ĐÔNG THÀNH SỬ

ĐÔNG THÀNH SỬ

( Nơi căn cứ cuối cùng của nghĩa quân Phan Bá Vành)
Hoành Pham – CHLB Đức

Hòa chung với khí thế vui tươi,phấn khởi của nhân dân quê nhà đón xuân,đón con đường 221A và cây cầu Tám Tấn sắp hoàn thành. Vui là bởi nó đã trải qua 3 lần gẫy gánh và lần cuối này chủ thi công dự án vẫn đang trong vòng lao lý,nhưng anh em công ty Phú Thành vẫn quyết tâm hoàn thành trong sau dịp tết Nguyên Đán Tân Sửu này. Tự nhiên tôi lại nghĩ đến quê hương,đến Tổ tiên,đến các cụ từ Xuân Trường đến vùng đất duyên hải,án ngữ cửa Ba Lạt 200 năm trước.Vùng đất Đông Thành-Giao Thủy một căn cứ cuối cùng của cụ Ba Vành,thủ lĩnh nghĩa quân cùng nông dân đã hy sinh quyết tử chống lại quân lính triều đình phong kiến thối nát lúc bấy giờ.

 

NHÌN LẠI LỊCH SỬ

Trước đây,ngày còn HTX nông nghiệp,nhà tôi có nuôi một con nghé cho HTX.Tôi được bố mẹ giao chăn dắt và năm con nghé đến tuổi đi làm, thì tôi cũng phải mang trọng trách dắt mũi nó để „vực bừa“. Trong tổ bừa gồm toàn các cụ già: Bố tôi,cụ Đột,cụ Quất,cụ Nhỡ... Cụ Đột và cụ Quất bằng tuổi nhau,cùng Tuổi Đinh Tỵ (sinh năm 1917)

Trong những giờ giải lao cụ Quất thường kể chuyện về các cụ Tổng Đông Thành chống càn, đặc biệt là chuyện đánh giết bọn cướp biển Ba Vành từ thời xưa (chưa thành lập Tổng Đông Thành,nơi đây còn là rừng lau,bãi sậy) do cụ học trong trường Phong Kiến.Đó là chuyện quân đội của triều đình (đầu Nguyễn) từ Phủ Kiến Xương .Nhưng bản chất của câu chuyện của cụ là ca ngợi cụ Nguyễn Công Trứ tài giỏi,có công với dân với nước về khai hoang lập ấp...Nhưng bố tôi thì lại có tranh luận khác,ngược lại với cụ Quất.Với bố tôi thi cụ Nguyễn Công Trứ là 1 tướng quân,thi hành lệnh của triều đình lúc bấy giờ,chống lại nông dân,đàn áp cuộc khởi nghĩa của người dân khổ cực vất vả,kiếp người không được như con trâu.Chính vì thế mà sau khi Chính quyền giành lại về tay nhân dân thì Đảng và nhà nước đã chỉ cho nhân dân biết ai là kẻ thù và ai là giặc.Cụ Phan Bá Vành mới là 1 vị tướng của dân tộc,cụ được nhân dân vùng Giao Thủy và Xuân Trường kính trọng,phong là Vua Ba Vành. Không phải là một tên cướp biển ở cửa Ba Lạt.Bố tôi bảo đi hoạt động,người của Đảng nói thế.Qua câu chuyện lúc giải lao của các cụ, tôi mới thầm hiểu tại sao lại có tên địa điểm như Cồn Tiên (Nam Thịnh) Thủ Chính (Nơi phòng thủ chính),An Chính, Hữu Vi, Đông Hào,Đông Quách... đều là những nơi đẫm máu của nông dân trước kia.

Trong tâm trang của tôi là thế, cũng không hiểu rõ ngọn ngành. Chí biết mang những hình ảnh tuổi thơ đó trong đầu và lưu nhớ trong năm tháng xa quê hương.Không quan tâm đến lịch sử,bởi trong nhà trường phổ thông 10 năm tôi học cũng không được dậy hay thầy nào nhắc đến.Chắc các thầy cũng hiểu lịch sử là môn dễ học nhưng khó dậy.Và tôi cũng chỉ để trong đầu không dám phân tích vì nó liên quan tế nhị đến cả chính trị.Nhưng mấy năm vừa rồi thấy Tiền Hải cho đóng và biểu diễn trên công chúng ca ngợi về cụ Nguyễn Công Trứ.Tôi thấy lạ và mới tìm hiểu đến lịch sử qua khu Nam Tiền Hải báo Đảng,báo tỉnh Thái Bình và đặc biệt 3 huyện viết về hai cụ Phan Ba Vành và Nguyễn Công Trứ một viên quan lại thời trước, thời kỳ Phong Kiến.Bài tôi viết chép lại dưới đây đúng y theo nguyên văn hoặc nội dung chỉ có bớt chứ không thêm từ báo đảng,huyện Tiền Hải,Giao Thủy,Xuân Trường và ủy ban tỉnh nhà đã ghi.Đồng thời cũng được bổ xung thêm từ wikipedia.

 

HOÀN CẢNH LỊCH SỬ ĐỊA LÝ

Nhìn con sông hiền hoà mà cây cầu Tám Tấn mới bác qua, không ai nghĩ rằng đây là con sông Lân nước chảy xiết đổ ra cửa Lân trước kia. Cho đến thế kỷ 18 sông Hồng về đến Ngô Đồng thì chia hai nhánh là sông Lân,chảy ra cửa Lân và sông Sò (sông chính) chảy ra cửa Hà Lạn.Tạo ra một miền đất Giao Thủy,một hòn cồn cát hình mặt trăng.Trải dài từ Cồn Tiên (Nam Thịnh) đến cồn Quất Lâm.

Nơi đây khi xưa là vùng sình lầy,trù phú,nhiều tôm cá,đất đai mầu mỡ nhưng chưa được khai phá. Theo cuốn "Hòe Nha lục": năm 1428, sau khi chiến thắng quân Minh xâm lược, triều đình nhà Lê khuyến khích khai hoang lấn biển. Vào thời vua Lê Nhân Tông niên hiệu Dinh Niên thứ 3 (1456), có các dòng họ ở phía Bắc thành phố Nam Định Thiên Trường và Kiến Xương ) xuống đây khai hoang, lập ấp mới.

Qua quá trình biến đổi và vận động của tự nhiên,đến triều Lê năm Bính Ngọ (1787) xảy ra “Ba Lạt phá hội”,chia đôi huyện Giao Thủy thành đôi bờ Tả,Hữu.Chuyện năm đó có một cơn lũ lớn dâng nước ngập và khai thông ra biển, tạo ra một con sông lớn chạy tắt từ Ngô Đồng xuống Cồn Tư (Hồng Phong) rồi ra biển. Các cụ gọi là sông chỉ Nam.Cùng một nhánh nhỏ thứ hai xuống Bồng He đổ ra biển.Từ khi đó các sông Lân (cửa Lân) sông Sò (cửa Hà Nạn) đầy dần, do hạn chế dòng chảy từ thượng lưu sông Hồng đổ về.


Mảnh đất Giao Thuỷ bị chia làm đôi,lại một miền đất mới riêng biệt xuất hiên bên tả ngạn sông Hồng là miền đất Hà Nam (Giao Hương), Nội Lang,Roãn Trung... Còn phần lớn diện tích còn lại nằm sang Hữu ngạn sông Hồng, đó là làng Hồng Phong (Hồng Thuận) bây giờ.Con Sông lớn này nhân dân gọi là sông Chỉ Nam, sau này Pháp lấy tên là cửa Ba Lạt Nam (cống số 9 ngày nay).

Con sông nhỏ thứ hai chảy qua Bồng He,sông này nhân dân gọi là sông cửa Ba Lạt. Vì lúc đầu nhánh sông khi phá hội là nhánh sông nhỏ,các cụ chỉ bác một cái cầu buộc có ba mối lạt là từ Nam Thành qua sông sang Nội Lang (sau này Pháp lấy tên là cửa Ba Lạt Đông). Khi đó đất khu Nam của chúng ta thuộc huyện Giao Thủy phủ Kiến Xương.

Năm Đinh Mão,1827.Năm đàn áp cuộc khởi nghĩa của nông dân Xuân Trường-Giao Thủy mà triều đình thối nát gọi là dẹp loại trừ khử cướp biển Ba Vành,giải phóng toàn bộ vùng Sơn Nam Hạ. Thì đến năm Mậu Thìn,1828, để trả công, triều đình (vua Minh Mạng) phong cho Nguyễn Công Trứ đang là Tham tán quân vụ,Thị Lang Bộ hình (vừa chỉ huy chiến thắng,đàn áp nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Ba Vành) sang chức Dinh điền sứ tại nơi chiến khu mà chính ông ta đã chỉ huy quân triều đình chiếm được từ các căn cứ của nghĩa quân khởi nghĩa.Làm một cuộc cải cách ruộng đất lẫy lừng lớn ở vùng hạ lưu sông Hồng. Với mục đích : Chiêu dân,khai khẩn vùng đất mới bồi, thành lập huyện Tiền Hải và Kim Sơn. Tiền Hải lúc bấy giờ có một Tổng duy nhất bên kia sông Lân (bên hữu sông Lân) là Tổng Tân Cơ „lấy „ từ Giao Thuỷ. Tổng Tân Cơ khi đó: Thủ Chính, Hướng Tân, Dưỡng Trực, Đông Quách, Hữu Vi, Năng Tĩnh, Trung Lập, Sơn Tĩnh .Còn dải đất cồn cát phía bên ngoài thuộc tả ngạn sông Hồng,trải dài từ An Hạ (Nam Hải) đến Cồn Tiên (Nam Thịnh) hất ra biển vẫn thuộc đất huyện Giao Thủy phủ Kiến Xương.
Dưới triều Thiệu Trị (1841-1847), cụ Đặng Xuân Cát Tiên Công cùng 13 cộng sự chiêu mộ dân nghèo các nơi đến khai khẩn lập ấp các xã vùng tả ngan sông Hồng thuôc huyện Giao Thuỷ.
Từ năm Giáp Dần (1854) sông Hồng dòng sông Ba Lạt đươc mở rộng ra,nước chảy dồn hết về cửa Ba Lạt Đông. do đó cửa Ba Lạt Đông dần dần càng mở rộng ra và trở thành cửa chính của sông Hồng như ngày nay. Sông Chỉ Nam ra cửa Ba Lạt Nam (cửa ra cống số 9) và sông Cồn Năm cũng đầy dần.

Triều Tự Đức năm thứ 7 (1858), một số người làng Hành Thiện kết hợp với một số người gốc Giao Thuỷ nhờ cụ Đặng Kim Toán (người làng Hành Thiện) là tổng đốc tỉnh Nghệ An dâng sớ xin triều đình cho khai khẩn đất mới ở tả,hữu cửa Ba Lạt (huyện Giao Thuỷ.

Năm 1889,năm Thành Thái thứ nhất ( các năm Thành Thái 1889- 1907 cũng có một cuộc cải cách ruộng đất lớn ở vùng Giao Thuỷ), vùng đất Giao Thủy hai bên sông cửa Ba Lạt đã đông dân cư và được hình thành làng xã.Lấy chữ Roãn đặt tên cho các xã (xã của tôi nằm phía đông cửa Ba Lạt nên được gọi là Roãn Đông (thôn Trân Trào ngày nay). Miền đất phía đông từ cửa Ba Lạt ( bên tả) đến cửa Lân, xin chiếu nhà vua thành lập tổng và lấy tên là tổng Đông Thành (bên Hữu ngạn cửa Ba Lạt là xã Nam Thành.Xã Nam Thành có xã hiện từ thời Thành Thái năm thứ 14 (1903), nơi đây vốn là khu bãi bồi thuộc Roãn Trung).

Từ đó ra đời tổng Đông Thành (Gồm Vĩnh Trung, Trung Lang, Thanh Châu, Châu Nhai, Doãn Hương, Phương Viên, Thục Thiện, An Tứ Thượng, An Tứ Hạ, Đông Hòa Nội, Đông Phú, Doãn Đông, Lộc Trung, Tả Thiện Thành, Thiện Tường, Đông Thành, Nam Đồng, Mộ Làng, Thượng Đồng, Đại Đồng).

Năm Thành Thái thứ 2,tỉnh Thái Bình được thành lập (vào ngày 21-3-1890).Tới năm 1891, tổng Đông Thành (từ huyện Giao Thủy, Nam Định) được nhập vào Tiền Hải, thành ra Tiền Hải có 9 tổng thuộc tỉnh Thái Bình.

Sau khi chuyển sang Thái Bình, cũng có nhiều cụ từ Đông Thành sang Hà Nam mua ruộng gây sự làng xã bên đất Giao Thủy Như

Xã Thiện Giáo có xã hiệu từ thời Thành Thái thứ 14 (1903 được khai khẩn trên bãi bồi thuộc xã Lục Trung trước đây (do con sông cửa Ba Lạt chia cắt ra,phần đất chuyển sang Giao Thủy)

Dòng họ đến trưng khẩn đầu tiên là cụ Nguyễn Lương Bằng (gốc người Trung Hoa) quê xã Lục Trung (Tiền Hải-Kiến Xương) và cụ Trần Quang Khanh quê xã Lục Thuỷ, phủ Xuân Trường (hai vị tiên công lập lên xã Thiện Giáo).

Sau này các cụ từ Xuân Trường (chủ yếu Hành Thiện) được vua Thành Thái ban tặng ruộng đất (tại xã Lục Trung).Người được ban tặng không khai khẩn thì lại bán lại cho các nhà giầu để lập nên các xã Roãn Đông (Họ Nguyễn),Thiện Thành,Thiện Tường (Họ Đặng).Sau này dân Họ Đặng xuống mua đất khai khẩn lên xã Trung Thành.

Năm 1928, sau 30 năm thành lập, Đông Thành: An Tứ Hạ, An Tứ Thượng, Bát Cấp, Châu Nhai, Doãn Đông, Doãn Thượng, Đại Đồng, Đông Hào, Đông Phú, Đông Thành, Đồng Lạc, Hợp Châu, Hợp Phú, Lộc Trung, Nam Đồng, Nội Lang, Phương Viên, Thanh Châu, Thiện Thành, Thiện Tường, Thục Thiện, Trung Đồng, Trung Lang, Trung Thành, Vĩnh Trung.

Hòa bình được lập lại, tháng 1-1955,Xong cải cách ruộng đât.Trên cơ sở lấy các sông lớn để phân chia huyện thành 3 khu vực: Đông, Tây, Nam, xã nào thuộc các khu vực nói trên đều lấy một trong ba chữ chỉ khu vực làm chữ đầu của tên xã mới. Khu Nam (12 xã): Nam Kiên, Nam Hải: Nội Lang,Nam Hà,Nam Chính,Nam Hồng,Nam Dũng,Nam Trung,Nam Thanh: Thanh Châu, Châu Nhai,Nam Thanh,Nam Thịnh,Nam Hưng.

Vào thời điểm hiện nay Khu Nam Tiền Hải có các xã: Nam Hà, Nam Hải, Nam Hồng, Nam Chính, Nam Trung, Nam Thắng, Nam Thanh, Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú, Nam Cường.

 

CUỘC KHỞI NGHĨA VÀ CỤ BA VÀNH LÀ AI ?

Phan Ba Vành (1790-1827), cụ sinh ngày 10 tháng 9 năm 1790,tục gọi Ba Vành (vì là con thứ ba trong gia đình), sinh trưởng tại làng Minh Giám, thuộc huyện Vũ Tiên (nay là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).Cha ông làm nghề chèo đò và nuôi bán cá giống, nhưng vì cha mất sớm nên Phan Ba Vành phải sớm đi làm thuê để phụ nuôi sống gia đình.Sau này Phan Ba Vành chọn Trà Lũ (Xuân Trường) làm căn cứ chính.

 

Trong một bài vè ở Thái Bình có câu:

Minh Giám quê của Ba Vành
Mẹ tên là Vẻ, cha sinh chèo đò
Thêm nghề bán cá con so,
Vành trên lưng mẹ nằm thò cổ ra...

Mẹ là Mai Thị Vẻ, quê làng Cội Khê (tức Hội Khê, huyện Vũ Tiên, Thái Bình).Tương truyền, Phan Bá Vành là người rất khỏe mạnh, giỏi võ nghệ và có tài ném lao.

Vua Ba Vành

Nửa đầu thế kỷ XIX, chế độ phong kiến nhà Nguyễn cai trị hà khắc, địa chủ, cường hào ra sức bóc lột, đời sống nhân dân cơ cực.Trong dân gian truyền tụng câu ca:

"Trên trời có ông sao tua
Ở dưới hạ giới có vua Ba Vành."
"Trên trời có ông sao tua,
Ở làng Trà Lũ có vua Bá Vành."
"Trên trời có ông sao tua,
Ở làng Minh Giám có vua Bá Vành.“
"Trời mà không phụ ông Vành
Quan quân nhà Nguyễn tan tành ra tro.

Đại ý ám chỉ Phan Ba Vành, người làng Minh Giám, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương,thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân Thái Bình đầu thế kỷ XIX chống lại triều đình nhà Nguyễn mục ruỗng nhằm đem lại ruộng đất, áo cơm cho dân nghèo.

Cuộc nổi dậy Phan Bá Vành

Năm Tân Dậu 1821 nước ta,đặc biệt là vùng Sơn Nam Hạ (Giao Thuỷ) có một trân đói do mất mùa ( mà các cụ ví còn chết gấp nhiều lần trận đói năm Ất Râu (1945) sau này. Ở đâu có đói khổ,chết tróc và áp bức thì ở đó có đấu tranh).Bất mãn vì đường lối cai trị của nhà Nguyễn,

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, Phan Ba Vành tài trí hơn người, ngày đêm phải chứng kiến nỗi thống khổ đến cùng cực của những người nông dân, trong đó có cha mẹ mình bởi ách áp bức, bóc lột tàn bạo của chính quyền phong kiến triều Nguyễn, ông đã đứng lên tập hợp lực lượng, sắm sửa khí giới chiến đấu mưu giành lại quyền sống cho dân nghèo.

Chỉ sau thời gian ngắn, ông đã quy tụ được khoảng 5.000 người. Với lực lượng lớn và tài thao lược, Phan Ba Vành chỉ huy nghĩa quân khuynh đảo tinh thần quan quân triều đình nhà Nguyễn.

Cũng năm đó, Phan Ba Vành tập hợp dân nghèo khổ vùng Nam Định, Thái Bình (tức vùng Sơn Nam Hạ ) nổi dậy chống triều đình nhà Nguyễn.Với chủ trương "lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo", ngay từ giai đoạn đầu, người đi theo đã có hơn 5.000, về sau thêm mấy ngàn quân của thủ lĩnh Ba Hùm (người Mường) từ thượng du Thanh Hóa cùng với quân nổi dậy ở các tỉnh lân cận kéo đến hiệp lực, thì lực lượng của ông đã lên đến hàng vạn.

Những năm 1824-1825, nạn đói tiếp tục diễn ra ở Hải Dương, Sơn Nam; khiến dân nghèo theo ông càng đông. Lại được sự giúp đỡ của Nguyễn Hạnh (tướng cũ của nhà Tây Sơn, được Ba Vành phong chức hữu quân), Vũ Đức Cát (quan nhà Nguyễn bị cách chức), Ba Hùm (thủ lĩnh người Mường)... và một số nhân vật có tiếng ở địa phương như Trần Bá Hựu, Hai Đáng, Chiêu Liễn,... nên thanh thế Ba Vành ngày càng tăng. Bởi vậy sau này trong Vè Ba Vành ở vùng Thái Bình có câu:

Nghênh ngang một cõi biên thùy,
Thiếu gì tướng tá, thiếu gì binh lương...

Tháng 2 (âm lịch) năm Minh Mạng thứ 7 ( năm Bính Dần 1826), từ đại bản doanh tại thôn Phú Nhai, thuộc làng Trà Lũ (nay thuộc 3 xã Xuân Trung, Xuân Bắc, Xuân Phương huyện Xuân Trường). Phan Bá Vành dẫn quân đi đánh chiếm đồn Trà Lý và đồn Lân Hải (Kiến Xương,theo tôi nghĩ đồn Lân Hải là địa điểm đại đội 4 nữ pháo binh ngày nay), giết được hai viên thủ ngự sứ là Đặng Đình Liễu và Nguyễn Trung Diễn. Tiếp đó, thủ lĩnh Ba Vành cho quân đánh lan ra vùng Kiến Xương, Vũ Tiên, Chân Ninh (thời Thành Thái đổi thành Trực Ninh)... Trấn thủ Sơn Nam Lê Mậu Cúc hay được, mang quân đến đàn áp. Hai bên giao chiến ác liệt tại Cồn Tiên (nay là đất xã Nam Thịnh). Đến khi trấn thủ Cúc tử trận, thì quân triều quăng vũ khí, bỏ thuyền bè mà chạy cả.

Nghe tin cấp báo, vua Minh Mạng sai thống chế Trương Phúc Đặng kéo quân ra Bắc để tiễu trừ. Đến nơi, tướng Phúc Đặng cho quân đánh bất ngờ tại Giao Thủy. Thua trận, quân sư Vũ Đức Cát chạy ra An Quảng, rồi đến xã Đông Hào (Xã Nam Hà) thì bị bắt và bị giết ngay.

Tháng 12 (âm lịch) năm ấy, Phan Bá Vành và Nguyễn Hạnh lại tập hợp được hơn 5.000 quân, mang đi tấn công vào hai huyện là Tiên Minh và Nghi Dương thuộc tỉnh Hải Dương. Tiếp theo, hai ông liên kết với nhóm Tàu Ô để mở rộng hoạt động ra các vùng ven biển thuộc vịnh Bắc Bộ.

Liệu chống không nổi, trấn thủ Hải Dương là Nguyễn Đăng Huyên lại phải cầu cứu đến triều đình Huế. Vua Minh Mạng liền thăng cho Trương Văn Minh làm tiền phong đô thống chế chuyên quản lý Bắc thành, để hiệp đồng với tham hiệp Nghệ An là Nguyễn Hữu Thận coi việc quân.

Không yên tâm, nhà vua lại chuẩn cho tham hiệp Thanh Hóa là Nguyễn Công Trứ, tham biện Nghệ An Nguyễn Đức Nhuận, quản cơ Thanh Hóa Vũ Văn Bảo, quản cơ Nghệ An Trương Văn Tín cùng mang quân thủy bộ và 14 chiến thuyền ra gấp Hải Dương hội tiễu (Cụ Nguyễn Công Trứ lại quay ra Thái Bình năm đó,về giúp triều đình đàn áp cuộc khởi nghĩa của nông dân?).

Mặc dù vậy, đầu năm Đinh Hợi (1827), quân Ba Vành vẫn kiên trì hoạt động mạnh ở vùng phủ Thiên Trường (Nam Định) và phủ Bo (tức phủ thành Kiến Xương). Nhận được tấu sớ xin thêm quân, vua Minh Mạng bèn sai hậu quân phó tướng Ngô Văn Vĩnh mang hai vệ quân ở Kinh đô Huế, cùng một số lính thuộc vệ quân Thần Sách ở Nghệ An đi gấp ra Bắc.

Tính ra, vua Minh Mạng đã điều động hầu hết lực lượng quân đội ở Bắc thành, Nghệ An, Thanh Hóa và một phần ở Huế để đối phó với quân của Phan Bá Vành .

Tháng 2 (âm lịch) năm Đinh Hợi (tháng 3 năm 1827), nhà vua cho Thân Văn Duy coi tào binh Bắc thành, kiêm tham tán việc quân.

Sau khi bị đánh lui ở sông Bổng Điền, quân Ba Vành lại kéo đến vây chặt cánh quân của Phạm Đình Bảo (hay Bửu) ở chợ Quán, buộc các tướng Phạm Văn Lý, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Phong phải mang ba đạo quân đến cứu, đuổi quân nổi dậy chạy về căn cứ ở làng Trà Lũ. Để chống cự lâu dài, Phan Bá Vành cho quân đào đắp thêm hào lũy ở đây.

Tương truyền, có nhiều chỉ huy dưới quyền đã khuyên Phan Bá Vành nên đánh ngay lúc quân triều mới đến, tức lúc họ đang mệt nhọc và chuẩn bị chưa xong. Nhưng vì nghe theo lời người vợ lẽ là Trần Thị Tú (con gái của viên trấn thành Phủ Bo mà ông đã bắt được khi đánh chiếm nơi này), nên ông cứ đóng chặt cửa thành cố thủ. Sau khi quân triều từ các nơi kéo về vây kín Trà Lũ, các tướng nhà Nguyễn liền cho phát pháo tấn công. Quân nổi dậy chống cự quyết liệt, bị chết quá nửa. Biết vợ lẽ thông đồng với đối phương là tướng Phạm Văn Lý, Ba Vành liền sai quân chém chết.

Nghĩa quân cùng nhân dân Trà Lũ được lệnh sắm sửa mai cuốc, thúng sọt, mang theo binh khí, sẵn sàng đêm đến, họ khơi một con ngòi chạy từ sông Cát Giang thông đến sông Ngô Ðồng mở đường máu để Bá Vành phá vây (ngày nay gọi là Cống Vành). Mờ sáng, nghĩa quân theo đường sông đào, ồ ạt ra ngoài, họ liều chết với quân triều suốt cả ngày hôm ấy, máu chảy đỏ cả đoạn sông. Phan Bá Vành bị trúng thương, được một tuỳ tùng cõng chạy giấu trong một vạt lau rậm bên bờ tả sông Ðồng Giang. Nghĩa quân lớp bị chết, lớp bị bắt, lớp trốn thoát, tan tát hết.

Sau bảy ngày, vết thương nặng quá, Phan Bá Vành cho gọi Cai Tổng Lê Tuấn là con một nghĩa quân thân tín ở Hoàng Nha, cõng ông về nhà ba ngày hết sức cứu chữa, nhưng không sống nổi, ông bảo làm một cái cũi khiêng ông để đi nộp quan lấy thưởng. Ðến địa phận xã Ðồng Phú, huyện Thượng Nguyên (miền nam phía đất Mỹ Lộc, Nam Ðịnh ngày nay). Ông cắn lưỡi tự tử ( Có sử ghi Ông đã tự móc rốn, moi ruột tự tử trong cũi).

Sau đó phong kiến nhà Nguyễn đã phanh thây Bá Vành thành bốn mảnh, còn đầu thì chặt đem bâu khắp các miền đồng bằng, ven biển, địa bàn cuộc khởi nghĩa do Bá Vành lãnh đạo.

Nghĩa quân lớp bị chết, lớp bị bắt bị xử cực hình, số tan tát trốn thoát kẻ phiêu bạt lên rừng xa quê hương,nhưng phần đa vẫn ẩn náu ở vùng hạ lưu hai bên của Ba Lạt phù phú ngày nay.Bấy giờ là năm Ðinh Hợi, Minh Mệnh thứ 8 (1827).

Phan Bá Vành - người con của quê hương đã tập hợp lực lượng dựng cờ khởi nghĩa, dấy binh chống lại áp bức bóc lột. Cuộc khởi nghĩa kéo dài gần 7 năm thì bị dập tắt.

Cuộc khởi nghĩa đã bị dìm trong biển máu, thủ lĩnh Phan Ba Vành và các tướng sĩ của ông lần lượt sa vào tay quan quân triều đình Minh Mạng và bị hành hình nhưng dũng khí của ông và các tướng lĩnh sĩ đã viết lên trang sử oanh liệt của cuộc tranh đấu anh hùng thuộc tầng lớp nông dân Việt Nam dưới thời phong kiến lưu truyền đến muôn đời sau.Thật tự hào đó là nông dân quê hương ta.

Theo Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Huy Thục, Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng, lịch sử quân sự nước ta coi cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Ba Vành làm thủ lĩnh xứng đáng được xếp vào hạng những danh tướng cầm quân xuất sắc mặc dù thời gian tồn tại không lâu vừa phải chiến đấu,vừa xây dựng lực lượng nhưng Phan Ba Vành và bộ tướng thuộc quyền của ông đã tổ chức được hàng chục trận đánh với quy mô lớn, nhỏ ở nhiều địa bàn khác nhau trong đó có 8 trận thủy chiến tiêu diệt nhiều quân, tướng của triều đình Minh Mệnh, khiến triều chính nhiều phen khốn đốn. Bên cạnh tổ chức chiến đấu hiệu quả, Phan Ba Vành đã tổ chức thành công hệ thống căn cứ khởi nghĩa liên hoàn, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Phan Ba Vành đã để lại những kinh nghiệm và bài học quý về xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ hậu phương nhất là nghệ thuật tổ chức tiến hành các trận chiến đấu trên bộ cũng như thủy chiến.

Thủ lĩnh Phan Bá Vành là biểu tượng của sự tự hào, bất khuất của những người con quê hương đã dám đứng lên bẻ gẫy gông cùm của cả một triều đình Phong kiến uy quyền, hà khắc.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của người thủ lĩnh nông dân và các nghĩa sĩ trong cuộc khởi nghĩa hào hùng năm đó, hàng năm, lễ hội Đồn Cả - Phan Bá Vành được nhân dân địa phương tổ chức 2 lần trong năm vào ngày sinh và ngày mất của thủ lĩnh Phan Bá Vành.
Ở Tiền Hải tôi biết có Đình Tổ (Tây Giang) thờ và tưởng niệm Phan Bá Vành, thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa nông dân thế kỷ XIX chống lại triều đình nhà Nguyễn.

 

NHÂN VẬT NGUYỄN CÔNG TRỨ

Nguyễn Công Trứ tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn. Ông sinh ngày mồng 1, tháng 11, năm Mậu Tuất (tức ngày 19 tháng 12 năm 1778) tại huyện lỵ Quỳnh Côi, phủ Thái Bình. Thân phụ là Ðức Ngạn Hầu Nguyễn Công Tuấn quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, tri phủ Tiên Hưng – Thái Bình, thân mẫu là Nguyễn Thị Phan, con gái quan Quản nội thị tược Cảnh Nhạc Bá dưới triều vua Lê – chúa Trịnh.

Sau bao lần lận đận "lều chõng", mãi đến năm 41 tuổi (1819), ông mới thi đậu giải nguyên (1820–1847) làm quan dưới triều Nguyễn. Lần đầu tiên xuất chinh, Nguyễn Công Trứ giữ chức hành tẩu ở Quốc sứ quán (1820). Sau đó ông liên tiếp giữ các chức Tri huyện Ðường Hào, Hải Dương (1823), Tư nghiệp Quốc Tử Giám (1824), Phủ Thừa phủ Thừa Thiên (1825), tham tán quân vụ, rồi thăng Thị lang Bộ Hình (1826). Năm 1828, Nguyễn Công Trứ thăng Hữu Tham tri Bộ Hình, sang chức Dinh điền sứ. Năm 1832 ông được bổ chức Bố chánh sứ Hải Dương, cùng năm thăng Tham tri Bộ Binh, giữ chức Tổng đốc tỉnh Hải An.

Nguyễn Công Trứ tuy là quan văn nhưng được giao cầm quân, làm tướng và đánh đâu thắng đó:

Năm 1827 nổi tiếng là dẹp loạn khởi nghĩa Ba Vanh.

Năm 1833 dẹp Khởi nghĩa Nông Văn Vân

Năm 1835 dẹp giặc Khách.

Ông cũng góp nhiều công lớn trong cuộc Chiến tranh Việt–Xiêm (1841-1845). Đến đời vua Tự Đức thứ 11 (1858), khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, thì ông đã 80 tuổi nhưng vẫn xin vua cho đi đánh giặc.

Tại sao ông được phong điền sứ?

Ông có liên hệ mật thiết với hai nhóm trí thức ở Quỳnh Côi và Nghi Xuân. Cha ông, Nguyễn Công Tuấn (1716–1800) từng làm tri huyện Quỳnh Côi (Thái Bình) và tri phủ Tiên Hưng (Thái Bình) (Lê Xuân Giáo, 1973: 3–4). Nguyễn Công Tuấn và Nguyễn Nghiễm (1708–1775) đều từ Nghi Xuân, giữa hai gia đình vì thế có thể tồn tại các mối liên hệ khi cùng làm quan ở châu thổ sông Hồng. Tuy vậy, khoảng năm 1790, Nguyễn Công Tuấn đưa Nguyễn Công Trứ về Nghệ An và bắt đầu một cuộc sống nghèo khó. Những năm tháng này giúp Công Trứ có được góc nhìn, tầm vóc tri thức, và kinh nghiệm xã hội từ giới tinh hoa cũng như cuộc sống gắn chặt với các làng quê của người nông dân, đặc biệt là gắn liền với những biến động của vùng đất Nghệ An thời Tây Sơn và Gia Long.Nhưng cái quan trọng nhất là ông là một tướng của triều đình mang quân từ Nghệ An ra cùng với quan lại địa phương đàn áp dã man và dập tắt cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành.Sau khi dẹp xong "nghĩa quân " nhiệm vụ của ông là bình ổn lại chiến trường.Chiêu dân,lập các ấp mới miền ven biển châu thổ sông Hồng.Một cuộc cải cách ruộng đất sau chiến tranh ( Như các ông Đội, năm cải cách ruộng đất 1954).Cho nên việc quai đê lấn biển,thành lập huyện Tiền Hải và Kim Sơn (sau khi đàn áp nghĩa quân cuộc khởi nghĩa Ba Vành) cũng là thành quả lớn của ông được nhân dân và chế độ phong kiến thời Nguyễn nhắc đến.

Ông mất ngày 14/11 năm Mậu Ngọ (tức ngày 7/12/1858), thọ 80 tuổi tại quê cha,làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân.

Những hoạt động của ông trong lĩnh vực cải cách ruông đất (những năm 1828-1832) được nhân dân các vùng kể trên ghi nhớ. Hiện nay còn rất nhiều từ đường thờ cúng ông ở khu Tây Tiền Hải,Kim Sơn và quê hương ông. Nhiều đình chùa tại các địa phương này cũng thờ ông và tôn ông làm thành hoàng làng.

 

PHẦN KẾT

Nhìn lại thất bại của cuộc khởi nghĩa chống lại ách áp bức, bóc lột nặng nề của triều đình nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX với ước vọng “cơm no, áo ấm” cho dân nghèo chứng minh rằng Phan Ba Vành là người có khát vọng giải phóng giai cấp từ rất sớm. Nhiều sử gia đã phải thừa nhận Nguyễn Công Trứ hơn Phan Ba Vành “một giáp” (12 năm), một người sinh ở huyện Quỳnh Côi, một sinh ở Kiến Xương, kiếp phận xui khiến triều đình Minh Mạng cắt cử Tham tán Nguyễn Công Trứ đem quân về Chân Định, Thiên Trường dẹp loạn Phan Ba Vành để rồi cho đến trước khi theo tiên tổ “về trời” Nguyễn Công Trứ phải thốt lên cay đắng:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời cành lá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông!”.

Cảm thán của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ trước lúc lâm chung giả sử có “kiếp sau” thì chắc Nguyễn Công Trứ cũng sẽ hành động như Phan Ba Vành. Trong “Minh Đô sử” có chép trận Liêu Đông đối diện đầu làng Minh Giám bên kia sông Hồng lui vào một đoạn là căn cứ Trà Lũ (huyện Xuân Trường ngày nay), nơi đóng quân của Phan Ba Vành, mặc dù quân của triều đình Minh Mạng đã dồn hết binh lực đối phó với Phan Ba Vành nhưng quan quân triều đình liên tục nếm mùi thương vong, Nguyễn Công Trứ bị triều đình đốc thúc phải tiêu diệt bằng được Phan Ba Vành vậy mà nhiều trận quan quân Nguyễn Công Trứ “tan tác chim muông”, ngồi trên bành voi, Nguyễn Công Trứ ngửa mặt lên trời khấn rằng: “Lạy trời, lạy trời đừng cho tôi thấy mặt ông Vành cũng đừng để ông Vành thấy mặt tôi”.

Chính sử quán triều Nguyễn chép rằng: “Thanh thế Phan Ba Vành càng lớn, khắp địa hạt Bắc Kỳ và vùng Hoan Ái thuộc Tả trực kỳ, phàm những kẻ “bất trị” nghe tiếng Phan Ba Vành thì tụ họp lại như kiến. Trong quá trình khởi nghĩa, nghĩa sĩ một lòng, một dạ thực hiện tôn chỉ của Phan Ba Vành là lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”.

Đúng như bài „Truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước cách mạng của Thái Bình“
.Với đặc điểm hình thành đất đai, từ sớm Thái Bình - miền đất hạ lưu sông Hồng đã luôn luôn chứa đựng trong mình cả hai yếu tố song hành: thuận lợi và khó khăn. Đó là hứa hẹn to lớn về một cuộc sống định cư mở mang trước vùng đất vốn là sản phẩm bồi tụ màu mỡ của thiên nhiên. Song, đó cũng lại là miền đất hoang sơ với muôn vàn hiểm nguy rình rập, thử thách như dông bão, nắng hạn, đầm lầy, lau lách, thú dữ,...

Đông Thành (khu Nam Tiền Hải) là vùng đất trẻ, không có nhiều những di sản văn hóa lâu đời. Song, từng là đất thiêng của cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Ba Vành chỉ huy,nơi đây vẫn có các di tích như Đình Đông Quách (cấp quốc gia),đình Hướng Tân (Nam Hà),nhà thờ xứ Đông Thành ( Nam Hải xây dựng 1885- 1895),đình Đông Trực,đình Đông Phú,Chùa Nam Thắng,đình Trung Thành...Cồn Vành,Cồn Tiên là những tài nguyên du lịch quý giá trên vùng đất này.

Nhìn con đường 221A và cầu Tám Tấn sắp hoàn thành,nơi nối liền đôi bờ Tiền Hải-Giao Thủy trước kia, tôi rất vui,nhưng tự nhiên thấy nghẹn đắng trong cổ họng và nước mắt trào ra.Thương cho Tổ tiên,thương cho các cụ Đông Thành tròn 200 năm trước đây (1821-2021).Hai thế kỷ trước,các cụ đã đi theo tiếng gọi của cụ Ba Vành,đòi lại quyền sống,sự ấm no cho bản thân mình,gia đình mình.Nhưng đáng tiếc bị chính quyền Phong kiến thối nát,đàn áp dã man,quy cho là cướp biển.Hàng vạn người đã chết và tôi nghĩ trên dòng sông Lân này đặc biệt là bên bờ phía Nam Tiền Hải cũng không ít nhũng linh hồn người nông dân áo vải đã theo cụ Ba Vành nằm xuống mãi mãi ở nơi đây.

Nên chăng,khi huyện nhà cắt băng khánh thành ở cây cầu này mong Đảng,chính quyền huyện Tiền Hải tổ chức thả đèn lồng trôi sông cầu nguyện cho phần nào sự mất mát, đắng cay trong lòng của cụ Ba Vành,linh hồn nhũng người nghĩa quân và nhân dân trong nạn đói năm 1821 tại mảnh đất thiêng liêng bên Hữu ngạn sông Lân,nằm trong lãnh địa „Nam Sơn Hạ“ khu căn cứ cuối cùng trước khi bị bắt của vua Ba Vành (nơi cắn lưỡi tự tử chết hy sinh cho dân,đấu tranh chống sự nghèo đói chứ nhất thiết không chịu đầu hàng hoặc chết trong tay của giặc,điều này lịch sử chưa được xác minh chính xác?) và nghĩa quân lúc bấy giờ, kết thúc cuộc khởi nghĩa năm 1827,như sử đã ghi.

Những lần về thăm quê hương,xe chạy qua khỏi cầu Tám Tấn cũ,có một luồng gió mát lạnh thổi từ biển về vào mặt tôi.Tự nhiên tôi cảm thấy ấm lòng,một cái gì đó dâng trào thổn thức trong tim và nước mắt tự chảy đẫm trên mặt.Thật đơn giản tôi đã nhận biết ra rằng đó chính là tình cảm quê hương.

Cụ Ba Vành ơi ! Con đã về,về với các cụ đây,con kính mong các cụ yên nghỉ mãi mãi ở mảnh đất này.Quê hương ta đã thay đổi,đời sống nông dân đã được ấm no hạnh phúc,không còn những trận đói,người chết như rạ năm 1821 và 1945 nữa. Mong cho chú Phát sớm được trở về góp sức tiếp tục xây dựng đường 221A và các dự án tại Cồn Vành.Để rồi đây khu Nam ta sẽ được phát triển thêm trong khu công nghiệp,khu kinh tế ven biển Thái Bình của tỉnh.Đông Hào,chợ Quán,Cồn Tiên,Cồn Vành sẽ trở thành những nơi du lịch nổi tiếng của tỉnh và cả Việt Nam.Quê hương ta sẽ rất giầu ,đẹp.Và tôi lại ước, ước mơ tương lai Đảng và chính quyền Thái Bình cho thành lập thị xã ( huyện) mới, thị xã Đông Thành,nơi căn cứ của cụ Ba Vành trong vùng Trấn Sơn Nam Hạ (1821-1827) để những người nghĩa quân năm xưa mát lòng...

Theo tôi nghĩa được như vậy cũng là một nhân văn của người cộng sản và không đi ngược lại với truyền thống đấu tranh áp bức của nhân dân,của dân tộc Việt Nam mà Hồ Chủ Tịch kính yêu của chúng ta dậy cho chúng ta thấm nhuần từ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx.
 

Địa chỉ cá nhân
 
Phạm Hoành
Hamburg, Germany
phamhoanh2@yahoo.de
LỊCH ÂM
 
 
Diese Webseite wurde kostenlos mit Homepage-Baukasten.de erstellt. Willst du auch eine eigene Webseite?
Gratis anmelden