
I. Hình thức giấy miễn thị thực
Giấy miễn thị thực gồm 02 loại theo mẫu dưới đây:
1.Loại dán: là Giấy miễn thị thực được dán vào hộ chiếu nước ngoài của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài dùng để nhập cảnh Việt Nam.
2. Loại sổ: là Giấy miễn thị thực dành cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp và người sử dụng hộ chiếu của những nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam không có quan hệ ngoại giao.
II. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy miễn thị thực
1. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hồ sơ gồm:
a. 01 Tờ khai đề nghị cấp Giấy miễn thị thực (theo mẫu);
b. 02 tấm ảnh màu mới chụp cỡ 4x6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu (01 tấm ảnh dán vào Tờ khai, 01 tấm ảnh để rời);
c. Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu của nước ngoài còn giá trị ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh. Nếu không có hộ chiếu thì phải có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp còn giá trị ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh. (kèm theo bản chụp để cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy miễn thị thực lưu hồ sơ);
d. Một trong những giấy tờ sau (kèm theo bản chụp để cơ quan có thẩm quyền lưu hồ sơ) nếu có:
- Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam;
- Bản sao hoặc bản trích lục Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam;
- Bản sao hoặc bản trích lục Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam;
- Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam;
- Hộ chiếu Việt Nam (còn hoặc đã hết giá trị);
- Giấy chứng minh nhân dân (còn hoặc đã hết giá trị);
- Giấy khai sinh (kể cả bản sao);
- Thẻ cử tri mới nhất;
- Sổ hộ khẩu;
- Sổ thông hành cấp trước 1975;
- Thẻ căn cước cấp trước 1975
- Tờ trích lục Bộ giấy khai sanh cấp trước 1975;
- Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nếu trong đó có ghi người được cấp giấy tờ đó có quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam.
e. Trường hợp không có các giấy tờ tại khoản (d) thì nộp một trong những giấy tờ sau:
- Giấy bảo lãnh của Hội đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài ở nước đương sự cư trú (theo mẫu quy định);
- Giấy bảo lãnh của công dân Việt Nam (theo mẫu quy định).
Hai loại Giấy bảo lãnh nói trên không cần phải có thủ tục xác nhận hoặc chứng thực thêm.
2. Đối với người nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hồ sơ gồm:
a. 01 Tờ khai đề nghị cấp Giấy miễn thị thực (theo mẫu);
b. 02 tấm ảnh màu mới chụp cỡ 4x6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu (01 tấm ảnh dán vào Tờ khai, 01 tấm ảnh để rời);
c. Hộ chiếu nước ngoài còn giá trị ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh (kèm theo bản chụp để cơ quan có thẩm quyền lưu hồ sơ);
d. Một trong những giấy tờ chứng minh quan hệ vợ, chồng, con với người Việt Nam định cư ở nước ngoài sau đây (kèm theo bản chụp để cơ quan có thẩm quyền lưu hồ sơ):
- Giấy đăng ký kết hôn;
- Giấy khai sinh;
- Giấy xác nhận quan hệ cha, mẹ, con;
- Các giấy tờ khác có giá trị theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Quyết định nuôi con nuôi.
3. Việc cấp lại, cấp từ lần 2 Giấy miễn thị thực
Trường hợp xin cấp lại Giấy miễn thị thực (do mất Giấy miễn thị thực, Giấy miễn thị thực hết giá trị hoặc được cấp hộ chiếu mới) tại cơ quan cấp lần đầu, người đề nghị chỉ cần làm 1 Tờ khai, không cần xuất trình giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Trường hợp xin cấp lại Giấy miễn thị thực (do mất Giấy miễn thị thực hoặc Giấy miễn thị thực hết giá trị) tại cơ quan khác với cơ quan cấp lần đầu thì người đề nghị nộp hồ sơ và thủ tục giải quyết như cấp lần đầu.
III. Thủ tục đề nghị cấp Giấy miễn thị thực
Người đề nghị cấp Giấy miễn thị thực có thể trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện Tờ khai, hộ chiếu/giấy tờ thường trú bản chính và các giấy tờ chứng minh có nguồn gốc Việt Nam hoặc quan hệ vợ, chồng, con với công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài (bản chính kèm bản chụp)
IV. Thời hạn cấp Giấy miễn thị thực
07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Ghi chú thêm
Các trường hợp sau được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam:
1. Công dân mang hộ chiếu các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, In-đô-nê-sia và Lào được miễn thị thực Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 30 ngày.
2. Công dân mang hộ chiếu Phi-lip-pin được miễn thị thực Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 21 ngày.
3. Công dân mang hộ chiếu các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Nga và Phần Lan được miễn thị thực Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 15 ngày.
4. Công dân mang hộ chiếu Bru-nây được miễn thị thực Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 14 ngày
5. Công dân Pháp mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ còn giá trị được miễn thị thực Việt Nam và được lưu trú một lần liên tục hoặc lưu trú nhiều lần với tổng thời gian các lần lưu trú không được quá 90 ngày trong thời hạn 6 tháng tính từ ngày nhập cảnh lần đầu.
6. Công dân Chilê mang hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ còn giá trị được miễn thị thực Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 90 ngày
7. Những người mang thẻ đi lại doanh nhân APEC (ABTC) thuộc các quốc gia thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được miễn thị thực Việt Nam với thời hạn cư trú không quá 60 ngày.
8. Đối với những du khách tới đảo Phú Quốc - Việt Nam: Người nước ngoài và công dân Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài vào Việt Nam qua một cửa khẩu quốc tế và sau đó du lịch tới đảo Phú Quốc và lưu lại đó dưới 15 ngày sẽ được miễn thị thực Việt Nam. Hộ chiếu phải còn giá trị ít nhất là 45 ngày. Sau khi đến Phú Quốc, nếu du khách muốn đi thăm các địa phương khác hoặc lưu lại tại hòn đảo này trên 15 ngày, Cục quản lý xuất nhập cảnh sẽ cấp thị thực Việt Nam cho du khách ngay tại Phú Quốc.
Các loại thị thực Việt Nam
Thị thực du lịch: Thị thực du lịch thường có thời hạn 1 tháng, cho phép nhập cảnh một lần hoặc nhiều lần.
Thị thực thương mại: Thị thực thương mại thường có hiệu lực trong vòng 3 tháng, trong đó người được cấp có thể nhập cảnh một lần hoặc nhiều lần và có quyền làm việc tại quốc gia đến. Hiện nay, việc xin thị thực thương mại đã rẻ hơn và thủ tục đơn giản hơn, mặc dù phí cấp thị thực thương mại vẫn cao gấp đôi phí cấp thị thực du lịch.
Thị thực du học: Thị thực du học thường được cấp khi bạn đã đến quốc gia du học. Bạn có thể vào Việt Nam bằng thị thực du lịch, ghi danh vào một lớp học tiếng Việt và sau đó nộp đơn cho công an xuất nhập cảnh để xin thay đổi tình trạng thị thực. Trên thực tế, tốt nhất bạn nên liên hệ với một công ty du lịch để họ hỗ trợ việc xin đổi trạng thái thị thực cho bạn.
Thị thực quá cảnh (Thị thực tại thành phố ghé thăm): Loại thị thực này có thời hạn hiệu lực tối đa là 5 ngày. Cục xuất nhập cảnh sẽ cấp thị thực quá cảnh cho các đoàn khách du lịch có hướng dẫn viên đi kèm. Mỗi đoàn khách du lịch phải có lịch trình rõ ràng và có bảo lãnh của đại lý du lịch tổ chức tour du lịch đó.
|