Trong vài năm tới đây, số lượng người Việt ở Đức về hưu sẽ tăng rất nhanh. Đó là một bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đời của một con người. Bạn phải đón nhận nó, dù muốn hay không. Để đối phó với quy luật tự nhiên không thể tránh khỏi này, chúng ta không còn cách nào khác là cùng nhau chuẩn bị về tâm lý và vật chất cho cuộc sống ở thời kỳ này. Đây là điều chúng ta còn chủ quan, ít để ý đến. Phần lớn những người lớn tuổi đang sống ở CHLB Đức có lẽ đều quyết định sống tuổi già ở quê hương thứ hai này. Nhưng liệu chúng ta có được hưởng tuổi già một cách ung dung như người dân bản xứ không? Với bản chất cần cù và năng động, người Việt Nam ta có khả năng xoay sở rất tốt để đảm bảo cuộc sống cho chính mình và gia đình. Ngoài ra họ còn là niềm hy vọng của những người thân ở Việt Nam. Chỉ có một số ít người đang có việc làm ổn định trong các hãng Đức, lương cao để khi về hưu họ có quyền hưởng chế độ như người Đức. Đại đa số chúng ta không nằm trong diện này. Những người đi làm tại hãng thì lương không cao (do làm công việc đơn giản) và thời gian làm việc liên tục cũng chỉ khoảng 15 năm. Khi về hưu họ phải sống tằn tiện, có thể nói là ở mức tối thiểu. Đối với những người kinh doanh, do không xác định từ đầu là sẽ sống lâu dài ở Đức nên họ không đóng bảo hiểm hưu trí. Hơn nữa, họ còn nếp nghĩ kiểu Việt Nam „Con cái là quỹ bảo hiểm hưu cho họ“. Càng đông con, họ càng yên tâm vì „không đứa này nuôi thì đứa kia nuôi!“. Khi những người kinh doanh về hưu, họ sẽ không có lương hưu mà phải sống bằng trợ cấp của nhà nước Đức và những gì họ đã tiết kiệm được trong những năm tháng đi làm. Phải về hưu thường gây tâm lý hụt hẫng cho rất nhiều người. Người Việt ta thường hy sinh hết mình cho con cái học hành và nuôi hy vọng, chúng sẽ sống khác ta. Còn thế hệ con cháu chúng ta đã hòa nhập tốt vào xã hội Đức, sống theo văn hóa Đức, kể cả văn hóa cư xử với bố mẹ. Chúng không hiểu được và cũng không đồng cảm với việc báo ơn cha mẹ bằng sự nuôi dưỡng bố mẹ già đã trở thành truyền thống văn hóa trong xã hội Việt Nam. Đặc điểm này chúng ta cũng cần nhận ra để có sự chuẩn bị về tâm lý, để đón nhận nó sao cho thanh thản bình tĩnh bằng cách tự chuẩn bị cho mình cả về vật chất lẫn tinh thần lúc về hưu. Rất nhiều người Việt chúng ta làm việc với cường độ chóng mặt, không có ngày nghỉ, vì họ hiểu hoàn cảnh khó khăn của họ trước đây ở Việt Nam. Họ cũng không lường trước được, chính việc này sẽ gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe của nhiều người như: Đau lưng, trầm cảm, kiệt sức…, nên vẫn tiếp tục phung phí cái quí nhất của cuộc đời là sức khỏe. Còn gì buồn hơn là sống tuổi già trên đất khách trong nghèo khó, cô đơn và bệnh tật? Chưa quá muộn, nếu chúng ta biết chuẩn bị và hành động để thay đổi nó, biết khai thác sự giúp đỡ tạo điều kiện của chính quyền và các đoàn thể của người Việt cũng như các tổ chức nhân đạo ở Đức. Chuyên đề Việt nam lần thứ tư được tổ chức vào ngày 19.11.2014 với chủ đề “Người cao tuổi Việt Nam ở Đức“ do các hội đoàn (cả của Đức và nước ngoài) hoạt động vì người VN ở Berlin tổ chức, sẽ là cơ hội để những người lớn tuổi cùng các hội đoàn trong cộng đông chúng ta đến với nhau cùng bàn bạc để tìm giải pháp tốt nhất. Một nhóm công tác cộng đồng tâm huyết của Berlin phối hợp với LH người Việt toàn Liên Bang Đức sẽ tổ chức các buổi tọa đàm rộng rãi về các vấn đề này từ nay đến 19.11.2014 để phân tích, đánh giá chuẩn bị tài liệu cho một dự án lớn là „ Vì một viễn cảnh tươi sáng cho người Việt Nam về hưu ở CHLB Đức“ Rất mong các anh các chị lớn tuổi và những người quan tâm hãy tham gia vào các buổi tọa đàm, tham gia các nghiên cứu thăm dò, để chúng ta cùng nhau tìm ra giải pháp chung. Thời gian tổ chức tọa đàm sẽ được tổ chức phối hợp cùng các Hội đồng hương và các hội đoàn quan tâm ở Berlin và sẽ được thông báo kịp thời.
Nguồn: Thoibao.de (vietinfo.eu)
|