Hành Thiện cố hương


Bản đồ làng Hành Thiện

Ngôi làng nhỏ ven sông Ninh Cơ (sông Cửa Lạch), một chi lưu của sông Hồng Hà chảy suốt tỉnh Nam Định từ Bắc xuống Nam, rồi đổ ra Cửa Lạch Giang, ra biển.

Một ngôi làng gắn liền với những truyền thống tốt đẹp, được vua Minh Mạng ban tặng cho làng 4 chữ sơn son thiếp vàng "Mỹ tục khả phong", và đổi tên thành làng Hành Thiện

Ngôi làng với những nét độc đáo thật đặc biệt. Từ thời lập làng, các bậc tiền nhân đã xây dựng rất công phu, thể hiện trình độ học vấn và sự uyên thâm của người xưa. Ngôi làng cổ mang dáng hình con cá chép, như ước vọng của người xưa mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với dân làng. Phải chăng vì thế, ở Hành Thiện, đời nào cũng xuất hiện những con người kiệt xuất, làm rạng danh quê hương, đất nước; đến nỗi, dân gian còn truyền tụng câu ca dao "Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện"

Những tài liệu, bài viết về làng được sưu tập, đăng tải tại đây sẽ giúp cho những người con của Hành Thiện, bạn bè hiểu rõ hơn về ngôi làng này.
---------------
Ngôi làng "hình cá chép" độc nhất 
Làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định vốn có tên gọi là "Hành Cung Trang" được thành lập vào khoảng năm 1500. Đến năm 1823, vua Minh Mạng cho đổi tên thành Hành Thiện với ý nghĩa "nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện" và ban cho làng 4 chữ "Mỹ Tục Khả Phong". Điều đáng khâm phục là ngay từ khi lập làng các cư dân nơi đây đã có ý thức quy hoạch một không gian sống hết sức khoa học, quy củ: hình cá chép.

Bao quanh làng là hai nhánh của một con sông nhỏ rộng khoảng 7m, được gọi là sông Con (để phân biệt với sông Cái - sông Ninh Cơ là một nhánh của sông Hồng). Theo các bậc cao niên trong làng, có hai giả thiết về việc hình thành lên con sông này.

Giả thiết thứ nhất cho rằng chúng được tạo thành một cách tự nhiên, những cư dân đến ở chỉ là người khai khẩn, chỉnh trang lại như địa thế ngày nay. Giả thiết thứ hai được nhiều người tán thành hơn, đó là chính những cư dân đầu tiên đã "quy hoạch" ngôi làng và tiến hành đào lên hai con sông theo ý đồ trước đó, nhằm mục đích phù hợp với phong thủy và ngăn giặc cướp.

Điều làm nên sự kì ảo của hai nhánh con sông này chính là việc nó đã tạo hình dáng con cá chép của ngôi làng. Nhìn từ trên cao, hai nhánh con sông như những đường viền ngăn cách ngôi làng với vùng đất bên cạnh, khiến cho khu đất bên trong hiện lên hình dáng "lý ngư", những cây cầu xung quanh làng cũng được xây dựng ở vị trí tương ứng với các loại vây trên mình cá, tại phần đầu cá còn có một chiếc giếng khơi, nước trong vắt nên được gọi là giếng Mắt cá.

Nếu coi làng Hành Thiện như một chú cá chép thì vùng đất từ giữa bụng cá trở lên đến mang cá được quy hoạch làm nơi sinh sống của dân cư trong làng. Trong khu vực này hình thành lên 14 dong (xóm), mỗi dong cắt ngang theo thân cá như chia khúc, gồm một con đường chạy dọc ở giữa và các ngôi nhà được xây dựng hai bên. Phần đầu cá được quy định làm nơi họp chợ của cả làng, tại đuôi cá là khu nghĩa trang và chùa miếu để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Nhìn tổng thể mặt địa lý làng Hành Thiện ta không thể không khâm phục óc tưởng tượng của các cư dân cách đây hơn 510 năm, theo như tài liệu để lại, trước đây toàn bộ đường đi trong làng đều được lát đá xanh, "mưa gió bùn đất không bén gót chân", bên cạnh đường xóm là rãnh thoát nước được xây bằng gạch mộc, chính vì thế làng không bao giờ phải chịu cảnh ngập lụt bởi tất cả nước mưa, nước sinh hoạt đều theo các rãnh này chảy ra hai nhánh con sông quanh làng và từ đó thoát ra sông Ninh Cơ.

Ngày nay về cơ bản làng vẫn giữ nguyên hình dạng như thửa sơ khai…
(Theo ĐV - VietNamNet.vn)
------------------------

Phong thổ làng Hành Thiện

Trời đất mở mang dần dần
Tập quán xưa nay mỗi nơi mỗi khác
Cảnh vật tốt tươi do trời đất phù cho
Đất thiêng người tài
Hành Thiện nơi văn hiến từ xưa
Tỉnh gọi Nam Định phủ gọi Xuân Trường
Nơi đất tốt phát sinh
Khoa bảng kế tiếp xuất hiện
Đăng khoa có Giám Sinh
Trúng thi có gia đình cụ Nguyễn Tương Công
Núi sông đất đai thay đổi
Dân Hành Thiện định cư thôn ấp mới
Cư dân chia làm hai khu
Ranh giới phân chia ba giáp
Đông giáp bãi đất lớn Thượng Phúc
Đoài giáp Lộng Khê, Dũng Nghĩa
Nam tiếp giáp Ngọc Cục
Bắc tiếp liền sông lớn (sông Hồng)
Khí thiêng từ xa bao bọc phía trước
Nước trong cuồn cuộn chảy đằng sau
Hình đất lưỡng long thanh châu
Thế nước ba rồng hợp lại
Đất làng hình con cá chép, giống con thuyền nằm ngửa
Đông Tây tựa hai cánh Phượng hoàng
Quanh co rồng cuộn có mảnh đất hình Quốc ấn
Có gò hình khoa bảng
Hai miếu tọa lạc đầu phía Nam
Chùa trong chùa ngoài dựng trên mặt Bắc
Văn chỉ đứng hiên ngang, mang hình hai ngọn bút
phải trái giao nhau
Năm Minh Mệnh Nhâm Ngọ (1822) cải tên là Hành Cung
Năm Minh Mệnh Quý Mùi (1823) lại đổi thành Hành Thiện
Ruộng Công hơn 300 mẫu, ruộng tư 64 mẫu
Ruộng thờ thần một mẫu ba
Đất thổ cư 106 mẫu
Đất phù sa nổi 37 mẫu, phù sa chìm 17 mẫu
Dân định cư hơn 600 người
Quân dịch hơn 40 người.
13 xóm, 19 thông
Dân phía Bắc phía Đông tính tình khác nhau
Dân cư khu trung tâm là nơi anh hùng
Dân ở gần chợ lanh lợi
Hội khoán làng thường tổ chức tháng 9 mùa thu và tháng đầu xuân
Hình địa lý Sửu - Mùi - Thìn - Tuất
Bên trái miếu có gò tài
Cạnh đình là nơi tụ hóa
Bốn nghề Sỹ - Nông - Công - Thương đều tinh xảo
Già trẻ trai gái đều có lương tâm
Hơn ba chục quan chức thuộc hàng công khanh
Đỗ Tú tài hơn ba trăm người
Có người đỗ giải nguyên
Có người đứng đầu bảng Đại khoa
Có người đi xứ giữ vững khí tiết anh hùng
Có người đỗ đạt cao mang áo gấm về làng
Người Hành Thiện dù ở địa phương hay trong triều đình
đều chính trực trang nghiêm
Dù cầm đầu chính quyền hay giáo giới, đều sáng suốt
Trong làng còn có võ sinh, cử võ, có cai đội, có đội trưởng
Đinh giáp khối nguyên vô cùng vinh hiển
Công, Hầu, Khanh, Tướng đột xuất vô cùng nhiều
Đó là phong thổ chí làng Hành Thiện, ghi lại để con cháu phấn khởi vui mừng

Lược dịch theo Phong thổ chí làng Hành Thiện, trích từ Gia phả họ Đặng Ngọc, Đặng Văn làng Hành Thiện
--------------------------------
Hành Thiện, đất học Nam Định 

Làng Hành Thiện (thuộc xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) vốn là một địa danh nổi tiếng cả nước bởi truyền thống hiếu học và khoa cử, đỗ đạt cao. Câu “Đông Cổ Am, nam Hành Thiện” từ nhiều thế kỷ trước đã mang ý nghĩa đó. Chỉ chưa đến 50 năm (từ 1848 đến 1901) ngôi làng nổi tiếng trên đã có 7 vị đỗ Tiến sĩ và Phó bảng. Trong vòng 400 năm (từ 1522 đến 1915), Hành Thiện còn có 97 nhà nho đỗ Cử nhân, chưa kể 248 vị đỗ Tú tài.
Còn thời Tây học: Hành Thiện cũng đã có 51 người đỗ Cử nhân và Tú tài. Những nhân vật nổi bật nhất trong giai đoạn này phải nhắc tới ông Nguyễn Thế Truyền. Ông đỗ bằng Cao học khoa học năm 24 tuổi tại Pháp và phải bỏ dở ngày trình bày Luận án Tiến sĩ để tham gia hoạt động cứu nước trong nhóm Ngũ Long (gồm Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh). Rồi ông Nguyễn Thế Rục, tốt nghiệp Cao đằng Thương mại bên Pháp, tham gia cách mạng và được sang Nga học Đại học Phương Đông, học tiếp trường Giáo sư Đỏ đầu tiên có người Việt Nam. Chính ông là người cùng Tổng bí thư Trần Phú soạn thảo Luận cương Chính trị năm 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương.

  Kể từ 1955 đến nay: tuy chưa có con số thống kê ở các nước nhưng nếu chỉ tính riêng ở trong nước là chính, Hành Thiện đã có 60 nhà khoa học có học hàm Giáo sư (GS), phó Giáo sư (PGS), trong đó, 35 vị là GS (đều chỉ lấy số tròn vì đợt trao cuối năm 2011 vừa qua, chúng tôi chưa có điều kiện tổng hợp hoàn chỉnh). Ngoài các GS, PGS kể trên, hầu hết đều có học vị Tiến sĩ khoa học (TSKH) hoặc Tiến sĩ (TS) thì người Hành Thiện (không kể những người là con rể, cháu ngoại) còn có trên 120 vị là TSKH và TS nữa. Người Hành Thiện cũng đã có 3 nhà khoa học được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh như GS, AHLĐ Vũ Khiêu, GS Y khoa Đặng Vũ Hỷ, GS, TS, Thầy thuốc nhân dân (TTND) Nguyễn Xuân Thụ. Hành Thiện còn có 2 vị được Nhà nước trao danh hiệu TTND khác nữa là GS, TS Y khoa, AHLLVT Phạm Gia Triệu, GS, TS Y khoa Đặng Đức Trạch. 3 Nhà giáo nhân dân: Ông Đặng Xuân Đỉnh và 2 GS TSKH Nguyễn Xuân Bảo, Nguyễn Xuân Trục cùng hơn hai chục Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú. Nếu ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người Hành Thiện được các Vương triều bổ làm quan có tới 4 vị là quan thượng thư (cấp bộ trưởng ngày nay), 8 vị là quan tuần phủ và tổng đốc (ngang cấp chủ tịch tỉnh) thì ở chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, Hành Thiện có 1 vị là cố Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trường Chinh , 1 vị là Phó Chủ tịch Quốc hội, 6 vị hàm bộ trưởng hoặc Ủy viên TW Đảng, 6 vị hàm thứ trưởng cùng 10 vị mang quân hàm thiếu tướng hoặc trung tướng. 

 Người Hành Thiện luôn mang một cốt cách rất đặc trưng, dù ở triều đại nào cũng không bè cánh, không màng hư danh và khảng khái. Điển hình như cụ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên, Tri phủ Nam Sách (Hải Dương). Khi quan Toàn quyền Pháp về kinh lý tại Hải Dương, trong lúc các bậc quan lại đều cúi lạy thì cụ vẫn đứng thẳng người dứt khoát không cúi lạy. Vậy là cụ bị quy tội “Bất bái toàn quyền”, bị huyền chức (tạm đình chỉ công tác) mất 1 năm. Khi triều đình phục chức lại cho cụ, cụ từ chối xin cáo quan về quê mà lòng nhẹ như không. Một vài ví dụ rất hy hữu khác nữa là có giai đoạn, người đứng đầu cả 2 cơ quan khoa học đầu não của đất nước là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Việt Nam cùng lúc đều là người Hành Thiện, đó là cố GS Đặng Xuân Kỳ và GS, Viện sĩ Đặng Vũ Minh. Hoặc như ở bệnh viện TW Quân đội 108 hiện nay, có 2 vị thiếu tướng, thầy thuốc ưu tú đều làm phó giám đốc bệnh viện. Đó là GS, TS Nguyễn Việt Tiến và PGS, TS Phạm Hòa Bình. Điều này thật quá hiếm! Khi tìm hiểu về truyền thống hiếu học và đỗ đạt cao của người Hành Thiện, nhiều nhận xét cho rằng truyền thống quý báu đó được xuất phát từ nếp sống có văn hóa của mỗi gia đình, từ sự ganh đua vươn lên của mỗi con người. Họ ganh đua tích cực chứ không hề đố kị ghen ghét nhau. Thấy nhà nọ nghèo hơn nhà mình mà sao con nhà người ta đỗ đạt thành tài, còn con mình lại không? Vậy là lại quyết tâm cho được bằng người. Có những gia đình nghèo ở Hành Thiện phải bắt đom đóm bỏ lọ làm ánh sáng đèn để dùi mài kinh sử. Có biết bao người vợ tảo tần trồng dâu, kéo kén và dệt vải nuôi chồng ăn học. Họ lấy sự chịu thương, chịu khó để thoát nghèo, đúng như tục truyền: “Trai học hành, gái canh cửi”. Có trường hợp như chàng thanh niên Đặng Hữu Nữu nhà nghèo không có tiền đi học đã xin đến nấu cơm phục vụ các bạn từ xa đến trọ học nhà thầy để được ăn, học ké miễn phí, và chàng thanh niên ấy đã đỗ cử nhân năm 19 tuổi… Dần dà, nó trở thành một nếp sống đẹp của người Hành Thiện. Cũng cần nhắc lại một chút cội nguồn của phong trào khuyến học và trách nhiệm tình làng nghĩa xóm của các bận tiền nhân: So với nhiều vùng nông thôn khác của đồng bằng Bắc bộ, Hành Thiện có trường công lập khá sớm (1925). Khi đó, quan Tổng đốc tỉnh Hải Dương tên là Đặng Đức Cường về quê, ông đã nảy ra ý tưởng cùng các vị hương quản đem bán 36 mẫu ruộng, lấy tiền ủng hộ xây Trường sơ học của làng. Rồi bác sĩ Đặng Vũ Lạc khi thành tài đã bỏ tiền ra xin Công sứ Pháp cho xây dựng trường tiểu học Hành Thiện. Ông Lạc quyên tiền từ các nhà giàu trong làng rồi mua ruộng, thuê người cày cấy. Khi có thóc thì bán đi lấy tiền trợ cấp cho những học sinh giỏi con nhà nghèo. Nếu không có cách làm này thì có lẽ không thể có những con người như GS, Thiếu tướng Nguyễn Sĩ Quốc, với hàng chục công trình nghiên cứu Y học quân sự phục vụ chiến đấu và được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000 bởi chàng trai ấy gia đình rất nghèo, người bố làm nghề bán dầu rong ở quê. 

Điều thú vị còn ở chỗ, quỹ học bổng này không cho ai hoàn toàn. Ai được nhận, sau này khi nên người sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại cho làng. Tiêc rằng, sau cải cách ruộng đất năm 1954, ruộng đất thuộc quỹ khuyến học của Làng đã được chia cho người nghèo. Phải chăng, những nét truyền thống đặc sắc đó đã hun đúc nên một nếp sống văn hóa rất riêng của người Hành Thiện , của hôm qua và hôm nay !. Nếu chỉ thống kê sơ bộ 3 năm gần đây nhất (2009 – 2011), ngôi làng có 6 ngàn nhân khẩu này mỗi năm có từ 50 đến 70 cháu đỗ vào đại học, cao đẳng, tỷ lệ đỗ đạt 70%, có năm lên đến 98%. Nếu như được biết, tính đến 2011, Nhà nước đã phong 1.441 người có học hàm GS, thì con số 35 GS ở một ngôi làng hình con cá chép đẹp như tranh thủy mặc, được bao bọc bởi dòng sông nhỏ chảy ra sông Ninh Cơ, vốn rất nghèo lại đất chật người đông thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ như Hành Thiện quả là rất đặc biệt. Thật đúng là mảnh đất địa linh nhân kiệt!

Nguồn: Báo Thanh Niên số Xuân Nhâm Thìn 2012
--------------------------
Một số hình ảnh về Làng Hành Thiện

 

Chùa Keo

 

Đình làng Hành Thiện



Bơi chải: xuất phát


Ra sông cái


Về đích
Địa chỉ cá nhân
 
Phạm Hoành
Hamburg, Germany
phamhoanh2@yahoo.de
LỊCH ÂM
 
 
Diese Webseite wurde kostenlos mit Homepage-Baukasten.de erstellt. Willst du auch eine eigene Webseite?
Gratis anmelden