Du học

Du học- Một số điều bạn nên chú ý khi tự làm Hồ sơ  

  1. Nếu sức học chỉ ở mức trung bình và bạn vẫn muốn đi du học Đức, hãy bắt đầu học tiếng Đức (tiếng Anh) ngay khi vừa vô học Đại học, thẩm tra APS và thi TestAS ngay khi vừa có bảng điểm 4 học kì, xin học bên Đức ngay sau khi đã có trong tay APS và TestAS, xin Visa du học ngay sau khi đã có Zulassung bên Đức. Nói chung, bạn cần đi du học Đức ngay sau khi đã học xong 4 học kì (bảo lưu kết quả học ở Đại học sau 4 học kì, không học tiếp kì thứ 5).

  2. Kết quả học (bảng điểm) tại Đại học ở Việt Nam không tốt cũng có thể ảnh hưởng đến việc xét cấp Visa của ĐSQ, TLS Đức cho dù bạn đã có Zulassung trường đại học bên Đức và điểm Goethe-Zertifikat B1 cao. Đã có bạn sau 1 tháng chờ kết quả, bị bắt bổ sung bảng điểm Đại học và sau đó bị từ chối Visa vì lí do này. Do đó, nếu bạn cảm thấy vừa học cấp tốc tiếng Đức vừa học đại học ở VN không tốt được thì nên ngay từ đầu sớm xin bảo lưu kết quả tại trường đại học, chỉ tập trung học tiếng Đức. Rất nhiều bạn đã qua Đức du học được cho dù ở Việt Nam chưa học xong 1 học kì đại học nào.

  1. Nếu tiếng Anh của bạn tốt hơn tiếng Đức, bạn chỉ nên thi TestAS bằng tiếng Anh, không nên thi bằng tiếng Đức. Điều này sẽ có ảnh hưởng nhiều đến kết quả của TestAS. Một số bạn nói kết quả TestAS không ảnh hưởng cũng không đúng, vì nếu ĐSQ hay TLS yêu cầu bạn nộp TestAS và kết quả thấp thì cũng có thể bị từ chối Visa (đã có bạn từng bị). Ngoài ra, các trường đại học ở Đức ngày càng có huynh hướng tuyển sinh dựa trên điểm của TestAS hoặc cộng điểm Bonus nếu có điểm TestAS tốt. Hiện tại, các bạn chưa học xong 4 học kì ĐH ở Việt Nam có thể học thẳng Studium tại Universität Wuppertal mà không cần qua Dự bị đại học, trường tuyển sinh dựa trên kết quả thi TestAS, thông tin các bạn có thể xem ở đây http://www.vietstudent.org/threads/339/.

  2. Nên có trình độ tiếng Đức tối thiểu B1 trước khi qua Đức để có thể hòa nhập tốt vào cuộc sống mới bên Đức cũng như có thể theo học tốt các lớp tiếng Đức tiếp theo ở bên Đức. Đây cũng là yêu cầu hiện tại của đa số các trường bên Đức và của ĐSQ, TLS Đức tại Việt Nam khi xét cấp Visa du học Studium.

  3. Nếu sức học của bạn không thật sự tốt, không nên đi theo con đường học Dự bị đại học, mà hãy nên đi theo con đường học tiếng Đức để thi DSH-2. Việc học dự bị sẽ tiêu tốn thời gian và tiền bạc của bạn nhiều hơn trong quá trình chuẩn bị trước khi vô Đại học bên Đức so với việc chỉ học tiếng Đức và thi DSH-2. Nhiều bạn qua Đức học tiếng Đức hơn 1 năm vẫn chưa có thể thi đậu được đầu vào dự bị Đại học và gặp nhiều khó khăn khi đi gia hạn thẻ cư trú ở Sở ngoại kiều, vì bạn phải hoàn thành khóa dự bị trong vòng 2 năm từ khi đến Đức và khóa dự bị thường là kéo dài gần 1 năm. Có thể nhiều bạn sẽ cho là học dự bị thì kiến thức sẽ tốt và vững hơn khi vô học Đại học, mình nghĩ điều này là đúng, nhưng cũng chỉ thích hợp cho các bạn sinh viên trước khi qua Đức đã có học lực tốt sẵn rồi, nếu không, để thi đậu và vô học được dự bị cũng là một vấn đề nan giải. Ngoài ra, học tiếng Đức để thi DSH thì bạn học ở đâu cũng có, còn học dự bị thì chỉ giới hạn một số nơi, do đó việc bạn không thể ở gần hay cùng người thân quen bên Đức hoặc phải di chuyển chỗ ở nhiều lần trước khi vô học Đại học là điều khó tránh khỏi nếu bạn đi theo con đường học dự bị Đại học. Có thể nhiều bạn sẽ nói là không thi được dự bị và không học được dự bị thì qua Đức du học làm gì, nhưng thực tế là không phải gia đình nào cũng đặt 100% mục đích cho con em mình qua Đức du học là chỉ để học thực sự.

  4. Chỉ nên mở tài khoản tại Vietinbank để chứng minh tài chính khi xin visa du học Đức. Thủ tục, yêu cầu & phí mở tài khoản của Deutsche Bank hiện tại không thích hợp & không khả thi cho các bạn du học sinh Việt Nam mở tài khoản Deutsche Bank để chứng minh tài chính khi xin Visa du học Đức nữa. Trước giờ QV đều ủng hộ việc nên mở tài khoản Deutsche Bank thay vì Vietinbank, nhưng gần đây Deutsche Bank đòi hỏi phải có Zulassung nộp kèm đơn mở tài khoản DB nữa mới cho mở, mà để chứng thực đơn mở tài khoản bank cũng mất thời gian đặt Termin ở ĐSQ Đức, rồi DB cũng tăng phí mở tài khoản lên 150€, bắt khai kê nguồn gốc tiền chuyển vô tài khoản DB. Cho nên nếu mở bên Deutsche Bank có thể bạn sẽ không kịp Termin nộp hồ sơ xin Visa ở ĐSQ Đức, sẽ rất bị động. Các bạn có thể tạm thời mở tài khoản Vietinbank để kịp có xác nhận tài chính để nộp cho ĐSQ Đức, qua Đức rồi mọi người đều có thể dễ dàng mở thêm tài khoản Bank ở Sparkasse, Deutsche Bank, Norisbank .... rồi làm Dauerauftrag tự động mỗi tháng chuyển 720€ từ Vietinbank qua tài khoản của Bank mới tại Đức.

  5. Nộp hồ sơ xin học càng sớm càng tốt, không nên đợi đến gần hết hạn nộp hồ sơ, vì nhiều trường Đại học bên Đức vẫn xét và cấp Zulassung cho các bạn sinh viên trước khi hết hạn nộp hồ sơ hoặc nếu hồ sơ bạn nộp cần bổ sung thêm giấy tờ thì bạn vẫn còn thời gian để bổ sung. Do đó, nếu bạn nộp quá trễ sẽ là một sự thiệt thòi cho chính mình.

  6. Các chương trình học bằng tiếng Anh bên Đức của đại học công lập cũng đa phần là miễn phí, bao gồm cả Bachelor và Master.

  7. Để đảm bảo khả năng thành công của đơn xin Visa du học ở ĐSQ & TLS Đức tại Việt Nam, bạn nên có tối thiểu chứng chỉ tiếng Đức Goethe-Zertifikat B1 (mỗi kĩ năng trong 4 kĩ năng đều phải đạt mức đánh giá „befriedigend“ từ 70 điểm trở lên) nếu bạn qua học chương trình bằng tiếng Đức. Đây chỉ là điểm mốc để các bạn hướng đến khi học thi chứng chỉ B1, nhiều bạn vẫn nhận được Visa với 2 kĩ năng B1 dưới 70 điểm.

  8. Khi nộp đơn xin Visa, bạn cần phải có bản Motivation trình bày kế hoạch cụ thể du học Đức, trong đó ghi rõ bạn đã học gì ở Việt Nam, bạn sẽ học gì ở bên Đức, các mốc thời gian cụ thể, dự định nghề nghiệp sau khi học xong, mối tương quan hay liên hệ giữa ngành đã học ở Việt Nam và ngành dự định sẽ học ở bên Đức.

  9. Đối với các bạn vừa thi tuyển sinh đại học xong và đã nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, các bạn cần giữ lại cẩn thận giấy báo trúng tuyển đại học này. Giấy báo trúng tuyển Đại học (die bestandene Hochschulaufnahmeprüfung) là tờ giấy rất quan trọng cho các bạn nào có ý định sau này làm hồ sơ du học Đức. Các bạn cần chú ý và tìm hiểu xem khi làm hồ sơ nhập học ở trường đại học sắp tới, các bạn có phải nộp lại bản gốc của giấy trúng tuyển này không, nếu có, các bạn hãy tìm các năn nỉ cho được giữ lại bản gốc này bằng mọi cách, nếu không còn cách nào khác, trước khi nộp bản gốc lại cho trường đại học thì các bạn có thể đem đi copy công chứng và dịch qua tiếng Anh giấy trúng tuyển đại học này làm nhiều bản (trên 10 bản) để dành sau này sử dụng khi xin học bên Đức.

  10. Toàn bộ giấy tờ du học không nên dịch qua tiếng Đức, chỉ nên dịch qua tiếng Anh, lí do là vì trình độ dịch tiếng Đức ở Việt Nam bây giờ còn rất nhiều hạn chế, Quách Vũ đã từng đọc rất nhiều bản dịch qua tiếng Đức ở Việt Nam và thấy ở Việt Nam dịch tiếng Đức sai rất là nhiều, cả về chính tả, văn phạm cũng như cách dùng câu, trong khi khả năng dịch qua tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay cũng rất tốt và giấy tờ bằng tiếng Anh cũng được chấp nhận trong quá trình làm hồ sơ du học. Đã có nhiều bạn bị trường bên Đức từ chối Zulassung chỉ vì văn phòng dịch và công chứng qua tiếng Đức ở Việt Nam đã dịch sai đúng ngay những nội dung quan trọng nhất, và khả năng về tiếng Đức của các bạn sinh viên này ở thời điểm đó không thể tự phát hiện ra được các lỗi sai về tiếng Đức này. Do đó, Quách Vũ khuyên các bạn sinh viên cần kiểm tra kĩ lại toàn bộ bản dịch của mình xem có sai sót gì không (nhất là các bản dịch qua tiếng Đức), đừng nên quá tin vào nội dung dịch của các văn phòng công chứng và dịch thuật ở Việt Nam. Nếu các bạn không có khả năng tự kiểm tra thì cũng có thể nhờ người khác có trình độ về ngôn ngữ kiểm tra lại giùm.

  11. Các bạn nào dự định học xong Đại học ở Việt Nam, sau đó muốn qua Đức du học bậc cao học, cần nhất thiết đăng kí làm luận văn tốt nghiệp nếu điều kiện cho phép. Theo qui định chính thức của Đức thì sinh viên Việt Nam muốn học Master ở Đức thì trước đó học Đại học ở Việt Nam phải có làm luận văn tốt nghiệp. Cũng có trường bên Đức không để ý chuyện này và vẫn chấp nhận cho học Master mà trước đó không có làm luận văn tốt nghiệp ở Bachelor, nhưng cơ hội như thế này ở Đức là không nhiều.

  12. Khi đến nhận Visa ở Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, bạn cần đứng tại chỗ kiểm tra lại ngày bắt đầu có hiệu lực của Visa, xem nó có trước ngày hết hạn đăng kí nhập học theo thông báo của trường bên Đức hay không. Vì ĐSQ Đức luôn đóng sẵn ngày bắt đầu có hiệu lực của Visa chứ không có hỏi ý kiến của sinh viên trước khi đóng Visa như ở TLS Đức tại Sài Gòn, cho nên có một số bạn đã bị đóng Visa có hiệu lực bắt đầu sau ngày hạn chót đăng kí nhập học bên Đức. Nếu sau khi xem bạn thấy có vấn đề, thì ngay lúc đó, bạn cần báo lại với nhân viên ở ĐSQ Đức để họ xem xét lại ngày trên Visa cho bạn.

  13. Chỉ nên dùng địa chỉ ở bên Đức để nhận kết quả Zulassung khi nộp hồ sơ xin học (Bewerbung, Antrag). Việc để địa chỉ nhận thư ở Việt Nam có thể sẽ gây nhiều bất lợi cho các bạn vì thư từ gửi bình thường qua bưu điện từ Đức về Việt Nam khá lâu, có khi 2-3 tuần hoặc là không bao giờ nhận được. Nhiều bạn ở VN đã bị chậm trễ hoặc mất cơ hội nhập học bên Đức chỉ vì thư từ gửi về Việt Nam bị chậm trễ hoặc thất lạc.

  14. GIA HẠN VISA, XIN CẤP THẺ CƯ TRÚ LẦN ĐẦU TIÊN Ở ĐỨC: Hiện nay Sở ngoại kiều các thành phố tại Đức (nhất là Berlin) đang ngày càng thắt chặt việc quản lý hồ sơ và cấp thẻ cư trú (gia hạn Visa) lần đầu cho du học sinh mới đến Đức. Trong thời gian ngắn vừa qua, đã có nhiều bạn dùng Zulassung của trường A để xin Visa ở ĐSQ/TLS Đức tại Việt Nam rồi qua Đức không đến học ở trường A mà lại bỏ Zulassung trường A, đi qua học ở trường B tại nơi khác trong Đức. Một số bạn trong số này đã bị Sở ngoại kiều tịch thu Hộ chiếu và gửi giấy yêu cầu phải rời khỏi Đức trong vòng 1-3 tháng (trước đó đã bị từ chối gia hạn Visa lần đầu và kêu về chờ thư của Sở ngoại kiều). Lí do: Sở ngoại kiều cho là sinh viên đã cố tình khai gian dối trong hồ sơ xin Visa ở Việt Nam khi đã biết trước sẽ học ở trường B nhưng khi xin Visa lại khai sẽ học ở trường A. Do đó, các bạn nên chú ý, dù ở thành phố nào trong nước Đức, không chỉ riêng Berlin, xin Visa bằng Zulassung ở trường nào thì khi qua Đức cần (nên) đến trường đó học và GIA HẠN VISA LẦN ĐẦU TIÊN (xin cấp thẻ cư trú lần đầu) ở thành phố của trường đó hoặc xung quanh. Sau lần được cấp thẻ cư trú đầu tiên này, nếu bạn thấy học ở trường đó không phù hợp thì có thể chuyển đi thành phố khác học và gia hạn thẻ cư trú lần 2 ở đó sau khi thẻ cư trú đầu tiên hết hạn. Xin lưu ý là chỉ nên chuyển chỗ học khi đã được SNK cấp thẻ cư trú đầu tiên theo điều §16 Abs. 1 AufenthG rồi (Aufenthaltserlaubnis/Aufenthaltstitel), không phải chỉ là Fiktionsbescheinigung vài tháng. Đối với các bạn qua Đức bằng Zulassung thi dự bị (STK), thì tối thiểu các bạn cần phải đi thi ở trường dự bị mà bạn đã dùng Zulassung của trường đó để xin Visa ở Việt Nam, để sau này nếu có thi rớt trường đó và phải đi học ở trường dự bị ở nơi khác thì bạn còn có lí do (giấy tờ) chính đáng để đưa ra chứng minh cho việc chuyển nơi học khác của mình với Sở ngoại kiều khi đi gia hạn Visa lần đầu tiên.



"Nguồn trích dẫn: Quách Vũ

-http://www.vietstudent.org/threads/388/"

 

 

Du học- Kinh nghiệm chuẩn bị

Cuộc sống bên nước ngoài không phải là thiên đường, du học có thể mang lại rất nhiều điều mới mẻ, nhưng không có nghĩa là bạn cứ sang đó và sẽ có được tất cả, mà nó đòi hỏi một sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn.

Điều kiện du học Đức

Sau khi chứng minh được đã Tốt nghiệp Phổ thông Trung học, thi thành công kỳ thi Đại học Quốc gia (với tối thiểu 15 điểm) và đã trúng tuyển vào hệ Đào tạo Đại học Chính quy tại một Trường Đại học Việt Nam được công nhận thì có thể được chuyển vào Dự bị Đại học trong cùng nhóm Ngành.

Nếu đạt được các điều kiện tại (1.) và học thêm thành công 4 (bốn) Học kỳ Đại học chính quy thì có thể được chuyển thẳng vào năm thứ nhất một Trường Đại học trong cùng nhóm Ngành.

Nếu Tốt nghiệp hệ Cao Đẳng thì có thể được chuyển vào Dự bị Đại học trong cùng nhóm Ngành.

Nếu Tốt nghiệp hệ Cao Đẳng và thi chuyển tiếp lên Đại học thành công (Học kỳ thứ 5) thì có thể được chuyển thẳng vào năm thứ nhất một Trường Đại học trong cùng nhóm Ngành.

Giải thích thêm của DAAD Hà Nội:

  • "Trúng tuyển": Phải có tham gia kỳ Thi tuyển sinh Đại học Quốc gia và trúng tuyển trong kỳ thi đó với điểm đỗ tối thiểu 15 điểm (không nhân hệ số, không có môn dưới 4 điểm (điểm 3,75 sẽ bị loại))

  • "Hệ Đào tạo Đại học Chính quy": Ở đây hiểu không phải hệ Bổ túc, hệ Chuyên tu, hệ Học từ xa, hệ Mở rộng, hệ Tại chức v. v.

  • "Một Trường Đại học được công nhận" là một Trường Đại học được xếp loại "H +" trong danh sách xếp loại của anabin. Các Cơ sở Đào tạo chưa có tên trong danh sách nói trên, tạm thời được xem như xếp loại H -

  • Cùng "nhóm Ngành": Trên nguyên tắc, nếu học ở Việt Nam (ví dụ) Công nghệ Thông tin thì cũng phải học Ngành đó tại Đức hay nếu học ở Việt Nam Đức Ngữ thì cũng phải học Ngành đó tại Đức. Nhưng các Trường có thể xét linh động theo bảng nhóm Ngành của anabin

  • "Chuyển thẳng": Nếu học thành công một Học kỳ Chuyên ngành (khoảng Học kỳ thứ tư) thì không còn cần qua Studienkolleg (Dự bị Đại học) để vào học từ năm thứ nhất, nhưng vẫn có thể phải qua một kỳ kiểm tra chuyên môn hay vấn đáp để xét năng lực thực sự của Du học sinh.


Những câu hỏi và gợi ý khi bạn chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn xin visa

Động cơ học tập của bạn:

Tìm hiểu rõ về vấn đề này là mục đích chính của buổi phỏng vấn. Các cán bộ lãnh sự muốn biết bạn đã chuẩn bị tích cực đến đâu cho việc du học cũng như việc đối phó với những khó khăn đang chờ đón bạn và những điều kiện mà bạn đã tự trang bị cho mình để vượt qua những khó khăn đó.
Động cơ học tập của bạn sẽ được thể hiện qua phần trả lời các câu hỏi cụ thể dưới đây:
- Bạn muốn học gì? tại sao?
- Du học Đức sẽ đem lại cho bạn những thuận lợi gì so với học đại học ở Việt Nam hay tại các nước khác?
- Những trường đại học tổng hợp/đại học/cao đẳng nào có ngành học mà bạn muốn theo?
- Những trường đại học tổng hợp/đại học/cao đẳng nào thuận lợi nhất đối với bạn? phù hợp nhất với trình độ và các mục tiêu học tập của bạn? Tại sao?
- Có những sự khác biệt nào trong chương trình đào tạo và trong những yêu cầu giữa các trường khác nhau?
- Khó khăn sẽ đến với bạn trong lĩnh vực nào? Bạn sẽ đối phó ra sao với những khó khăn đó?
- Bạn muốn làm việc gì và làm việc ở đâu sau khi học xong?

Trình độ kiến thức:

Một mục đích nữa của cuộc phỏng vấn là các nhân viên lãnh sự muốn đánh giá trình độ tiếng Đức và kiến thức chuyên môn ban đầu của bạn. Hãy trình bày cho họ biết những kiến thức mà bạn đã học cũng như kế hoạch học tập hiện tại và tương lai của bạn.
Tại Đức, việc lựa chọn ngành học, lên kế hoạch thời gian và hoàn thành chương trình học tập là ở chính sinh viên. Do đó, những sinh viên có khả năng sẽ biết lựa chọn ngành học phù hợp, tự lên chương trình học cho mình. Nếu bạn thể hiện cho nhân viên lãnh sự thấy được khả năng độc lập của mình, bạn sẽ dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn.

Một số câu hỏi thường gặp:

1. Sang theo mục đích gì? (Học tập, thăm thân, công tác…)
2. Mối quan hệ giữa người mời (ở bên Đức) vơi người phỏng vấn như thế nào (nếu thuộc diện sang thăm thân) và người đó hiện đang làm gì?
3. Thời gian ở lại Đức là bao lâu?
4. Đã đi nước ngoài lần nào chưa?
5. Có biết nói tiếng Đức, anh hoặc ngoại ngữ nào khác không?
6. Đi theo diện Cơ quan Việt Nam cử đi hay cá nhân?
7. Nếu sang tới Đức, anh/chị có định ở lại Đức không?

Một số câu hỏi bằng tiếng Đức:
*Bản thân
1.Wie heissen Sie ? / Wie ist Ihr Name ?
1. Wie ist Ihr Vorname ?
2.Wie ist Ihr Familienname ?
3. Woher kommen Sie ? / Woher sind Sie ?
4.Wie alt sind Sie ?
5.Wo sind Sie geboren ?
6.Wann sind Sie geboren ?
7.Wo wohnen Sie ? / Wo leben sie ? / Wie ist Ihre Adresse /Anschrift ?
8.Was sind Sie von Beruf ? / Was arbeiten Sie ?
9.Wo arbeiten Sie ?
10.Wann haben Sie das Gymnasium / Oberschule abgeschlossen ?
11.Wie lange haben Sie das Gymnasium / die Oberschule abgeschlossen ?
12.Was haben Sie nach dem Gymnasium / der Oberschule gemacht ?
13.Wo ist Ihre Hochschule / Schule ?
14.Was studieren Sie an der Hochschule ?
15.Wo haben Sie Deutsch gelernt ?
16.Wie lange haben sie Deutsch gelernt ?
17.Welches Lehrbuch /Programm/welchen Lehrwerk haben sie gelernt ?
18.Können Sie sich vorstellen ?
19.Könen Sie etwas über sichselbst erzählen ?
20.Erzählen Sie bitte etwas über sich selbst !
21.Können Sie sich empfehlen ?
22.Stellen Sie sich vor !

*Gia đình
1 .Was sind Ihre Entern vor Beruf ? / Was machen Ihre Eltern ?
2. Wieviele Kinder haben Ihre Eltern ? /Wieviele Menschen gibt es in Ihrer Familie ?
3.Wieviele Geschwister haben Sie ?
4.Haben Sie Geschwister ?
5.Was sind Ihre Geschwister von Beruf ? / Was machen Ihre Geschwister ?
6.Erzählen Sie mal über Ihre Familie !
7.Könene Sie über Ihre Familie erzählen ?

*Chương trình học tại Đức
1.Was werden Sie in Deutschland studieren ?
2.Was möchten Sie in Deutschland studieren ?
3.Was werden Sie in Deutschland machen ?
4.Welche Studienfach werden Sie in Deutschland studieren ?
5.Warum möchten Sie in Deutchland Studieren ?
6.Warum wählen Sie Deutschland zum Studieren ?
7.Wie langge werden Sie in Deutschland studieren ?
8.Warum wählen Sie Studienfach / Fachrichtung ……………….. zum Studieren ?
9.Wie können Sie das Zulassungsbescheid von der Hochschule / Universität ……haben ?
10.Warum kennen Sie die Hochschule / Universität ?
11.Wo werden Sie Während Ihres Studium in Deutschland ?
12.Wissen Sie über die Studiengebühr in Deutschland ?
13.Wer wird Ihnen zum Studieren in Deutschland unterstützen ?
14.Haben Sie die Absicht, in Deutschland zu bleiben ?
15.Haben sie die Verwandschaft/Verwanste/Bekannte in Deutschland ?
16.Wann möchten Sie nach Deutschland kommen ?
17.Wo werden Sie Deutsch in Deutschland lernen ?
18.Wie ist die Kursgebühr ?
19.Wann beginnt der Sprachkurs ?
20.Was wissen Sie über Deutschland ?
21.Was werden Sie machen , wenn Ihr Studienprogramm in Deutschland endet ?
22.Haben Sie die Absicht , Während Ihres Studium in Deutschland zu arbeiten ?
23.Haben Sie die Absicht,in Deutschland zu arbeiten ?

Lên đường

Trước khi đi
+ Tìm hiểu kỹ tất cả thông tin về nơi bạn định tới, thông qua báo báo chí, internet, bạn bè, các diễn đàn, trung tâm tư vấn ...
+ Học cách nấu một số món ăn cơ bản, cách đi chợ, chọn đồ, những việc thiết yếu cho cuộc sống tự lập một mình bên nước ngoài.
+ Tìm hiểu về mức sống, chi phí của nước bạn chuẩn bị đến, điều này rất quan trọng, nó giúp bạn ước lượng được số tiền cần thiết để tồn tại.
+ Tìm cách liên hệ với cộng đồng người Việt tại nơi bạn sắp tới, điều này sẽ giúp bạn sớm thích nghi và tránh những sai lầm không đáng có ban đầu.

Những việc chuẩn bị trước khi bạn đi
+ Tìm hiểu và đặt vé sớm, nếu nơi bạn đến không có ai đón và bạn mới đi lần đầu nên tìm hiểu trước từ sân bay về chỗ ở thế nào...
+ Kiểm tra thật kỹ các giấy tờ cần mang (Hộ chiếu, vé máy bay, các giấy tờ cần nộp cho trường).
+ Luôn photo các giấy tờ quan trọng, cất ở một vài nơi khác nhau, một số giấy tờ quan trọng để thành một bộ để ở nhà, phòng trường hợp cần gia đình bạn có thể gửi lại sang.
+ Tìm hiểu trước về những quy định hải quan của nước bạn đến, để tránh mang những đồ họ không cho phép, vídụ một số đồ ăn, đồ uống (Australia, Mỹ rất chặt trong vấn đề này)
+ Chuẩn bị mua trước những đồ cần thiết, quan trọng, tránh sát ngày bay cập rập, kinh nghiệm là mang những thứ hữu ích và quan trọng nhất thôi. Bạn có thể hoàn toàn mua tại nước bạn tới.
+ Chuẩn bị trước một ít tiền lẻ của nước bạn đến để khi tới nơi bạn có thể mua đồ ăn, nước uống, gọi điện hay bắt taxi (chú ý cần cả tiền xu).
+ Đóng gói hành lý, kiểm tra lại kỹ các đồ cần mang. Hành lý gửi thường không được quá nhiều số cân cho phép, ví dụ bạn được mang 20kg, thì chỉ nên dao động từ 20-22kg. Hành lý xách tay thì chủ yếu là thật gọn gàng. Hành lý gửi nên đóng gói chắc chắn, ghi tên của bạn, chuyến bay, nơi đến, điện thoại liên lạc.
+ Chuẩn bị tinh thần, bạn có thể háo hức, buồn, xáo động, lo lắng, stress và rất nhiều thứ khác nữa nhưng phải xác định bạn sẽ phải tự quyết định tất cả, sẽ không có ai giúp được bạn ngoài chính bạn. Xác định quan trọng là đạt được mục tiêu của mình.

Những việc cần làm khi tới nơi
+ Liên lạc ngay với gia đình, bạn bè để mọi người biết bạn tới nơi an toàn
+ Tìm mua một vài đồ cần thiết nhất để làm quen trong mấy ngày đầu, một ít đồ ăn, uống...
+ Liên lạc với trường, thông báo địa chỉ thường trú của bạn, tìm hiểu các thông tin cần thiết, hỏi xem trường có thẻ giảm giá đi lại cho sinh viên hay không.
+ Mở tài khoản (trong trường hợp bạn mang nhiều tiền mặt, càng mở sớm càng tốt và cất tiền mặt trong tài khoản để đảm bao an toàn), chỉ mang một lượng tiền mặt nhỏ đủ tiêu những khoản lặt vặt
+ Tìm hiểu khu vực bạn sống, tìm các bến bus xung quanh, tìm hiểu xem nhà thuốc, bưu điện, các siêu thị, quán hàng ở đâu, giờ mở cửa.
+ Làm quen với các phương tiện công cộng, thời gian, bản đồ.
+ Tìm hiểu khu trường học, làm quen sử dụng các thiết bị, dùng Net, photo tài liệu, làm thẻ thư viện.

Những việc tiếp theo khi bạn đã sang 1,2 tuần
+ Ổn định chỗ ở, mua những đồ đạc cần thiết, cần tính toán trước, có thể hỏi qua bạn bè hoặc tìm hiểu các quảng cáo ở trường để mua đồ đạc rẻ nhất nếu phòng bạn chưa có đủ.
+ Liên lạc với sở ngoại kiều để biết thủ tục đăng ký tạm trú và lịch, thủ tục để gia hạn visa
+ Tìm hiểu thông tin để đăng ký dùng điện thoại, Net. Kinh nghiệm là cần tìm hiểu thật kỹ trước, quy tắc số một là không bao giờ được ký cái gì nếu bạn chưa hiểu rõ.
+ Làm sổ ghi chép lại cẩn thận các khoản chi tiêu của bạn, phải ghi nhớ tuyệt đối là bạn phải kiểm soát được các khoản chi tiêu của mình. Nếu không chỉ sau 1 thời gian bạn sẽ không thể hiểu được mình tiêu vào những khoản nào nữa.



Các kiểu đại học ở Đức

Nước Đức có một truyền thống lâu đời về các lãnh vực khoa học và nghiên cứu. Nhiều trường đại học tại Đức cũng được biết tiếng với một quá trình lịch sử trăm năm. Sau những tàn phá của chiến tranh thế giới thứ hai, và nhất là sau khi nước Đức được thống nhất thì lãnh vực nghiên cứu và khoa học của nước Đức càng được phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Có 349 đại học (thống kê năm 2002) được phân bố trên toàn nước Đức, và những ai muốn học đại học tại Đức, có thể chọn lựa giữa các đại học (Universität), các đại học kỹ thuật (technischen Universität), các cao đẳng chuyên ngành (Fachhochschule) và các cao đẳng về âm nhạc, nghệ thuật, điện ảnh. Hơn nữa, tất cả các đại học quốc gia tại Đức đều mở rộng cửa với các học viên trên toàn thế giới.

Nếu bạn đã quyết định học đại học bên Đức thì bạn nhất định phải xác định rõ ràng những câu hỏi sau đây để bạn có thể chọn cho mình một con đường đúng đắn nhất: 
1. Kiểu đại học nào bên Đức thích hợp với bạn nhất ? Bạn có quan tâm đến một quá trình học ngắn hạn và hướng nhiều về thực tập như tại các cao đẳng chuyên ngành (FH) hay là một trường năng khiếu đặc biệt như cao đẳng âm nhạc hay điện ảnh ?
Bạn hãy xem thêm các thông tin về các cao đẳng chuyên ngành cũng như các cao đẳng âm nhạc và điện ảnh.

2.Bạn muốn học đại học một cách trọn vẹn tại Đức hay chỉ là một quá trình trao đổi giữa đại học của bạn và đại học bên Đức (thường chỉ kéo dài 1 năm) ?

3.Hoặc là bạn đã tốt nghiệp tại nước của bạn và muốn học nâng cao thêm tại nước Đức ?

4.Bằng tốt nghiệp kỹ sư của Đức, bằng cử nhân, hoặc một chứng chỉ quốc gia của nước Đức có được chấp nhận và thích hợp với công việc của bạn tại quê hương bạn không ?

Bạn chỉ nên bắt đầu chọn một đại học thích hợp cho mình tại Đức, sau khi đã suy nghĩ kỹ về bước đường sự nghiệp tương lai của mình và đã chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, nhất là về vấn đề tài chánh. Việc học đại học tại một trường ở Đức cần phải mở ra cho bạn thêm những khả năng, cơ hội trong tương lai chứ không nên bó buộc.

Đại học (Universitäten)
Đại học kỹ thuật (Technische Universität)
Cao đẳng chuyên ngành (Fachhochschule)
Đại học âm nhạc, điện ảnh (Musik- und Kunsthochschule)
Các trường đại học, cao đẳng tương đương khác

Các trường đại học (Uni)
Kể từ cuộc cải cách đại học Wilhelm von Humboldt (1767-1835) thì tại các đại học của Đức có sự thống nhất về việc nghiên cứu và giảng dạy. Từ đó các đại học của Đức không chỉ là những trung tâm đào tạo, mà còn là nơi dành cho những việc nghiên cứu tự do từ cơ bản đến chuyên sâu. Các "ngành khoa học thuần tuý" đòi hỏi ở học viên các bài viết khoa học thực sự nghiêm túc, đó là những bài tập làm tiêu tốn nhiều thời gian của học viên nhất. Học tại các đại học học viên sau khi tốt nghiệp sẽ nhận được bằng tốt nghiệp (Diplom) (kỹ sư), bằng Magister Artium (bằng cử nhân dành cho các ngành nhân văn) cũng như bằng tiến sĩ. Thêm vào đó, các học viên cũng có quyền chọn lựa và được đào tạo để trở thành giảng viên đại học. Ngoài ra, trong bộ luật chung cho các đại học, còn có những ngành học với các bằng cấp tốt nghiệp tương thích với các chuẩn chung của thế giới như Bachelor và Master.

Các chuyên ngành được gộp chung vào các khoa khác khác nhau như: y dược, khoa học tự nhiên, kỹ sư khoa học, khoa học nhân văn, khoa học luật pháp, thần học, khoa học kinh tế, khoa học xã hội cũng như khoa học nông lâm. Trong các khoa còn được cung cấp các ngành học chuyên môn đặc biệt, chuyên sâu vào lãnh vực lý thuyết của khoa học. Nhiều đại học trên nước Đức còn có những thư viện chuyên môn, các phòng lưu trữ riêng dành cho các chuyên ngành và hỗ trợ những trọng tâm riêng biệt.

Việc học tại đại học (Uni) được tóm gọn lại theo một điều lệ chung, đó là trong đa số các môn học sẽ được dành nhiều thời gian trống cho việc tự nghiên cứu tuỳ theo sở thích.

Các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật (Technische Universität/Technische Hochschule)
Trước đây, các trường đại học kỹ thuật và cao đẳng kỹ thuật chỉ giảng dạy các ngành kỹ thuật. Nhưng dần dần, theo thời gian các trường đã phát triển và mở rộng ra hơn, vì vậy tại một số trường bây giờ cũng có thêm các ngành về khoa học xã hội nhân văn. Tuy nhiên trọng tâm vẫn hướng về các ngành khoa học tự nhiên và kỹ sư khoa học như trước.

Cao đẳng chuyên ngành (Fachhochschule)
Ngày càng nhiều học viên quyết định theo đuổi việc học tại các trường cao đẳng chuyên ngành, vì lý do trước hết đó là thời gian học ngắn hơn và gắn liền với thực hành nhiều hơn là lý thuyết chay tại các đại học (Uni).
Việc quyết định kiểu đại học nào thật sự thích hợp với mình phụ thuộc chính vào mục đích học đại học của bạn. Bởi vậy, trước hết bạn cần phải có sự hiểu biết rõ ràng về các kiểu đại học ở nước Đức. 
+ Vậy cao đẳng chuyên ngành là gì ?
Về các đại học và các trường đại học kỹ thuật thì bạn cũng có thể ngồi ở nhà mà hình dung ra được, trong khi đó cao đẳng chuyên ngành (FH) lại có một lịch sử khá trẻ và mang một ý nghĩa đặc biệt chỉ của riêng nước Đức. Ngay sau khi được thành lập, các FH đã nhanh chóng được nhiều sinh viên ưa chuộng _ khoảng gần 1/4 các sinh viên bắt đầu của Đức đã chọn FH. Và con số các học viên ngày nay lại tăng gấp 5 lần so với thời điểm ban đầu. 35% các sinh viên tốt nghiệp được ra từ các trường FH. Trong một vài lĩnh vực, như các kỹ sư, thì đã có nhiều hơn phân nửa là tốt nghiệp từ các FH. 

+ Điểm đặc biệt: nhiều thực hành, thời gian học ngắn 
Điểm quan trọng nhất để hấp dẫn các sinh viên bây giờ là thời gian học ngắn và sát thực với nhu cầu của thực tế - hướng chuyên ngành chứ không chỉ là những lý thuyết dài dòng khô khan. Đó là điểm đặc biệt thu hút của các cao đẳng chuyên ngành. Các ngành học, các tiết học được tổ chức trong từng nhóm nhỏ, các kỳ thi và các bài học có nhiều thực tập và xoáy trực tiếp vào mục tiêu hướng nghiệp.

Tại các trường cao đẳng chuyên nghiệp ngoài việc giảnh dạy học tập dĩ nhiên bạn cũng có thể làm các công việc nghiên cứu như tại các đại học. Nhưng các nghiên cứu này cũng ưu tiên hướng đến các nhu cầu thực tiễn, các áp dụng thực tế. Đó cũng là lý do mà các ngành toàn lý thuyết chay không thể được tìm thấy tại các cao đẳng chuyên ngành. Các ngành học được mở theo nhu cầu về các nghề kỹ sư, kinh kế xí nghiệp, các lãnh vực trang trí đồ hoạ và xã hội học. Bằng tốt nghiệp tại các cao đẳng chuyên ngành là bằng kỹ sư (thực hành).

. + Về lịch sử của các cao đẳng chuyên nghiệp
Các trường cao đẳng chuyên nghiệp của Đức là kết quả của những cuộc tranh cãi về giáo dục của những năm 60. Trong thời gian đó, nền kinh tế của Đức cần phải đứng vững và cạnh tranh trong cuộc chạy đua với thế giới đã dẫn đến nhu cầu có một đội ngũ các nhân viên có tay nghề thực hành cao, có kiến thức cơ bản vững chắc và thời gian đào tạo ngắn hạn. Chính vì những lý do đó mà các trường cao đẳng chuyên nghiệp được thành lập.

+ So sánh với các đại học (Uni)
Đại đa số các cao đẳng chuyên ngành được hình thành từ các cơ quan, các trường dạy nghề cao cấp về một chuyên ngành nào đó, như các trường kỹ sư, hoặc các trường chuyên ngành kinh tế. Sự quyết định của các bộ trưởng văn hoá các bang năm 1969 (do mỗi bang riêng biệt của nước Đức có một hệ thống văn hoá giáo dục khác nhau) đã thống nhất việc giáo dục với tất cả các trường Cao Đẳng - và "bộ luật chung dành cho hệ thống các trường đại học" vào năm 1976 đã nâng các cao đẳng chuyên ngành lên ngang hàng với các đại học và những cơ quan tổ chức tương đương khác. Ngay cả các cao đẳng chuyên ngành theo bộ luật này cũng trở nên độc lập, nghĩa là có sự tự do nghiên cứu, giảng dạy và tự quản lý tổ chức.
Kể từ khi nước Đức được thống nhất, nhờ vào một hệ thống liên bang mới vấn đề này đã có những bước phát triển trên một phương diện mới. Những vùng thuộc DDR cũ (Cộng Hoà Dân Chủ Đức) cũng bắt đầu xây dựng theo những cơ cấu này, như các trường cao đẳng kỹ sư (Ingenieurhochschulen) cũng theo những hướng giáo dục chung với các cao đẳng chuyên ngành của liên bang Tây Đức. Bên cạnh đó cũng giống như trong chế độ liên bang cũ, các trường cao đẳng chuyên ngành cũng được xây dựng từ các trường kỹ sư và các trường trung học chuyên nghiệp khác.

+ Trường cao đẳng chuyên ngành: sự đa dạng phong phú
Chỉ từ những con số người ta có thể nhận thấy được hệ thống giáo dục rộng lớn của các cao đẳng chuyên ngành: hơn 150 chọn lựa trên nhiều lĩnh vực dành cho các học viên. Bên cạnh đó còn có khoảng 30 trường quản lý nội bộ của các bang và liên bang chỉ dành cho những mục đích riêng biệt và từ đó chỉ dành cho các nhân viên ngoại giao Đức. Còn những trường còn lại thì dĩ nhiên là rộng mở đối với tất cả mọi người, kể cả người nước ngoài. Cũng như vậy các trường được tài trợ phần lớn là từ các bang. Bên cạnh đó cũng có gần 30 trường cao đẳng chuyên ngành của chính phủ được chấp nhận cho tài trợ từ các cơ quan tư nhân hoặc của nhà thờ. Và cuối cùng, cần nhắc đến là các ngành học của các cao đẳng chuyên nghiệp đa số được tập trung trong 5 trường cao đẳng tổng hợp của Đức (là dạng trường đại học được hình thành từ sự sát nhập của các đại học, trường cao đẳng sư phạm, cao đẳng chuyên ngành, và một phần từ trường cao đẳng nghệ thuật), trong đó các học viên trong thời gian theo học còn được chọn lựa thêm những ngành học hoặc những bằng cấp khác.
+ Từ dãy núi Alpen cho đến biển Bắc (Nordsee)
Về địa lý thì các trường cao đẳng chuyên ngành được phân phối trên tất cả các bang của nước Đức. Như vậy người ta có thể theo học tại những vùng thuộc dãy núi Alpen cũng như tại biển Bắc, biển Đông, tại vùng hạ lưu sông Rhein cũng như tại Lüneburger Heide. Cũng không ít các trường có tại những vùng nhỏ, ít được biết đến, nhưng lại có phong cảnh đẹp, nơi mà rất thích hợp cho cuộc sống và sự tập trung học tập.
+ Nghiên cứu cho vùng
Các trường cao đẳng chuyên nghiệp cũng có nhiều quan hệ tác động với những vùng địa phương của trường. Phần lớn là về kinh tế hoặc quản trị của vùng địa phương qua những cộng tác chung, cụ thể là trong việc nghiên cứu và giảng dạy. Nhiều trường đại học còn được coi như là các cơ quan phục vụ phụ thuộc vào vùng không gian địa lý. Trong nhiều trường hợp các trường cao đẳng chuyên nghiệp cung cấp những cố vấn kinh tế và những tổ chức đặc biệt nghiên cứu về kỹ thuật vận chuyển cho các cơ quan xí nghiệp. Và bên cạnh đó, sự nhu cầu về công việc trên trên thế giới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các trường cao đẳng chuyên nghiệp, những kỹ thuật mới, những kiến thức mới được nhanh chóng đưa vào trong quá trình học tập. Chính vì như vậy, cơ hội việc làm của các sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng chuyên nghiệp nhiều khi cũng cao hơn các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học cùng hướng.

+ Hợp tác quốc tế
Bên cạnh những tác động tương hỗ giữa các trường với địa phương còn có những thoả thuận cộng tác với các trường đại học nước ngoài, có sự trao đổi và thống nhất việc giảng dạy giữa các trường trên thế giới. Nhiều trường còn có sự trao đổi sinh viên với nhau và được tính như một chương trình của việc học. Ngoài ra nhiều trường còn cung cấp các ngành học, với khoảng thời gian theo học tại ngoại quốc, hoặc cơ chế 2 bằng cấp... 

+ Sự đa dạng của các ngành học
Các ngành học của các trường cao đẳng chuyên nghiệp bao gồm khoảng 15 hướng chuyên môn với các phân khoa khác nhau, trong đó chỉ riêng về đào tạo kỹ sư đã có khoảng 30 phân khoa. Các hướng chuyên môn như kinh tế (quản trị), kỹ sư kinh tế, xã hội học, trang trí/tạo hình, tin học, toán, lưu trữ-, thư viện-, và tài liệu học, chăn nuôi và kinh tế gia đình, kinh tế nông-lâm, khoa học trùng tu, phục chế, hàng hải cũng như thông dịch viên.
Với những cung cấp này các trường đã trở thành một trong những cột trụ trong hệ thống giáo dục của Đức, với khoảng 460.000 sinh viên, trong đó hơn 30.000 là người nước ngoài đang theo học. Khuyết điểm của các cao đẳng chuyên ngành là: ngay cả trong các trường cao đẳng chuyên ngành cũng có 1 vài ngành có giới hạn gắt gao với việc xin nhập học.

Các trường cao đẳng âm nhạc, nghệ thuật
Sự đào tạo tại các trường cao đẳng nghệ thuật, âm nhạc trang bị kiến thức cho các ngành nghệ thuật tự do (nghệ sĩ, nhạc sĩ...), nhưng bên cạnh đó cũng dành cho các công việc thuộc lãnh vực giảng dạy các bộ môn nghệ thuật. Việc học tại một trường cao đẳng nghệ thuật / âm nhạc có nhiều khác biệt rõ rệt với việc học tại 1 đại học thông thường. Thông tin thêm (tiếng Anh)...

Các trường đại học, cao đẳng tương đương khác
Bên cạnh các kiểu đại học nêu trên còn có các trường cao đẳng sư phạm (Pädagogischen Hochschulen), nơi đào tạo các giáo viên cho các trường trung học các loại (Grund-, Haupt- und Sonderschule cũng như một phần cho các Realschule và các lớp thấp tại Gymnasium). Nhưng chung chung thì việc đào tạo đội ngũ giáo viên được kết hợp vào các đại học (Uni).
Trường đại học-cao đẳng tổng hợp (Universitäten-Gesamthochschulen) được hình thành từ sự kết hợp của đại học, cao đẳng sư phạm, cao đẳng chuyên ngành và thêm một phần của cao đẳng nghệ thuật / âm nhạc. Tại đây các học viên có thể trong lúc học chọn thêm các ngành học hoặc những bằng cấp khác.
Dành cho một số các lãnh vực chuyên môn đặc biệc còn có các cao đẳng như cao đẳng y dược (Medizinische Hochschule) và cao đẳng thú y (Tierärztliche Hochschule) ở Hannover và trường đại học y (Medizinische Universität) Lübeck. Ở Köln còn có trường cao đẳng thể thao và trường cao đẳng nghệ thuật truyền thông. Trường cao đẳng sân khấu ở München, Potsdam-Babelsberg và tại học viện sân khấu Ludwigsburg còn có các ngành học về lãnh vực phim ảnh, truyền hình và truyền thông. Cuối cùng là trường cao đẳng khoa học quản trị tại Speyer với các ngành về khoa học quản trị dành cho các nhân viên ngoại giao...

Bên cạnh các trường của chính phủ còn có hàng loạt các trường đại học cao đẳng khác như các trường của nhà thờ. Và cuối cùng là một số ít các trường đại học tư, nơi mà bạn phải trả tiền học phí để theo học.


Từ năm 2010 tất cả các ngành sẽ chuyển sang Bachelor và Master, có nghĩa chỉ làm Tiến sĩ (Doktor) được sau khi đã tốt nghiệp Master.
- Bachelor = Đại học (lịch trình là 3 năm, nhưng thời gian trung bình để tốt nghiệp đựơc tầm 4 năm)
- Master = Thạc sĩ (lịch trình 2 năm)

Còn hệ củ của Đức là Diplom (Universität) tốt nghiệp tốt sẽ được làm nghiên cứu luận tiến sĩ, còn Diplom (Fachhochschule), thì em phải qua qua một giai đọan chuyển tiếp vì thời gian học ngắn hơn ở Uni (nhưng vẫn có thể làm tiến sĩ).


 

Địa chỉ cá nhân
 
Phạm Hoành
Hamburg, Germany
phamhoanh2@yahoo.de
LỊCH ÂM
 
 
Diese Webseite wurde kostenlos mit Homepage-Baukasten.de erstellt. Willst du auch eine eigene Webseite?
Gratis anmelden