Phân tích cơ bản

 Để đầu tư (không phải đầu cơ) chứng khoán thành công, nhà đầu tư cần có tiêu chuẩn chọn cổ phiếu nhằm tạo ra một danh mục cổ phiếu tốt (có lợi thế cạnh tranh bền vững để yên tâm nắm giữ lâu dài).

Tiêu chuẩn chọn lựa cổ phiếu thường không theo quy định nào và tùy thuộc khẩu vị của mỗi nhà đầu tư. Có người thích công ty tăng trưởng mạnh mà không để ý đến khoản nợ của doanh nghiệp, nhưng cũng có nhà đầu tư khắc khe hơn muốn doanh nghiệp tăng trưởng tốt nhưng phải có ít hoặc không có nợ. Vấn đề là về lâu về dài, ai sẽ là người chiếm ưu thế.

Điều đó cho thấy tầm quan trọng của tiêu chuẩn chọn cổ phiếu. Sau đây là yếu tố chủ yếu để chọn cổ phiếu tốt của tác giả bài viết, có thể có người đồng ý có người không đồng tình nhưng tác giả tin rằng đây là các tiêu chuẩn cần thiết để có được khoản đầu tư an toàn và hiệu quả.

Hoạt động của doanh nghiệp

- Thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo. Doanh nghiệp nằm trong ngành nghề ít cạnh tranh là lý tưởng.

- Độ ngũ lãnh đạo có đức và tài (kiểu như Tư tưởng Hồ Chí Minh là được).

- Thị phần doanh nghiệp lớn hoặc đang tiến đến mức thị phần lớn.

- Doanh nghiệp không hoặc ít đầu tư tài chính.

Bảng Cân đối kế toán

- Tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn: Tiền mặt đối với doanh nghiệp cũng giống như máu đối với cơ thể. Thiếu máu thì cơ thể sẽ rối loạn và sẽ gặp nguy hiểm. Chỉ tiêu này cần phải do ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp mang lại và càng nhiều càng tốt. Hãy nhìn các gương điển hình về khoản mục này như VNM, MSN, BMP, DPM, ….

- Tài sản cố định: Giá trị khoản mục này càng nhỏ càng tốt. Các doanh nghiệp đầu tư lớn vào tài sản này và thường xuyên đầu tư như vậy để duy trì vị thế của mình trong ngành nghề sẽ thường xuyên gặp nhiều rủi ro như thiếu vốn lưu động, chi phí khấu hao tăng cao, khả năng các khoản nợ gia tăng,…  Như vậy, doanh nghiệp luôn nằm trong “vùng nguy hiểm”.

Tài sản vô hình: Cái quan tâm chủ yếu trong mục này là giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Một thương hiệu mạnh chính là lợi thế cạnh tranh mà không ai không mong có được. Việc nắm giữ vị trí thương hiệu hàng đầu giúp công ty giống như tường thành có hào sâu, đối thủ cạnh tranh khó chen chân vào được. Điển hình nhưVinamilk, Coca – Cola,…..

Các khoản đầu tư dài hạn: Chỉ tiêu này chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp khi các khoản đầu tư này được rót vào các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững trong một ngành nghề nào đó.

Nợ (ngắn và dài hạn): Khoản này nên ít hoặc không có. Doanh nghiệp không nên nợ nần quá mức. Chỉ cần một cái lắc đầu từ chủ nợ, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn tức thì trong việc phải trả  một khoản nợ lớn. Hãy nhìn các công ty như Cà phê Thái Hòa (THV), SHN,

-Vốn chủ sở hữu: Chỉ tiêu này càng lớn càng tốt nhưng phải do hoạt động kinh doanh mang lại. Việc vốn chủ sở hữu tăng liên tục nhờ phát hành tăng vốn không phải là cái lợi mà là cái hại cho cổ đông. Trong trường hợp này, doanh nghiệp như một “thùng không đáy” hút tiền của cổ đông.

Tỷ số khoản phải thu/ doanh thu thuần (KPT/DTT): Càng nhỏ càng tốt (khuyến nghị <=25%). Chỉ số này cao chỉ cho thấy một điều doanh nghiệp chủ yếu bị khách hàng chiếm dụng vốn. Nếu chỉ số này cao liên tục thì doanh nghiệp thể nào cũng sẽ gặp rủi ro về dòng tiền hoạt động trong tương lai.

Tỷ số phải thu của khách hàng/lợi nhuận sau thuế (PTKH/LNST): Càng nhỏ càng tốt (khuyến nghị <=20%). Chỉ số này cao cho thấy 1 năm doanh nghiệp lãi bao nhiêu chủ yếu là do cho khách hàng nợ. Cần xem xét các khoản nợ này có đòi được không?

Chú ý cách tính khoản PTKH ở đây:                 PTKH = PTKH cuối kỳ – PTKH đầu kỳ         (kỳ ở đây là kỳ phát sinh LNST)

Tỷ số Nợ/Vốn chủ sở hữu (Nợ/VCSH): Càng thấp càng tốt (khuyến nghị <=80% đối với thị trường chứng khoán Việt Nam).

Bảng Kết quả hoạt động kinh doanh

Lợi nhuận sau thuế (LNST): Tăng trưởng liên tục trong một thời gian dài. Điều đó chứng tỏ công ty ăn nên làm ra.

Tỷ số ROE và ROA: Càng cao càng tốt (khuyến nghị ROE>=25%, ROA>=20%). Xem thêm bài Vai trò của ROE và ROA trong lựa chọn cổ phiếu.

Tỷ số LNST/DTT: Càng cao càng tốt (khuyến nghị >=20%). Chỉ số này cao cho thấy trong 1 đồng mang về của doanh nghiệp có bao nhiêu đồng lợi nhuận. Nó thể hiện tính hiệu quả của doanh nghiệp vì mang tiền về nhiều nhưng lãi chẳng bao nhiêu thì doanh nghiệp làm nhiều cũng chẳng ích gì.

Tỷ số Lợi nhuận gộp (LNG)/DTT: Càng cao càng tốt (khuyến nghị >=40%). Chỉ số này cao có nghĩa là chi phí hoạt động của doanh nghiệp thấp. Điều đó cho thấy lãnh đạo doanh nghiệp chú ý đến việc cắt giảm chi phí thường xuyên giống như thói quen “tập thể dục buổi sáng” của một người hay chăm lo sức khỏe vậy.

Tỷ số Lợi nhuận trước thuế (LNTT)/LNG: Một doanh nghiệp có tỷ số này cao đồng nghĩa với chi phí bán hàng và chi phí quản lý thấp, điều này có lợi vì nó chứng tỏ lãnh đạo có khả năng quản lý tốt chi phí. Khi hai loại chi phí này thấp, doanh nghiệp cũng sẽ dễ duy trì hoạt động khi doanh thu sụt giảm vì lý do khách quan (như  gặp khủng hoảng kinh tế chẳng hạn). Càng cao càng tốt (khuyến nghị >=50%).

- Tỷ số (chi phí bán hàng+chi phí quản lý)/LNG : Càng nhỏ càng tốt (từ 30-70% là được).

Tỷ số chi phí khấu hao(CPKH)/LNG: Khi tỷ số này cao, doanh nghiệp sẽ lâu thu hồi vốn trên số tiền đã đầu tư vào tài sản cố định và không tạo lợi thế bền vững cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp phải thường xuyên mua sắm loại tài sản này. Càng thấp càng tốt (khuyến nghị <=10%).

Tỷ số chi phí lãi vay(CPLV)/LNG: Doanh nghiệp lãi gộp nhiều nhưng nợ vay lớn thì số lãi đó cũng chỉ để nuôi chủ nợ, đâu đến lượt cổ đông hưởng. Do đó, tỷ số này càng thấp càng tốt (khuyến nghị <=5%).

Bảng Lưu chuyển tiền tệ

Tỷ số chi phí tái đầu tư (chi phí vốn)/LNST: Với tỷ số này, doanh nghiệp có tỷ số cao là doanh nghiệp phải thường xuyên mua sắm tài sản cố định (gọi là tái đầu tư) để duy trì địa vị cạnh tranh của mình trên thị trường. Khi đó, số tiền còn lại cho cổ đông không đáng là bao. Vì vậy, cần chọn công ty nào có tỷ số này càng thấp càng tốt (khuyến nghị <=50%).

Các chỉ số tài chính quan trọng khác

Tỷ số P/E:  Đây là tỷ số phổ biến trên thị trường chứng khoán. Thường nhà đầu tư cá nhân khôn ngoan sẽ chọn cổ phiếu có P/E nhỏ sao cho tỷ lệ E/P lớn hơn lãi suất gửi tiết kiệm. Khi tỷ số này có mức nhỏ hơn 10 là thì đó là mức hấp dẫn.

EPS (earning per share – lợi nhuận trên/1 cp): Càng cao càng tốt, khuyến nghị với mức tăng trung bình hàng năm là 25%.

BV (book value): Giống như EPS càng cao càng tốt, khuyến nghị với mức tăng trung bình hàng năm là 25% và tăng chủ yếu do hoạt động kinh doanh chính.


II- Danh mục cổ phiếu tốt / Nên đầu tư

1. Phân tích tài chính của GDT

Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành hoạt động trong lĩnh vự c sản xuất hàng gia dụng và đồ chơi dành cho trẻ em bằng gỗ.

Theo tác giả bài viết, GDT là một công ty khá tốt với kết quả đạt được từ năm 2009 cho đến nay như bảng sau:

tai_chinh_GDT

 

Như bảng trên, tra theo tiêu chuẩn chọn cổ phiếu tốt ta thấy GDT có một số điểm tốt sau:

ROE duy trì và đạt mức trung bình 27% hằng năm, lớn hơn so với chuẩn 25%.

LNG/DTT tuy chưa đạt chuẩn 40% nhưng đang có chiều hướng tốt lên. Khả năng công ty sẽ tiếp cận mức chuẩn trong tương lai do nhu cầu phục hồi từ sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế.

- Tỷ số (CPBH+CPQL)/LNG duy trì ở mức vừa phải. CPKH/LNG trung bình chỉ khoảng 6.8% cho thấy công ty khá hiệu quả trong sử dụng tài sản; CPLV/LNG ở mức thấp trong nhiều năm cho thấy GDT coi trọng việc hoạt động kinh doanh mà không cần nhiều vốn vay.

LNTT/LNG duy trì mức cao hơn chuẩn trong nhiều năm.

Các chỉ số khác như KPT/DTT, PTKH/LNST, Nợ/VCSH ở mức thấp cho thấy công ty quản lý công nợ khá tốt. Tỷ số chi phí vốn/LNST các năm hầu hết thấp đem lại lợi ích to lớn cho cổ đông là dòng tiền mặt của công ty tăng lên nhiều.

Hiện tại có thể đầu tư vào GDT không?

- Hiện tại, EPS của GDT đạt mức 3.700đ/cp (theo BCTC chưa kiểm toán 2013) tương ứng với mức P/E vào khoảng 6.4 lần ( giá GDT khoảng 24.000đ/cp vào lúc tác giả phân tích). Đây là mức P/E hấp dẫn để đầu tư vì khi đó tỷ lệ sinh lời E/P là khoảng 16% lớn hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm hiện tại (khoảng 7%). Đó là còn chưa kể đến mức tăng trưởng của GDT trong những năm tiếp theo.

Kết luận, mức giá hiện tại của GDT vẫn còn khá rẻ và có thể đầu tư ngay GDT với mức giá này hoặc thấp hơn (nếu có).

 

2. Phân tích tài chính của VSC

Có thể nói đây là cổ phiếu hoạt động tốt nhất trong ngành cảng biển và logistic mà tôi biết trên thị trường chứng khoán Việt nam hiện nay. Công ty Viconship (viết tắt của Vietnam Container Shipping) là công ty có chỉ số cơ bản tốt nhất trong ngành trên sàn niêm yết.

VSC có những điểm tốt gì? Bảng sau chỉ ra một số chỉ số tài chính của VSC (số liệu tổng kết đến quý 2/2013):

VSC

Tài chính của VSC

 

Như bảng trên, tra theo tiêu chuẩn chọn cổ phiếu tốt ta thấy điểm tốt của VSC:

ROE luôn lớn hơn mức 25% và kéo dài nhiều năm từ lúc niêm yết lên sàn chứng khoán cho đến nay. ROE trung bình cộng hằng năm cũng lớn hơn nhiều so với chuẩn 25%. ROA cũng vậy, lớn hơn mức 20% trong nhiều năm và ROA trung bình hằng năm lớn hơn chuẩn 20%.

LNG/DTT tuy chưa đạt đến mức hấp dẫn là từ 40% trở lên nhưng vẫn duy trì tương đối tốt. Khả năng công ty sẽ đạt chuẩn trong tương lai.

- Tỷ số (CPBH+CPQL)/LNG luôn ở mức rất thấp (xoay quanh mức 10%) cho thấy công ty kiểm soát chi phí hoạt động kinh doanh tốt và hiệu quả. Mức trung bình hằng năm của tỷ số này chỉ khoảng 12% cho thấy công ty hoạt động rất hiệu quả.

- CPKH/LNG qua các năm hơi cao vì công ty đang trong giai đoạn phát triển; CPLV/LNG các năm và trung bình thấp hơn 5% cho thấy VSC luôn thấy được ích lợi của việc ít nợ nần.

LNTT/LNG các năm hầu như vượt xa mức chuẩn và gần như đạt 100%. Mức trung bình cũng là mức hiếm có công ty niêm yết nào đạt được, cho thấy lợi thế ngành của VSC là rất triển vọng.

Các chỉ số khác như KPT/DTT, PTKH/LNST, Nợ/VCSH luôn ở mức thấp cho thấy công ty được quản lý rất tốt. Tỷ số chi phí vốn/LNST các năm ở mức tương đối đem lại lợi ích to lớn cho cổ đông.

VSC là một cổ phiếu hấp dẫn?

- Thương hiệu: Là doanh nghiệp mạnh trong ngành cảng biển và logistic.

-  Ban Lãnh đạo gồm những người có năng lực.

- Công ty tập trung vào ngành nghề cốt lõi, ít đầu tư tài chính.

Có thể xem thêm các thông tin của công ty  trong Báo cáo thường niên (BCTN) nămgần nhất của VSC.

Từ năm 2008 cho đến nay, các con số sau cho thấy tốc độ phát triển ấn tượng của VSC:

- EPS tăng từ 10.800đ (2008) lên đến 23.800đ (2012), tăng hơn gấp 2.3 lần trong vòng 4 năm tương đương mức tăng trung bình hằng năm là 24%.

BV tăng từ 30.000đ (2008) lên đến 78.700đ (2012), tăng gấp 2.6 lần trong vòng 4 năm.

Các chỉ số này tính bằng cách lấy số liệu từng năm tính theo cùng mức vốn điều lệ của năm 2008 để thấy xu hướng tăng trưởng. Xu hướng tăng qua các năm của VSC là khá tốt.

- Một chỉ số quan trọng để biết VSC hiện rẻ hay đắt là P/E của VSC. P/E của VSC tính đến thời điểm viết bài này là khoảng 6 lần tương đương tỷ lệ E/P vào khoảng 16,7%, lớn hơn lãi suất tiết kiệm hiện nay cho thấy giá VSC vẫn đang ở mức hấp dẫn.

Kết luận, mức giá hiện tại của VSC vẫn còn rẻ và có thể đầu tư bởi vì tốc độ phát triển của VSC được đánh giá sẽ còn tăng trưởng mạnh trong tương lai khi mà ngành logistic là ngành thế mạnh mà hầu hêt các công ty ở Việt Nam phải dùng.


3. Phân tích tài chính của CSM

Vào thời điểm phân tích (30/8/2013), CSM cho thấy sự cải thiện trong việc tận dụng thế mạnh của mình là thị phần lớn nhất trong ngành săm lốp Việt Nam hiện nay. Sự đi lên của một loạt các chỉ số tài chính cho thấy đội ngũ Lãnh đạo của công ty đã nhạy bén hơn với thị trường và đã có những giải pháp căn cơ để đưa CSM trở về quỹ đạo là làm ăn hiệu quả hơn. Việc nhận ra những khoản chi phí lớn để cắt giảm là một trong những thành công của CSM trong thời gian qua và đây là vấn đề then chốt quyết định việc nâng cao lợi nhuận ròng của CSM trong thời gian tới.

Trong vài năm qua, mặc dù chiếm thị phần lớn nhất nhưng CSM chưa bao giờ thể hiện sự hiệu quả của mình so với DRC. Tuy nhiên,thời gian gần đây có lẽ Ban quản trị công ty đã nhận ra “gót chân Asin” của mình và đã có những hành động đúng đắn.

Chúng ta hãy xem CSM đang có những cải thiện gì đáng kể?

Bảng sau chỉ ra các chỉ số tài chính quan trọng của CSM (số liệu tổng kết đến quý 2/2013)

 

phan_tich_csm

Tài chính của săm lốp CSM

Như bảng trên, tra theo tiêu chuẩn chọn cổ phiếu tốt ta thấy:

ROE cho thấy sự cải thiện mặc dù chưa thực sự ổn định. ROA cũng tương tự. Việc công ty đang thực hiện tìm ra những khoản chi phí bất hợp lý để cắt giảm trong khi vẫn gia tăng thị phần là điểm mấu chốt để cải thiện hai tỷ suất này trong tương lai. Khả năng ROE và ROA của CSM sẽ cải thiện nhiều trong tương lai là điều có thể.

LNG/DTT đạt mức thấp nhất 9% năm 2011 và đang tăng trưởng trở lại. Lý do cho sự tăng trưởng của chỉ số này là hai yếu tố quan trọng. Một, công ty đã tìm được giải pháp phù hợp là lưu trữ hàng tồn kho trong vòng 15 ngày thay vì thời gian lớn hơn như trước đây. Hai, công ty chỉ lưu trữ hàng tồn kho với mức độ vừa phải đủ để đáp ứng nhu cầu đơn hàng thay vì lưu trữ  số lượng lớn không  cần thiết.Việc thực hiện này làm cho giá vốn hàng bán giảm  xuống và biên lợi nhuận gộp tăng lên.

- Tỷ số (CPBH+CPQL)/LNG đang ngày càng cải thiện hơn.

CPKH/LNG  và CPLV/LNG đã giảm đáng kể và vừa đạt chuẩn vào quý 2/2013.

LNTT/LNG đang duy trì tốt và lớn hơn mức chuẩn 40%. Riêng năm 2011 giá vốn hàng bán tăng mạnh làm lợi nhuận gộp giảm mạnh trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý vẫn duy trì khiến chỉ số này chỉ đạt 19.5%. Tỷ số LNST/DTT chưa được tốt lắm nhưng đang có xu hướng tốt lên.

- PTKH/LNST tương đối tốt, còn KPT/DTT đang có xu hướng tăng lên nhưng chưa đến mức phải lo ngại.

Chỉ số Nợ/VCSH  đang ở mức cao nhưng chủ yếu là nợ dài hạn để tài trợ cho dự án lốp Radian toàn thép, còn nợ ngắn hạn đang giảm xuống. Khoản chi phí vốn/LNST các năm qua thấp và hiện tại cao chủ yếu do công ty phải đầu tư lớn cho dự án nhà máy lốp Radian – một xu thế đầu tư bắt buộc của các công ty trong ngành săm lốp hiện nay.

Liệu CSM có hấp dẫn hơn DRC trong tương lai không?

- Thương hiệu: Là doanh nghiệp săm lốp có thị phần lớn nhất thị trường Việt Nam (hơn hẳn DRC).

-  Ban Lãnh đạo đang hứa hẹn có những thành viên ưu tú (cắt giảm những khoản chi phí lớn để mang tiền về cho cổ đông).

- Công ty tập trung chủ yếu cho ngành nghề chính.

Các thông tin này có thể biết được bằng cách xem Báo cáo thường niên (BCTN)năm gần nhất của CSM.

Từ lúc niêm yết (năm 2009) cho đến nay, công ty Caosumina cho thấy sự bất ổn định trong hoạt động kinh doanh nên ở đây không phân tích tốc độ phát triển của CSM trong thời gian qua. Thay vào đó, tác giả chỉ chú trọng đến kỳ vọng vào CSM trong những năm sắp đến thông qua các giải pháp cắt giảm chi phí của Ban Lãnh đạo CSM.

Nếu việc cắt giảm các khoản chi phí bất hợp lý đươc thực hiện triệt để và duy trì chi phí ở mức hợp lý, CSM trong tương lai sẽ hứa hẹn là một công ty tốt để các nhà đầu tư quan tâm và có thể, CSM sẽ vượt DRC để trở thành doanh nghiệp hiệu quả đáng để đầu tư nhất trong ngành săm lốp.

Hiện nay, CSM đang được giao dịch ở mức P/E khoảng 7,6 lần (ứng với mức EPS và VĐL năm 2012 lần lượt là 4.300đ/cp và 585,17 tỷ đồng). Đây là mức P/E hấp dẫn của một doanh nghiệp đầu ngành chưa tính đến mức tăng trưởng của CSM trong năm nay và các năm kế tiếp.

Rủi ro cơ bản

Hiện tại, những kết quả công ty cổ phần săm lốp Caosumina đang đạt được với mức giá cao su nguyên liệu đang ở mức thấp. Khả năng công ty sẽ khó đạt được kết quả tốt như mong đợi nếu giá cao su nguyên liệu tăng trở lại. Vì vậy, các dự đoán về tăng trưởng của CSM trong tương lai phục vụ cho việc tính toán cần được thực hiện thận trọng có tính đến sự tăng giá này của giá cao su nguyên liệu.

 

4. Phân tích tài chính của VPK

Từ đầu năm 2012 cho đến thời điểm tác giả viết bài này, giá cổ phiếu VPK đã tăng ấn tượng gấp 5 lần từ mức giá khoảng 6000đ/cp lên khoảng 30.000đ/cp.

Vậy điều gì đã xảy ra với VPK?

Ở đây, tác giả bài viết chỉ xem xét những gì VPK làm được trong giai đoạn gần nhất từ năm 2009 cho đến nay (lý do là kết quả hoạt động kinh doanh của VPK bị thua lỗ năm 2008 do giá vốn tăng cao hơn doanh thu).

Theo tác giả bài viết, VPK đã có những bước tiến rất đáng ghi nhận từ năm 2009 cho đến nay. Bảng sau chỉ ra các chỉ số tài chính quan trọng của VPK (số liệu tổng kết đến quý 2/2013):

tai_chinh_vpk

Tài chính của VPK

Như bảng trên, tra theo tiêu chuẩn chọn cổ phiếu tốt ta thấy VPK đang có một số điểm tốt sau:

ROE đang tăng trưởng và đã lớn hơn mức chuẩn 25% vào năm 2012. ROE trung bình cộng hằng năm đạt mức 27.3%, lớn hơn so với chuẩn 25%. ROA trong năm 2012 lớn hơn mức 20% và năm 2013 có thể lặp lại điều này.

LNG/DTT tuy chưa đạt chuẩn nhưng đang có xu hướng tốt lên. Khả năng công ty sẽ tiếp cận mức chuẩn trong tương lai do doanh thu đang tăng trưởng tốt trong khi giá vốn không tăng kịp tốc độ gia tăng doanh thu.

- Tỷ số (CPBH+CPQL)/LNG ngày càng giảm cho thấy công ty kiểm soát chi phí hoạt động kinh doanh ngày càng tốt. CPKH/LNG nửa đầu năm 2013 chỉ còn 8.3% cho thấy công ty đã có những cải thiện lớn trong sử dụng tài sản; CPLV/LNG giảm về mức thấp hơn 5% cho thấy VPK đã coi trọng việc không dính dáng nhiều đến nợ nần.

LNTT/LNG duy trì mức cao hơn chuẩn trong 3 năm gần đây. Tỷ số LNTT/DTT ngày càng tăng lên qua các năm (nửa đầu năm 2013 đạt mức cao nhất 15.8%) cho thấy hiệu quả của VPK ngày một tốt hơn.

Các chỉ số khác như KPT/DTT, PTKH/LNST, Nợ/VCSH ở mức thấp cho thấy công ty quản lý công nợ khá tốt. Tỷ số chi phí vốn/LNST các năm hầu hết thấp đem lại lợi ích to lớn cho cổ đông là dòng tiền mặt của công ty tăng lên nhiều.

VPK hiện tại có thể đầu tư không?

- Doanh thu công ty tăng trưởng gấp đôi từ 170 tỷ đồng năm 2009 lên 351 tỷ đồng năm 2012 chứng tỏ Lãnh đạo công ty đã tìm ra cách giải quyết hiệu quả cho việc gia tăng thị phần.

- Doanh thu đang tăng nhanh nhưng vẫn kéo theo lợi nhuận tăng nhanh cho thấy Ban Lãnh đạo công ty đang làm việc rất năng động và hiệu quả.

- Hiện tại, EPS của VPK đạt mức 6000đ/cp (theo BCTC kiểm toán 2012) tương ứng với mức P/E vào khoảng 5 lần (giả sử giá VPK là 30.000đ/cp). Đây là mức P/E hấp dẫn để đầu tư vì khi đó tỷ lệ sinh lời E/P là 20% lớn hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm hiện tại (khoảng 7%). Đó là còn chưa kể đến mức tăng trưởng của VPK trong năm nay và những năm kế tiếp.

Kết luận, dù VPK đã tăng giá gấp 5 lần tính từ đầu năm 2012 cho đến nay nhưng mức giá hiện tại của VPK vẫn còn rẻ và có thể đầu tư ngay VPK với mức giá này hoặc thấp hơn (nếu có).

 

5. Phân tích tài chính của DRC

DRC cũng là một cổ phiếu cơ bản tốt và có thanh khoản cao trên thị trường chứng khoán Việt nam hiện nay. Công ty săm lốp DRC được xem là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhất trong ngành săm lốp Việt Nam (hiệu quả vượt cả săm lốp Caosumina và cao su Sao Vàng).

Chúng ta xem DRC có những điểm tốt gì. Bảng sau chỉ ra các chỉ số tài chính quan trọng của DRC (số liệu tổng kết đến cuối năm 2012):

 

co_phieu_drc

 Tài chính của săm lốp DRC

 

Như bảng trên, tra theo tiêu chuẩn chọn cổ phiếu tốt ta thấy:

ROE luôn đạt lớn hơn mức 25% và kéo dài từ lúc niêm yết lên sàn chứng khoán cho đến nay. ROE trung bình cộng hằng năm đạt mức 68.1%, lớn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn 25% do ROE năm 2006 và năm 2009 đột biến. ROA cũng vậy, chỉ có ba năm 2006, 2007, 2008 tương đối thấp nhưng 4 năm gần đây đã lớn hơn nhiều so với mức 20%. ROA trung bình hằng năm đạt 24.2%, lớn hơn so với chuẩn 20%.

LNG/DTT chưa đạt đến mức hấp dẫn 40% và đang có xu hướng tăng lên. Chỉ số này của DRC chưa hấp dẫn bằng của BMP và VNM.

- Tỷ số (CPBH+CPQL)/LNG luôn ở mức thấp (thấp hơn mức 30%) cho thấy công ty kiểm soát chi phí hoạt động kinh doanh cũng rất tốt. Mức trung bình hằng năm của tỷ số này cũng chỉ là 26% cho thấy công ty hoạt động rất hiệu quả.

- CPKH/LNG trong 4  năm gần đây đã có những cải thiện xuống dưới mức chuẩn 10% cho thấy công ty cũng đã có những cố gắng rất lớn trong sử dụng tài sản; CPLV/LNG cũng tương tự như vậy, đã có cải thiện những năm gần đây và đang có xu hướng tốt.

LNTT/LNG ngày càng tăng và duy trì cao hơn mức chuẩn qua các năm. Mức trung bình 56.1% cho thấy khả năng kiểm soát chi phí của DRC là rất tốt. Tỷ số LNST/DTT chưa được tốt lắm và chưa đạt chuẩn cho thấy DRC cần phải cố gắng nhiều hơn.

- PTKH/LNST và KPT/DTT qua các năm khá thấp và đạt chuẩn.

Các chỉ số khác như  Nợ/VCSH, chi phí vốn/LNST giảm dần qua những năm và có dấu hiệu tăng lên năm 2012 do công ty phải đầu tư lớn cho dự án nhà máy lốp Radian – một xu thế đầu tư không thể cưỡng lại của các công ty trong ngành săm lốp để bắt kịp công nghệ của thế giới và nhu cầu thực tế của ngành.

Đầu tư vào cổ phiếu DRC hay không?

- Thương hiệu: Là doanh nghiệp săm lốp Việt Nam duy nhất có thế mạnh sản xuất lốp ô tô tải đặc chủng với hiệu quả rất cao.

-  Ban Lãnh đạo gồm những người tài năng.

- Công ty ít đầu tư tài chính.

Các thông tin này có thể biết được bằng cách xem Báo cáo thường niên (BCTN)năm gần nhất của DRC.

Từ năm 2006 cho đến nay, các con số sau cho thấy tốc độ phát triển đáng kể của DRC:

- EPS tăng từ 13.000đ (2006) lên đến 73.100đ (2012), tăng hơn gấp 5.6 lần trong vòng 6 năm tương đương mức tăng trung bình hằng năm là 33%.

BV tăng từ 33.000đ (2006) lên đến 273.900đ (2012), tăng gấp 8.3 lần trong vòng 6 năm.

Các chỉ số này tính bằng cách lấy số liệu từng năm tính theo cùng mức vốn điều lệ của năm 2004 để thấy xu hướng tăng trưởng . Xu hướng tăng qua các năm của DRC là rất tốt.

Thị giá của DRC từ lúc lên sàn đến nay đã tăng hơn lần trong vòng hơn 6 năm tương đương tỷ lệ sinh lời trung bình hằng năm là 25% bất chấp thị trường chứng khoán lên xuống thất thường.

- Một chỉ số quan trọng để biết DRC hiện nay đắt hay rẻ là xem xét chỉ số P/E của nó. P/E của DRC tính đến thời điểm viết bài này là khoảng hơn 11 lần tương đương tỷ lệ E/P vào khoảng 9 %, lớn hơn lãi suất tiết kiệm hiện nay cho thấy giá DRC cũng đang ở mức thấp dù chưa tính đến mức tăng trưởng của DRC năm 2013.

Kết luận, dù DRC đã tăng giá hơn 4 lần tính từ lúc niêm yết cho đến nay (2013) nhưng mức giá hiện tại của DRC vẫn còn khá rẻ và có thể đầu tư được bởi vì tốc độ phát triển của ngành săm lốp nói chung và DRC nói riêng theo đánh giá sẽ còn nhiều tiềm năng trong tương lai.

Rủi ro cơ bản

Hiện tại, những kết quả công ty cổ phần săm lốp Caosumina đang đạt được với mức giá cao su nguyên liệu đang ở mức thấp. Khả năng công ty sẽ khó đạt được kết quả tốt như mong đợi nếu giá cao su nguyên liệu tăng trở lại. Vì vậy, các dự đoán về tăng trưởng của CSM trong tương lai phục vụ cho việc tính toán cần được thực hiện thận trọng có tính đến sự tăng giá này của giá cao su nguyên liệu.

 

III- Cổ phiếu xấu/Thận trọng với các cổ phiếu kiểu này

Trong đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư cần biết cách nhận diện các dấu hiệu đánh lừa nhà đầu tư hoặc các dấu hiệu không tốt ở một số cổ phiếu. Những kiểu cổ phiếu này thường biến động mạnh do những kiểu thông tin không rõ ràng mà nó đưa ra.

Sau đây là một số dấu hiệu của các cổ phiếu như thế mà nhà đầu tư chứng khoán cần nhận biết:

Đánh lừa nhà đầu tư

1. Cổ phiếu có lợi nhuận sau thuế kỳ này (quý hoặc năm) tăng đột biến hoặc tăng đáng kể so với cùng kỳ trước đó nhưng đi kèm với nó là khoản phải thu của khách

hàng phát sinh tăng mạnh làm cho tỷ số PTKH/LNST tăng rất lớn.

Điều đó cho thấy cho thấy công ty sẵn sàng chấp nhận bị chiếm dụng vốn (việc này dễ gây rủi ro mất vốn) để làm đẹp báo cáo tài chính.

Chẳng hạn, LNST quý 1/2013 của AGF (thủy sản An Giang) đạt 16,7 tỷ đồng tăng 48,7% so với con số 11,5 tỷ đồng LNST quý 1/2012 nhưng đi kèm với nó là khoản PTKH tăng từ 355 tỷ đồng lên 517 tỷ đồng khiến cho tỷ số PTKH/LNST = 162/16,7= 970% – một con số quá lớn.

2. Công ty có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng nhưng chi phí tái đầu tư (chi phí vốn) luôn duy trì ở mức cao làm cho tỷ số CPV/LNST rất lớn. Điều này ám chỉ rằng tiền lãi doanh nghiệp làm ra chỉ có ý nghĩa về mặt xã hội là tạo công ăn việc làm cho công ty, còn cổ đông thì chưa thấy hưởng lợi gì nhiều.

Ví dụ như với cổ phiếu HSG (tôn Hoa Sen), tổng LNST từ năm 2005 cho đến Q2/2013 đạt 1774 tỷ đồng nhưng trong thời gian đó công ty đã tái đầu tư với số tiền lên đến 3741 tỷ đồng (dễ dàng tính được bằng cách cộng tổng số tiền chi đầu tư trong bảng Lưu Chuyển Tiền Tệ của từng năm từ năm 2005 đến nay). Như  vậy, LNST trong cùng thời gian mới chỉ đạt 1/2 số tiền đầu tư cho tài sản có nghĩa là trong chừng ấy năm công ty liên tục đầu tư vào tài sản nhưng vẫn chưa thu hồi được vốn đầu tư. Ngay trong Q1&Q2/2013, mặc dù công ty đạt LNST 2 quý là 353 tỷ đồng nhưng chi phí tái đầu tư đã là 244 tỷ đồng.

Như vậy, cổ đông hưởng được gì ở đây? Câu trả lời chỉ có thể là thời gian vì chỉ có chờ đợi ở tương lai chúng ta mới biết công ty có thể sử dụng hiệu quả tài sản để mang lại tiền cho cổ đông hay không? Cần nhớ rằng ngành nghề của tôn Hoa Sen là ngành nghề mang tính cạnh tranh cao với rất nhiều công ty đối thủ mạnh và HSG cần cố gắng hơn nữa mới đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông.

 Cổ phiếu có đặc điểm không tốt

1. Ban Lãnh đạo không lo điều hành hoạt động kinh doanh của công ty cho tốt mà chuyên tâm mua đi bán lại cổ phiếu. Có thể thấy dễ dàng dấu hiệu này thông qua các giao dịch của cổ đông nội bộ. Công ty nào có các thành viên trong HĐQT hoặc ban Giám đốc thường xuyên đăng ký mua bán cổ phiếu thường cho thấy dấu hiệu đó không phải là một công ty tốt.

2. Công ty vẽ kế hoạch hoành tráng (bánh vẽ) để huy động vốn của cổ đông rồi sau đó ban Lãnh đạo đua nhau bán cổ phiếu để “rời khỏi” công ty. Ví dụ như công ty cổ phần khoáng sản Lào Cai – mã cổ phiếu LCM.

3. Công ty vẽ kế hoạch hoành tráng (bánh vẽ) hằng năm nhưng kết quả thực tế lại “đi về nơi xa lắm”. Ví dụ, các cổ phiếu THV, VSP, SHN

4. Công ty đặt kế hoạch cắt giảm chi phí rầm rộ nhưng kết quả “đâu lại vào đấy”. Chẳng hạn như mã cổ phiếu FPT, năm 2008 công ty đặt ra quyết sách C10 với kế hoạch cắt giảm 10% chi phí tất cả các hoạt động và sẽ thường xuyên duy trì hoạt động này. Kết quả cuối cùng ra sao? Từ năm 2009 cho đến năm 2012, tỷ lệ LNST/DTT vẫn không được cải thiện một chút nào và chưa bao giờ vượt qua được mức 10%. Điều đó cho thấy kế hoạch C10 của FPT đã bị “phá sản” và công ty này vẫn cứ để chi phí duy trì ở mức cao như những gì công ty đã làm từ trước đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là thiệt thòi lớn cho cổ đông FPT.

Địa chỉ cá nhân
 
Phạm Hoành
Hamburg, Germany
phamhoanh2@yahoo.de
LỊCH ÂM
 
 
Diese Webseite wurde kostenlos mit Homepage-Baukasten.de erstellt. Willst du auch eine eigene Webseite?
Gratis anmelden