họ kính trọng gọi cụ là Hưng Đạo đại vương.Người anh hùng của dân tộc,là môt ông quan đời Trần thời phong kiến trong giai đoạn suy yếu nhất của nhà Trần,cách đây ngót nghìn năm. Không liên quan đến làng Trung Thành chúng ta,nhưng cụ là tướng duy nhất của Viêt Nam,người Việt duy nhất được nhân dân phong thánh.Vậy suy tôn cụ thành Thành Hoàng làng Trung Thành cũng chẳng có gì sai,như bao làng khác ở Việtnam.
Theo tôi làng ta thờ cụ nào cũng được.Tuy nhiên nếu có thể thờ thêm cụ thần Thành Hoàng làng đã được vua ban trước đây.Có cụ linh thiêng che chở cho dân làng thì chúng ta mới được như ngày hôm nay.Có cụ linh thiêng che chở ,cất dấu cán bộ Viêt Minh,cán bộ cách mạng... thì Đảng ta mới yên tâm đánh thắng thực dân Pháp,nên công có di tích lịch sử hôm nay là công của cụ.Đảng công nhận di tích lịch sử là tri ân ngôi đình,nhớ ơn cụ Thành Hoàng làng đã bảo vệ cho các Đảng viên hoàn thành nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm.Đó là uống nước nhớ nguồn... của Đảng.
Ngoài ra chúng ta cũng có thể thờ thêm các cụ có liên quan đến làng mình,như cụ: Phan Bá Vành người Trà Lũ dân gốc quê hương mình và đã lấy địa danh gây dưng với trên 5000 quân tại miền Giao Thuỷ này để khởi nghĩa chống lại triều đình phong kiến lúc bấy giờ mà sử đã ghi những trận đánh lẫy lừng của các cụ tại quê mình như Cồn Tiên,Chơ Quán,Đông Quách... Mình là cháu chắt của các nghĩa quân Ba Vành,tinh thần chiến đấu của người Trà Lũ luôn trọng nghĩa tình ,đã một thời vùng lên đấu tranh chống lại ách thống trị của triều đình phong kiến thối lát và đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Hoặc thờ thêm các cụ thuỷ tổ của làng ta như họ Phan,họ Vũ làng mình...càng hay,càng vui, nhiều cánh tay bảo vệ và tu bổ di tích lịch sử.Vì họ cũng có công khai lập làng ấp khi sơ khai,xây dựng đình lần thứ nhất và cảnh giới,giúp cán bộ Viêt Minh năm xưa không bị quân thù bắt để ngày nay là nơi di tích văn hoá lịch sử.Đặc biệt dòng họ Phan,luôn là dòng họ đứng thứ hai trong làng.Trước 1945 ngoài sự kính trọng cụ Bá Phương,cụ Lý Quất ra thứ 3 là cụ Phó Lục.Sau 1945,Pháp quay lại dân làng ta vẫn suy tôn họ Phan mà dân làng ta đã có dự tính miệng cho cán bộ tương lai nên suy gọi 2 ông kế cận lớp trẻ là ông Chánh Ba ( họ Đăng) và ông Chánh Rương (họ Phan).
Hương ước và Thần sắc của làng có thể còn lưu giữ hoặc có thể bị thất lạc qua biên cố: Cải cách thu đốt năm 1954,1977. Tuy nhiên bản mẫu có thể mất nhưng bản sao thì vẫn có thể liên hệ để sao chụp lại tại:Thư viện tỉnh Thái BìnhĐịa chỉ: Số 196- Hai Bà Trưng Thành Phố Thái BìnhEmail:thaibinhthuvien@yahoo.com
Thần tích thần sắc làng Trung Thành tổng Đông Thành huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình / Thư viện tỉnh Thái Bình sao chụp. - Photo từ bản sao.- Thái Bình : [k.n.x.b.],2009. ĐTTS ghi: Viện Thông tin Khoa học xã hội, Bản sao chép tay (Viện TTKHXH-TTTS 8712).
Tóm tắt: Giới thiệu thần tích về thiên thần Bản Cảnh Thành Hoàng, các sắc phong và phong tục tập quán của làng Trung Thành tổng Đông Thành huyện Tiền Hải nay thuộc xã Nam Phú huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình
Ký hiệu kho: Kho Địa chí: DCV.002513
Chỉ số phân loại: 390.0959736/ TH121T
Con nghĩ vội vậy có đúng không các cụ ơi? Sau 100 năm làng Thiên Giao ( làng Ba Lạt) bị thiên nhiên chia cắt làm hai xa cách đôi bờ của dòng sông Hồng tai cửa Ba Lạt. Nay nhờ Đảng và Nhà nước đã đang làm một con cầu lớn nối liền đôi bờ, sắp xong rồi các cụ ạ.Tương lai từ Hợp Châu xuống đến cửa Ba Lạt trở thành đô thị Nam Phú,trước năm 2025 là đô thị loại V trong khu kinh tế Thái Bình. Ngôi đình các cụ xây dựng có hướng về tây,hướng về bờ bên kia sông Hồng,nơi cố hương có dân làng,họ hàng,có Tổ tiên của các cụ còn ở bên đó đang ngóng chờ con cháu trở về.Hy vọng một ngày gần đây Nhà nước lại cho hai tỉnh Nam Định và Thái Bình sát nhâp thành một nhà.
Nhân mai là ngày khánh thành đình làng, con không về được,con xin khấn thỉnh cáo từ nước Đức xa xôi:
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con xin kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương.
Hương tử con là Phạm Văn Hoành
Ngụ tại CHLB Đức
Hôm nay là ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Dần
Hương tử con do sinh sống ở nước ngoài không về được, thành tâm kính khấn: Đức Đại Vương nhận mệnh Thiên đình giáng lâm ở nước Việt Nam làm Bản cảnh Thành Hoàng chủ tể một phương bấy nay ban phúc lành che chở cho dân Trung Thành làng của con. Nay hương tử chúng con thành tâm dâng lên lễ tiền (đã gửi cháu chắt ở nhà kinh dâng) và thành tâm kính tấu … Cầu mong đức Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương chứng giám, rủ lòng thương xót, phù hộ che chở cho chúng con sức khoẻ dồi dào, mọi sự tốt lành, lắm tài nhiều lộc, an khang thịnh vượng, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm. Hương tử con lễ bạc tâm thành, trước án đã gửi , cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
-----------------------------
PS:
Nôi dung tự biên theo tài liệu có nhiều sai sót mong các cao nhân lượng thứ và chỉnh sửa để tôi học hỏi.
Địa chỉ cá nhân
 
Phạm Hoành
Hamburg, Germany
phamhoanh2@yahoo.de
LỊCH ÂM
 
 
Diese Webseite wurde kostenlos mit Homepage-Baukasten.de erstellt. Willst du auch eine eigene Webseite?
Gratis anmelden