CỘNG HOÀ SLOVAKIA
Diện tích : 49.000km2 Dân số : 5.450.000 ( 2007 ) Thủ đô : Bratislava

I. SLOVAKIA LÀ QUỐC GIA NẰM SÂU TRONG LỤC ĐỊA THUỘC TRUNG ÂU
1. Slovakia là một phần của Tiệp Khắc trước kia .
Cộng hoà Slovakia thuộc Trung Âu, phía tây bắc Slovakia giáp Cộng hoà Czech, phía bắc giáp Ba Lan, về phía đông Slovakia được bao bọc bởi Ukraine, về phía nam là Hungary, và phía tây nam là Ao.
Từ đầu thế kỷ thứ X đến năm 1918, Slovakia là một phần của Hungary. Sau đó kết hợp với Czech để hình thành nước Tiệp Khắc. Vào năm 1939, một thời gian ngắn trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Slovakia tuyên bố độc lập dưới sức ép của Đức, nhưng đến năm 1945 hai nước lại tái sát nhập. Vào năm 1993 cả hai Czech và Slovakia lại tách ra trở thành hai nước độc lập.
2. Slovakia là quốc gia có nhiều đồi núi.

Địa hình Slovakia
Slovakia là quốc gia có nhiều đồi núi, dãy Carpathians trải rộng ngang qua phần lớn nửa lãnh thổ phía bắc. Dãy Carpathian gồm một chuỗi các dãy núi trải rộng ra hình cánh cung chạy từ Cộng Hòa Czech ở tây bắc qua Slovakia, Ba Lan, Hungary, Ukraine, Romania ở phía đông và đến sông Dannube giữa Romania và Serbia ở phía nam. Rặng núi cao nhất bên trong Carpathians là Tatra, biên giới của Slovakia và Ba Lan. Rặng Tatra, với 29 đỉnh cao hơn 2.500m , là đỉnh cao nhất của dãy Carpathians. Tatra chiếm diện tích 750km2 trong đó 600km2 nằm ở Slovakia. Tatra được chia thành một số vùng :
- Về phía bắc sát với biên giới Ba Lan là High Tatra là nơi nổi tiếng cho các hoạt động đi bộ đường trường để luyện sức khoẻ hay tiêu khiển và trượt tuyết. High Tatra cũng là nơi có nhiều hồ và thung lũng đẹp cũng như các đỉnh núi cao như Gerlachovský štít cao 2655m.
- Về phía tây là West Tatra với đỉnh Rysy cao 2503m.
- Phía đông là the Belianske Tatras là vùng nhỏ nhất.
Vùng núi Tatra được ngăn cách bởi thung lũng sông Váh và Low Tatra với đỉnh cao nhất của nó là Ďumbier 2,043 metres .

Toàn cảnh rặng núi Tatra nhìn từ núi Pieniny, Ba Lan
3. Khí hậu
Slovkia có khí hậu lục địa, với 4 mùa rất rõ rệt. Mùa đông lạnh và khô, trong khi mùa hè ẩm ướt. Nhiệt độ trung bình ở Bratislava thay đổi từ -3oC đến 2oC vào tháng giêng và từ 16oC đến 26oC vào tháng bảy. Miền núi nhiệt độ lạnh hơn. Miền núi cao tuyết thường hiện diện 130 ngày trong năm. Bratislava nhận được lượng mưa hàng năm là 650mm.
4. Sông ngòi

Sông Váh ở Komárno
Các sông chính chảy qua Slovakia là sông Danube hình thành biên giới thiên nhiên giữa Slovakia và Hungary, ngoài ra là sông Vah, sông Hron và sông Nitra. Slovakia có nhiều hồ hình thành do băng hà, khoảng mười hai ngàn suối nước nóng và suối khoáng.
Sông Váh là sông nhánh của sông Danube ở Slovakia. Hai nguồn của nó là Biely Váh ở High Tatra và Čierny Váh ở Low Tatra. Sông uốn khúc hình vòng cung chạy về phía tây xuống phía nam, và cuối cùng hợp lưu với sông Danube ở Komárno, nằm ở cực nam của Slovakia.

Làng Podbranč trong Vùng đồi Myjava
Lưu vực của nó rộng 10.641km2. Sông Váh có nhiều sông nhánh, nhiều sông đổ dốc từ rặng núi Tatra và bên ngoài của dãy Carpathian xuống. Thung lung đông –tây hình thành bởi khúc sông ở thượng nguồn tạo thành con đường giao thông thiên nhiên ngang qua Slovakia. Thung lũng bắc – nam của nó giữa Žilina và Bratislava cũng tạo thành một hành lang giao thông quan trọng. Nước sông chảy xiết, dâng cao, đặc biệt là khi băng tuyết ở thượng nguồn tan ra. Có nhiều nhà máy thủy điện dọc theo sông Váh.

Sông Myjava ở Vùng đất thấp Záhorie
Sông Myjava phát nguồn từ dãy White Carpathians gần làng Nová Lhota ở Moravia, một đoạn ngắn của nó tạo thành biên giới giữa Czech và Slovakia. Sau đó nó chảy về phía nam đến thị trấn Myjava, vào Vùng đồi Myjava rồi chảy về phía tây. Gần Sobotište nó chảy vào Vùng thấp Záhorie và rồi ngoặc xuống phía nam tới làng Jablonica. Cuối cùng nó rẽ sang tây bắc, tây, qua Šaštín-Stráže và hợp lưu với sông Morava gần Kúty.

Sông Nitra ở Nitra
Sông Nitra dài 197km nằm ở phía tây Slovakia, phát nguồn từ rặng núi Malá Fatra ở phía bắc Prievidza. Sông Nitra hợp lưu với sông Váh gần nơi hợp lưu của sông Váh với sông Danube ở Kománo. Sông Nitra chảy ngang qua thị trấn Bojnice, Topoľčany, Nitra and Nové Zámky.

Sông Hron hợp lưu với sông Danube ở thị trấn Esztergom
Sông Hron dài 298km là phụ lưu bên trái của sông Daube và là sông dài thứ hai ở Slovakia. Từ nguồn ở Low Tatra nó chảy về trung tâm và phía nam Slovakia, hợp lưu với sông Danube gần Štúrovo và Esztergom. Các thành phố và thị trấn chính nằm dọc sông Hron là Brezno, Banská Bystrica, Sliač, Zvolen, Žiar nad Hronom, Žarnovica, Nová Baňa, Tlmače, Levice, Želiezovce, and Štúrovo.
Lưu vực sông Hron bao phủ ước tính 11% Slovakia
5. Tài nguyên thiên nhiên

Rừng sồi già ở thung lũng Sekierska, tây Carpathian
Khoảng 43% diện tích Slovakia là rừng. Đặc biệt linh sam và vân sam rất phổ biến trên các vùng núi. Ở các sườn núi thấp nổi bật là một số loài rụng lá theo mùa như cây tần bì, cây sồi. Rừng còn là nơi cư trú của thỏ, sóc, chồn, chuột xạ, heo rừng. Chó sói thường được trông thấy ở vùng rừng núi xa xôi.
Thú hoang dã đã giảm bớt ở Slovakia do ảnh hưởng của môi trường, sự đô thị hoá và sự thu hẹp của rừng. Từ năm 1949 Slovakia đã thành lập nhiều công viên quốc gia để bảo tồn thiên nhiên trong vùng. Công viên đầu tiên và lớn nhất là Công viên quốc gia Tatra, các công viên quốc gia khác là Công viên quốc gia Pieniny, Slovakia Paradise, Velka Fatra .
Những khoáng sản quan trọng ở Slovakia là đồng, chì, kẽm, mangan, sắt. Than chì được tìm thấy gần thành phố Modry Kamen and Handlova.
6. Dân cư, xã hội

Làng Ostrý Grúň ở thung lũng miền núi Slovakia
Năm 2007 dân số Slovakia là 5.450.000 người, mật độ dân số là 112 người/ km2. Dân tộc chủ yếu ở Cộng hoà Solvakia là người Slovaks. Làng mạc của họ là vùng đồi núi cao tách biệt hẳn với các vùng khác. Do bị ngăn cách bởi đồi núi, đời sống và ngay cả ngôn ngữ của người Slovak cũng khác biệt với người Czech. Đa số họ là nông dân, chăn nuôi và làm rừng. Thiểu số còn lại làm việc ở nhà máy thành phố và có cuộc sống hiện đại. Người Slovakia là hậu duệ của người Slavic cư trú gần lưu vực sông Danube khoảng năm 400 – 500 sau Công nguyên. Người Slova chiếm 85,7% dân cư ; người Hungary là thiểu số đông nhất chiếm gần 10,7%. Ngoài ra là người Czech, Moravia, Silesia, Ruthenia, Ukraine, Ba Lan, và người Đức.
II. CÁC MIỀN ĐỊA HÌNH CHÍNH CỦA SLOVAKIA
1. MIỀN NÚI PHÍA BẮC

Đỉnh Gerlachovsky ( 2655m )
Phía bắc Slovakia là dãy High Tatra là phần cao nhất của cánh cung Carpathians, cánh cung này dài 1200 kilômét. High Tatra có khoảng 29 đỉnh cao hơn 2500m, cao nhất là Gerlachovsky ( 2655m ). Đỉnh núi đá sắc nhọn của chúng có đặc điểm của dãy núi Alps do băng hà gọt giũa trong hàng ngàn năm tạo thành. High Tatra tập trung nhiều cảnh đẹp thiên nhiên tạo cho chúng ta ấn tượng không thể nào quên.

Hồ Štrbské, phía sau là High Tatra
Trong số các thung lũng núi có khoãng 110 hồ tuyệt đẹp tạo nên bởi các hoạt động băng hà và nhiều thác hùng vĩ như thác Studeny Potok, nằm ở thung lũng Studena Dolina, thác Skok ở thung lũng Mlynicka. Nơi đây có mùa đông lạnh kéo dài và mùa hè ngắn. Nhiệt độ trung bình vào tháng bảy ở độ cao 1000m là 5oC. Nhiệt độ thay đổi nhanh, vào mùa hè bão thường đến vào buổi trưa .

Hồ ở Công viên Quốc gia Paradise phía đông Slovakia

Sơn dương miền núi High Tatra
Toàn bộ vùng High Tatra thuộc về Công viên quốc gia Tatra. Công viên quốc gia này bao phủ một vùng rộng lớn, nơi đây có nhiều loài thực vật cổ còn sót lại và các loài đặc hữu, các thực vật từ kỷ băng hà. Các loài độnng vật của vành đai cao Tatra là sơn dương, là biểu tượng của Công viên quốc gia High Tatra. Sơn dương thường sống ở đồng cỏ miền núi Alps ở địa hình sườn núi dốc trên 1700m. Vành đai rừng có hoẵng, hươu, lợn rừng, gấu, và tất nhiên là nhiều sóc luôn chờ chực ở các đường mòn để nhặt vài hạt đậu phộng của du khách đi thăm viếng công viên. Chó sói thường đi lảng vảng trong trong viên để săn nai và các loài thú hoang dã khác. Linh miêu là một loài mèo lớn thường săn các loài nai và cả sơn dương. Ngoài ra là nhiều loài chim săn mồi như chim ó, là một họ của đại bàng.

Ngôi làng bên trong dãy núi Carpathian, dưới chân rặng núi High Tatra
Phía nam của High Tatra là Low Tatra, thung lũng sông Vah phân chia hai dãy núi này và nó là một trong số vài con đường tốt xuyên qua trung tâm Slovakia . Thung lũng sông quan trọng khác là Hron chảy về phía nam của dãy Low Tatra. Đỉnh cao nhất của Low Tatra là Dumbier nằm ở phía tây cao 2042m. Đỉnh núi kế cận là Chopok 2024m, là địa điểm trượt tuyết hấp dẫn nhất ở Slovakia. Sườn núi Low Tatra còn nhiều khu rừng rộng lớn được bảo vệ bởi Công viên quốc gia Low Tatra được thiết lập năm 1978.

Hang băng Demanovska
Nơi được thăm viếng nhiều nhất ở Low Tatra là thành phố nhỏ Demanovska, nằm ở sườn bắc của dãy Low Tatra. Demanovska là thành phố có nhiều phong cảnh đẹp, địa điểm trượt tuyết lý tưởng và là nơi có nhiều hang động đẹp nổi tiếng trên thế giới. Hang Demanovska gồm hàng chuỗi động nối lại với nhau

Hang Domica
bởi các hồ ngầm và thác nước, hệ thống các hành lang, các phòng ngầm với mái vòm rất lý thú, và với vô số các măng đá và thạch nhủ có màu trắng, màu hồng hay đỏ sậm. Hang Demanovska được khám phá năm 1921, thuộc về khu bảo tồn thiên nhiên Demanovska mỗi năm có hàng trăm người thăm viếng. Gần biên giới Hungary là hang Domica, cũng nổi tiếng với mái hình vòm và thạch nhủ nhiều màu. Các dãy núi quan trọng khác là dãy Lesser và Greater Fatra, ở trung tâm và tây Slovakia. Dãy núi Slovak Ore, nằm ở phía đông mang tên khoáng sản nằm ở vùng này.
Việc kiếm sống rất khó khăn ở miền núi.

Hoa anh túc mọc hoang dại bên cạnh các luống khoai tây
Ở miền núi mùa đông dài và lạnh lẽo, và có rất nhiều tuyết. Ngoại trừ những vùng thấp hơn và thung lũng được che chở nhiều hơn bởi các ngọn núi, khi có gió lạnh thổi và tuyết rơi dầy miền núi không có chỗ cho người và gia súc trú. Mùa hè là thời gian thích hợp để những nông dân miền núi lùa đàn cừu lên đồng cỏ miền núi và đốn cây. Nhưng đến mùa thu người và gia súc phải trở về miền thấp.
Ở những thung lũng nông dân trồng khoai tây, củ cải đường, ngũ cốc, và các loại cây làm thực phẩm cho gia súc.Vì phương tiện giao thông kém, vài vụ mùa phải đem đi rất xa. Thức ăn và đồ dùng của con người rất ít đổi khác. Nói chung nhiều làng mạc miền núi vẫn còn duy trì lối sống truyền thống, sản xuất loại gốm đặc biệt, làm ren.

Xí nghiệp làm giày ở Bardejov miền bắc Slovakia
Ngành công nghiệp nổi bật ở miền núi Slovakia là ngành công nghiệp đóng giày. Rãi rác ở vùng núi và dọc thung lũng sông Vah có nhiều xưởng đóng giày. Những xưởng này dùng gỗ làm gót giày và da để làm phần khác của giày. Gỗ và da là nguồn nguyên vật liệu lấy từ những vùng chung quanh. Xí nghiệp giày tạo điều kiện cho dân miền núi Slovakia kiếm được tiền. Giày giá rẻ của Slovakia được bán ra cho nhiều nước ở châu Âu và Mĩ. Ngoài ra Slovakia còn khai thác khoáng sản ở vùng núi như quặng đồng, sắt, vàng.
Trong những năm gần đây ngành du lịch phát triển đã đem lại bộ mặt mới cho đời sống các cư dân miền núi.
Các thành phố nhỏ thuộc miền núi Tatra

Quảng trường chính của thành phố Banská Bystrica
Thành phố Liptovsky Mikulas : Nằm ở phía bắc Slovakia, thuộc về vùng Liptov gần núi Tatra, vùng này chia sẻ biên giới với phần lãnh thổ với Ao, Hungary và Đức. Liptov nằm ở thượng nguồn sông Vah giữa hai dãy núi High Tatra và Low Tatra.
Thành phố Poprad : Là thành phố nhỏ nằm ở phía bắc dưới chân dãy núi High Tatra. Poprad còn là một trung tâm lịch sử, nơi đặt phi trường quốc tế và là điểm khởi đầu của đường xe điện Tatra. Đường xe điện này nối các địa điểm du lịch ở vùng núi Tatra với các miền khác và với Poprad, đặc biệt là với thủ đô Prague của Cộng hoà Czech.
Thành phố Banská Bystrica : Là thành phố nằm ờ thung lũng sông Hron ở vùng núi Low Tatra. Trong quá khứ Banska Bystrica là thành phố quan trọng về nghề khai thác khoáng sản. Núi Low Tatra gần đó tạo điều kiện cho thành phố phát triển ngành du lịch, thu hút nhiều người đến thành phố tham gia trượt tuyết vào mùa đông.
2. ĐỒNG BẰNG SÔNG DANUBE
Về phía tây nam Slovakia là một vùng đất thấp. Đây là đồng bằng dọc thung lũng sông Danube. Nơi đây sông Danube hình thành biên giới giữa Slovakia và Hungary. Đồng bằng màu mỡ này đã giúp Slovakia tự cung cấp đủ nhu cầu về thực phẩm. Nông sản ở vùng này giống vơí Hungary hơn là các vùng khác của Slovakia. Các sản phẩm nông nghiệp rất phong phú bao gồm lúa mì, khoai tây, củ cải đường, hoa beer, trái cây, heo, trâu bò và gia cầm. Bắp và thuốc lá là vụ mùa quan trọng. Nơi đây vào mùa hè, nhiệt độ nóng hơn các các miền khác. Bratislava là trung tâm công nghiệp chính .
Bratislava : Thủ đô của Cộng hoà Slovakia

Lâu đài Bratislava và thành phố cổ Bratislava nhì từ cầu Novy Most ( New Bridge)
Bratislava là thủ đô của Slovakia và là thành phố cảng quan trọng bên sông Danube, với dân số 425.459 người ( 2005). Bratislava nằm gần biên giới Ao Hungary và với Cộng hoà Czech. Mặc dù là thành phố cổ, nó vẫn có một số ngành công nghiệp hiện đại. Nó sản xuất vỏ xe, xi măng, lọc dầu. Bratislava còn là nơi giao nhau của các con đường giao thông dọc sông Danube với con đường giao thông qua hành lang Moravia. Ngày nay, ngày càng có nhiều du khách thăm viếng thành phố xinh đẹp với các di tích lịch sử và các kiến trúc cổ xưa này.

Nhà thờ St. Martin
Những ai muốn tránh né những quang cảnh thông thường khi thăm viếng các thủ đô của châu Âu và chọn lựa một điều gì đó ít ngoại lai hơn thường đến thăm viếng thủ đô Bratislava, nơi thường được miêu tả là người đẹp bên dòng sông Danube, là một nơi chưa được khám phá. Bratislava nằm cạnh sông Danube không xa hai thủ đô của châu Âu là Vienna và Budapest, các thành phố tấp nập, giàu có và phong phú về lịch sử . Tuy nhiên Bratislava có vẻ đẹp riêng của nó, là một thành phố cổ có kiến trúc Hapsburg baroque phản ảnh ở các chuỗi nhà duyên dáng nhiều màu sắc. Phần lớn khu phố cổ đã được xây dựng lại gần đây. Trung tâm thành phố là Quảng trường Hlavane, nơi tổ chức chợ giáng sinh vào tháng mười hai. Toà nhà đẹp nhất trong thành phố là Toà thị chính cổ với mái ngói màu sắc và các tháp cao. Cạnh đó là Lâu đài Primacialny là nơi mà Napoleon và nước bại trận Áo ký Hiệp ước Pressburg (Bratislava ). Cuối khu phố cổ là Nhà thờ St. Martin nơi đăng quang của của các vua Hungary trong suốt những năm mà Hungary bị Thổ Nhĩ Kỳ cai trị.

Trung tâm thành phố Komarno, Vùng Bratislava
Bratislava là thủ đô của Hungary trong hơn 200 năm, khi Slovakia là một phần của Hungary. Trong thời kỳ này nhiều vua Hungary lên ngôi ở Bratislava. Toà lâu đài đồ sộ Bratislava có kiến trúc gothic và kiến trúc thời Phục Hưng, là nơi trị vì của các vua chúa xưa kia. Lâu đài nằm trên đỉnh núi đá, là một phần của dãy Carpathians, nhìn xuống dòng sông Danube từ xa có thể trông thấy lâu đài này dễ dàng. Mặc dù toà lâu đài nằm ở độ cao 60m nhưng tản bộ lên toà lâu đài không mấy khó khăn. Chuyện kể rất lý thú về điều này rằng nữ hoàng to béo, vợ của vua Hapsburg là Maria Theresa đã ra lệnh cho xây các bậc thang trong lâu đài một cách đặc biệt để bà có thể cởi ngựa lên xuống lâu đài. Sau bao nhiêu năm tồn tại toà lâu đài bị bọn lính Áo say rượu đốt cháy vào năm 1811 và rồi được trùng tu lại năm 1960 dùng làm một viện bảo tàng nhỏ.

Nhà hát Quốc gia cổ Slovak trên quảng trường Hviezdoslav
Ngày nay thành phố cổ lại tiếp tục hồi sinh và các kiến trúc truyền thống của Slovakia đang được đánh giá cao hơn các kiến trúc chịu ảnh hưởng Xô Viết gần đây. Thành phố cổ xinh đẹp Bratislava với lâu đài, đường phố yên tĩnh, đài kỷ niệm lịch sử, phòng trưng bày, rạp hát, và toàn bộ vẽ duyên dáng tạo cảm giác gần gũi cho mọi người hơn là vẻ ồn ào của thành phố Prague của Czech.
Ngoài khu vực cổ Bratislava còn là một thành phố sôi nổi về đêm. Các đại lộ hiện đại, các quán rượu, quán bar, quán cà phê cũng như câu lạc bộ đêm lúc nào cũng tấp nập. Nhiều trường đại học và học viện như Đại học Kỹ thuật Slovakia, Đại học Kinh tế, Học viện âm nhạc và kịch nghệ, Học viện mỹ thuật và thiết kế tập trung ở Bratislava chứng tỏ nó là thành phố quan trọng về văn hoá .
III. ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ

Dinh tổng thống Cộng Hòa Slvakia
Từ sau năm 1993, Tiệp Khắc phân chia thành hai nước Cộng hoà Czech và Cộng hoà Slovakia. Nền kinh tế Slovakia có nhiều bất lợi do công nghiệp nặng chịu ảnh hưởng của Đông Âu. Slovakia đã cố gắng khôi phục nền kinh tế của mình và thực hiện nhiều cuộc cải cách. Tuy nhiên, việc chuyển sang nền kinh tế thị trường gặp nhiều khó khăn ở Slovakia. Để hiện đại hoá các ngành công nghiệp và huấn luyện lại công nhân đòi hỏi sự đầu tư của nước ngoài, điều này diễn ra chậm chạp do tình hình chính trị không ổn định trong nước.
Nền kinh tế của Slovakia khá phát triển trong những năm qua. Giữa năm 1993 và 1994, tổng sản phẩm quốc nội ( GDP ) tăng 4,3%, lạm phát giảm từ 20% đến 12%. Tuy nhiên tốc độ thay đổi chậm. Phần cơ bản của việc chuyển sang nền kinh tế tự do là chuyển từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân . Mặc dù nhiều công ty tư nhân được thiết lập ở lĩnh vực dịch vụ của Slovakia, phần lớn các ngành công nghiệp vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Năm 2005 tổng sản phẩm quốc nội của Slovakia đạt 46,4 tỉ USD.
Slovakia là thành viên của Quỹ tiền tệ quốc tế ( IMF ) và Ngân hàng thế giới về tái thiết và phát triển, cũng như Ngân hàng châu Âu về tái thiết và phát triển ( EBRD). Slovakia trở thành thành viên chính thức của Liên minh châu Âu ( EU ) vào tháng năm 2004.
Lực lượng lao động : Vào năm 2005 tỉ lệ thất nghiệp ở Slovakia trung bình 18 %. Từ năm 1989, lĩnh vực dịch vụ phát triển nhanh chóng chiếm 56% lực lượng lao động. Khoảng 39% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, 5% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nông nghiệp

Trung tâm thị trấn Bardejov, thị trấn được xây dựng từ thời Trung cổ Nay là Di sản thế giới dược UNESCO công nhận.
Slovakia có thời là một quốc gia nông nghiệp và ngày nay nông nghiệp vẫn đóng vai trò chính trong nền kinh tế quốc gia. Đất canh tác chiếm 30% diện tích ở Slovakia, các nông sản chính là lúa mì, lúa mạch, bắp, củ cải đường, khoai tây. Nghề trồng nho phát triển trên các sườn núi, thuốc lá được trồng ở thung lũng sông Vah. Việc chăn nuôi gia súc như heo, trâu bò, cừu và gia cầm cũng rất quan trọng.
Mặc dù sự tồn tại của ngành nông nghiệp có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Slovakia, trong thời XHCN lĩnh vực này suy thoái khi mà ngành công nghiệp được đẩy mạnh như hoạt động kinh tế chính của Slovakia .
Ngành công nghiệp và ngành khai thác khoáng sản : Đồng, chì, kẽm, man-nhê, sắt, than chì là các khoáng sản chính của Slovakia. Tuy nhiên công nghiệp khai thác khoáng sản đã giảm sút nghiêm trọng kể từ khi nhà nước XHCN Slovakia thôi không tồn tại.
Dưới chế độ XHCN Slovakia đã được công nghiệp hoá từ cuối thế kỷ XX. Các sản phẩm chính là máy móc và sắt thép, vũ khí, đồ gốm, hoá chất, máy móc, sản phẩm dầu mỏ, thép, vải. Việc sản xuất thực phẩm chế biến, như bia, phó mát làm từ sữa cừu, rất quan trọng.
Phần lớn năng lượng ở Slovakia đều phải nhập khẩu, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Thủy điện từ các nhà máy thủy điện ở sông Vah, Orava, và sông Hornád cung cấp nguồn năng lượng quan trọng trong nước. Những nhà máy thủy điện này nằm ở Jaslovské Bohunice và Mochovce. Năm 2004 Slovakia sản lượng điện của Slovakia đạt 79.14 tỉ kW.

Đường chính của thị trấn Presov, thị trấn là nơi hấp dẫn nhiều du khách
Du lịch và ngoại thương : Công nghiệp du lịch phát triển vào cuối giai đoạn của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Các thành phố lịch sử và nhiều địa điểm trượt tuyết ở miền núi là những nơi hấp dẫn du khách.
Việc buôn bán với nước ngoài là ngành kinh tế quan trọng của Slovakia. Vào năm 2004 xuất khẩu đạt 27,6 tỉ và nhập khẩu là 29 tỉ đô la. Dầu thô, khí thiên nhiên, thiết bị ngành giao thông là sản phẩm nhập khẩu chính. Slovakia xuất khẩu máy móc, hoá chất, nhiên liệu và vũ khí. Bạn hàng buôn bán chính của Slovakia là Czech, Đức, Ao ,Hungary, Italy, Nga, Ba Lan, Ukraine và Mĩ. |