Viện công tố CHLB Đức

VIỆN CÔNG TỐ CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC

I. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN CÔNG TỐ

1. Một số nét khái quát

Cộng hoà liên bang Đức là một nhà nước liên bang gồm 16 bang hợp thành. Do đó, bộ máy chính quyền nói chung và bộ máy các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng giống như các cơ quan nhà nước khác của cộng hoà liên bang Đức (CHLB Đức) được phân chia thành 2 cấp rõ rệt- cấp liên bang và cấp bang. Mỗi Bang có Chính phủ riêng và có hệ thống pháp luật riêng của bang mình.

Ở cấp liên bang, tổ chức bộ máy nhà nước chỉ ở cấp trung ương, không có cấp địa phương, ở cấp bang thì bộ máy nhà nước được tổ chức từ cấp trung ương của bnag đến cấp địa phương của bang. Ví dụ, cấp liên bang chỉ có Viện công tố tối cao liên bang mà không có các Viện công tố, Toà án liên bang ở địa phuơng đều do bang tự quản.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự lãnh đạo của liên bang dối với các bang, liên bang xây dựng và ban hành cá luật "mẫu" của liên bang, các bang xây dựng hệ thống pháp luật riêng cho bang mình. Pháp luật của bang không được trái với hiến pháp và pháp luật của liên bang. Ví dụ, Luật tổ chức Toà án ( trong đó có qui định về tỏ chức Viện công tố) của liên bang ban hành ngày 27 tháng 1 năm 1877 là luật "mẫu" để trên cơ sở đó các bang xây dựng các qui định pháp luật về tổ chức Toà án và Viện công tố cho riêng mình. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên gì khi tổ chức cơ quan công tố, Toà án ở bang này giống hoặc khác với bang kia.

2. Lịch sử hình thành và phát triển của ngành công tố

Trước khi nước Đức thực hịên thành công cải cách lớn về tư pháp ở nửa đầu thế kỷ 19, thì nền tố tụng tư pháp hình sự của Đức được xây dựng theo mô hình tố tụng thẩm tra theo mô hình tố tụng thời trung cổ (Inquisition Verfahren- có người dịch là tố tụng thẩm vấn). Theo mô hình tố tụng này, thì Thẩm phán là người đại diện cho quyền lực nhà nước, là người thi hành quyền lực nhà nước, không phải là người đại diện cho công lý để xét xử, mặc dù trước trụ sở của Toà án người ta để biểu tượng "cán cân công lý". Thẩm phán vừa là người điều tra, vừa là người truy tố, vừa là người xét xử tội phạm. Do đó, Thẩm phán thường rơi vào tình trạng độc đoán, chuyên quyền và không khách quan.Thẩm phán có thể tuyên một người vô tội thành có tội, tuỳ thuộc vào ý chí chủ quan của Thẩm phán, không ai có thể chế ước, kiểm soát nổi Thẩm phán.

Tố tụng thẩm tra cũng được chia làm hai giai đoạn chính, giai đoạn điều tra và giai đoạn xét xử. Ở giai đoạn điều tra, Thẩm phán tự thu thập tài liệu chứng cứ vụ án và nếu thấy có đầy đủ chứng cứ để xét xử hoặc không đưa ra xét xử tuỳ thuộc vào sự đánh giá của mình.

Hai nguyên tắc xét xử cơ bản của tố tụng thẩm tra đó là: nguyên tắc xét xử kín và không trực tiếp ( có người dịch là nguyên tắc xét xử không trực tiếp là nguyên tắc xét xử bằng văn bản ) và một nguyên tắc chứng cứ là bị cáo phải "cúi đầu nhận tội".

Theo nguyên tắc xét xử này thì vụ án được tiến hành xét xử kín, không công khai, không có nhân chứng, không có người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Thẩm phán xét xử chủ yếu là dựa trên hồ sơ điều tra của vụ án, đụa trên kết quả điều tra ( như câu cửa miệng của mọi người thường nói: án tại hồ sơ) . Do đó nếu hồ sơ điều tra phản ánh đúng sự thật thì Thẩm phán xét xử đúng, nếu hồ sơ bị làm sai lệch, bóp méo sự thật thì Thẩm phán xử sai, vì tại phiên toà không có ai đối chứng để kiểm tra lại kết quả điều tra.

Theo nguyên tắc chứng cứ "bị cáo phải cúi đầu nhận tội" thì dù hồ sơ điều tra có đầy đủ, có đúng mấy đi chăng nữa nếu Thẩm phán xét xử không có được lời nhận tội của bị cáo thì không thể kết án anh ta được. Theo nguyên tắc nàym thì đối tượng xét xử tố tụng thẩm tra là bị cáo chứ không phải là hành vi phạm tội của anh ta. Bị cáo không được coi là chủ thể của tố tụng thẩm tra, do đó anh ta chỉ có" quyền nhận tội", chứ không có quyền tham gia làm sáng tỏ sự thật của vụ án.

Vậy thẩm phán muốn kết tội thì phải có được lời nhận tội của bị cáo. Trong trường hợp bị cáo không nhận tội, luật cho phép Thẩm phán có thể dùng nhiều biện pháp khác nhau để có được lời nhận tội, kể cả biện pháp dùng nhục hình về thể xác, như đánh đập, tra tấn hoặc khủng bố về tinh thần. Do đó, với biện pháp này nhiều trường hợp Thẩm phán đã lợi dụng nó để ép buộc bị cáo khai nhận theo ý muốn chủ quan của ông ta.

Các nhà khoa học pháp lý Đức đã nhận định rằng, loại hình tố tụng thẩm tra chỉ phù hợp với chế độ chuyên quyền, độc đoán, vô pháp luật, với kiểu cai trị bằng chế độ "cảnh sát" chứ không phải bằng pháp luật.

Với sự ngày càng phát triển của xã hội, dân trí ngày càng được nâng cao, thì mô hình tố tụng thẩm tra dần dần trở thành lạc hậu và không được lòng dân. Mô hình tố tụng này nhằm xoá bỏ khi xuất hiện. Viện công tố và thay thế nó là mô hình tố tụng thẩm vấn với các nguyên tắc xét xử mới, như xét xử công khai, trực tiếp,…

Qua những lý lẽ trình bày trên cho chúng ta thấy rõ, xuất phát điểm để hình thành Viện công tố là từ nhu cầu cải cách tố tụng hình sự chứ không phải lý do nào khác.

Vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, ở Châu Âu đã dấy lên tư tưởng "nhà nước pháp quyền" , nhà nước cai trị, quản lý xã hội bằng pháp luật, thay thế cho chế độ cai trị chuyên quyền độc đoán, vô pháp luật. Đồng thời với sự tác động to lớn của công cuộc cải cách tư pháp của Pháp, vào đầu thế kỷ 19 các bang của nước Đức đẫ tiến hành cuộc cải cách tư pháp mạnh mẽ, triệt để. Công cuộc cải cách này tập trung vào việc cải tổ các cơ quan tư pháp, các cơ quan bảo vệ pháp luật, cải cách thủ tục tố tụng hình sự và thành lập ngành công tố với chức năng và nhiệm vụ riêng của nó. Cụ thể là: năm 1810 ngành công tố được chính thức ghi nhận trong đạo luật dân sự của bang thuộc miền nam nước Đức, năm 1831 ngành công tố được thành lập ở Bang Baden, Bang Hanover thành lập Viện công tố năm 1941, bang Wuttenberg năm 1843, Bang Preuben năm 1846 và đến năm 1877 với việc ban hành Luật tổ chức Toà án mới của Liên bang thì ngành công tố được thành lâp ở tất cả các bang của nước Đức.

Do các bang có quyền lập pháp riêng và ngành công tố còn là một ngành rất mới mẻ ở Đức, nên những ngày đầu chức năng và nhiệm vụ của ngành công tố được đặt ra rất dè dặt và rất khác nhau ở các Bang. Xuất phát điểm của việc thành lập ngành công tố với mục đích Viện công tố là cơ quan chế ước Toà án. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên của ngành công tố là giám sát hoạt động của Toà án trong quá trình xử lý vụ án hình sự và Viện công tố có quyền đưa ra kháng nghị bản án, quyết định của Toà án mà Viện công tố cho rằng trái với pháp luật. Trong một thời gian dài Viện công tố không được trao một quyền hạn nào trong quá trình điều tra, truy tố cũng không được quyền tham gia xét xử với tư cách là một cơ quan thực hành quyền công tố thực thụ. Tuy nhiên, trong quá trình vận động, Viện công tố ngày càng chứng minh được tính ưu việt của nó, chứng minh được tính ưu việt của nó, chứng minh được sự cần thiết của nó đối với một nhà nước pháp quyền, nên chức năng, nhiệm vụ của nó ngày càng được hoàn thiện.

II. VIỆN CÔNG TỐ CHLB ĐỨC NGÀY NAY

Để có được một ngành công tố như ngày nay, nước Đức đã phải trải qua một đêm dài thế kỷ của những cuộc tranh luận, cọ sát gay gắt của nhà khoa học pháp lý, của các nhà hoạt động thực tiễn và nhất là của giới lãnh đạo cấp cao của nhà nước. Vào nửa cuối thế kỷ XX, vị trí, chức năng và nhiệm vụ của Viện công tố đã được định hình và những cuộc thương thuyết, tranh luận lớn về Viện công tố ít dần đi và hầu như không còn nữa, nếu có thì đó chỉ là những ý kiến rất nhỏ về một khía cạnh nào đó của Viện công tố mà thôi.

1. Vị trí pháp lý của Viện công tố trong tổ chức bộ máy nhà nước Đức

Vấn đề vị trí pháp lý của Viện công tố cũng được thảo luận rất nhiều kể từ trước và sau khi nó được thành lập. Cho đến nay, vị trí pháp lý của nó đã được khẳng định một cách rõ ràng trong tổ chức bộ máy nhà nước.

Trước hết phải khẳng định rằng, hệ thống ngành công tố thuộc nhóm những cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo quan niệm của Đức thì nhóm cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo quan niệm của Đức thì nhóm cơ quan bảo vệ pháp luật gồm có toà án và Viện công tố, Luật sư bào chữa, hội thẩm, tuy họ hoạt động với tư cách cá nhân, không nhân danh cơ quan nhà nước nào, nhưng họ cũng được xếp vào nhóm cơ quan bảo vệ pháp luật mà thuộc cơ quan hành pháp. Tuy nhiên cảnh sát chỉ mang tính chất cơ quan bảo vệ pháp luật khi nó thực hiện hoạt động điều tra.

Xét theo góc độ tổ chức cơ quan nhà nước nói chung thì ngành công tố thuộc nhóm quyền lực thứ tư. Xét theo góc độ chức và nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo thì Viện công tố mang tính chất của một cơ quan hành pháp. Xét theo quyền của Viện công tố trong lĩnh vực tố tụng hình sự, ví dụ như Viện công tố có quyền tự quyết định xử lý vụ án ngay ở trong giai đoạn truy tố, mà không cần phải đưa vụ án ra truy tố trước Toà- quyền đình chỉ vụ án thì dường như Viện công tố có quyền tư pháp xét xử nhưng không hẳn thuộc hệ thống cơ quan xét xử. Do đó, dù hệ thống cơ quan công tố thuộc ai đi chăng nữa, trực thuộc cơ quan lập pháp, trực thuộc Chính phủ hay trực thuộc Bộ trưởng Bộ tư pháp thì vị trí pháp lý của nó cũng không thay đổi.

a. Tính hành pháp của cơ quan công tố:

Xét về góc độ tổ chức và quản lý hành chính tư pháp, thì Viện công tố và Toà án đều do Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền đề nghị Tổng thống hoặc thống đốc bang bổ nhiệm Chánh án, Thẩm phán Toà án tối cao liên bang; Chánh án, Thẩm phán toà án cấp cao Bang. Bộ trưởng Tư pháp có quyền quyết định số lượng toà án trong bang, có quyền phân định thẩm quyền lãnh thổ của Toà án trong Bang. Đối với Viện công tố cũng vậy. Nhưng vấn đề đó không phải là vấn đề quyết định vị trí pháp lý của Viện công tố và Toà án. Ví trí pháp lý của các cơ quan này được xác định bởi nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo trong các ngành, bởi bản chất chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Đối với ngành công tố cụ thể như sau:

- Quyền lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng tư pháp: Không giống như Toà án, Bộ trưởng Bộ tư pháp liên bang hoặc bang có quyền lãnh đạo, chỉ đạo Tổng công tố trưởng cuat Viện công tố tối cao liên bang hoặc Tổng công tố trưởng của Viện công tố cấp cao Bang. Tuy nhiên sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng Tư pháp cũng chỉ dừng lại ở cấp này (câp Tổng công tố trưởng). Và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng cũng chỉ mang tính quản lý hành chính tư pháp, không can thiệp vào công việc chuyên môn của ngành công tố. Bộ trưởng không có quyền chỉ đạo trực tiếp đối với công tố viên cấp dưới.

- Quyền chỉ đạo, lãnh đạo trong ngành công tố. Ngành công tố hoạt động hoà toàn độc lập với Toà án, với các cơ quan chính quyền địa phương. Ngành công tố được tổ chức theo nguyên tắc tập chung thống nhất lãnh đạo trong ngành. Tổng công tố trưởng Bang có toàn quyền lãnh đạo của Công tố viên cấp trên trực tiếp và thống nhất chịu sự lãnh đạo của Tổng công tố trưởng bang.

Xét ở góc độ nào đó thì quyền lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng công tố trưởng, của Công tố viên cấp trên giống như quyền lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ lãnh đạo thuộc các cơ quan hành pháp đuợc quy định trong luật công chức của Chính phủ. Điều này phản ánh tính chất của một cơ quan chấp hành của Viện công tố.

b. Viện công tố mang tính chất một cơ quan tư pháp xét xử.

Xét xử, theo đúng nghĩa của từ này mà chúng ta thường hiểu, thì chỉ có toà án mới là cơ quan xét xử duy nhất, là cơ quan cuối cùng có thẩm quyền kết thúc toàn bộ quá trình tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự một người bị tình nghi là đã thực hiện hành vi phạm tội bằng một bản án hoặc một quyết định có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự, phụ thuộc vào tình hình cụ thể của từng vụ án, thì Viện công tố cũng có quyền kết thúc quá trình tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị tình nghi phạm tội ngay ở giai đoạn truy tố, như ra quyết định đình chỉ vụ án ngay cả trong trường hợp đã chứng minh được tội trạng của người bị tình nghi phạm tội. Ở Đức, cơ quan cảnh sát không có quyền kết thúc tố tụng, không có quyền ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra. Tất cả những vụ án mà cơ quan cảnh sát đã thụ lý điều tra, sau khi kết thúc việc điều tra phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Viện công tố để xem xét quyết định việc truy tố hay đình chỉ vụ án. Các nhà làm luật không giao quyền kết thúc tố tụng cho cơ quan cảnh sát thuộc hệ thống cơ quan hành pháp. Nếu là cơ quan hành pháp thì không có quyền ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra.

Xét từ góc độ đó thì Viện công tố mang tính chất của một cơ quan tư pháp xét xử chứ không phải là cơ quan hành pháp. Do đó, trong giới chính trị cũng như khoa học pháp lý đều thừa nhận rằng, Viện công tố là hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước thứ tư trong tổ chức của bộ máy nhà nước Đức và được tổ chức song song với hệ thống Toà án. Viện công tố là cơ quan quyền lực nhà nước thứ tư trong tổ chức của bộ máy nhà nước Đức và được tổ chức song song với hệ thống Toà án. Viện công tố là cơ quan quyền lực nhà nước, mà là cơ quan bảo vệ và đại diện cho lợi ích công thông qua hành động thực hành quyền công tố. Cho nên quan điểm cho rằng quyền công là quyền hành pháp không được chấp nhận ở CHLB Đức.

2. Tổ chức và hoạt động của ngành công tố

a. Tổ chức ngành công tố

Nhà nước Đức là một nhà nước liên bang, do đó tổ chức bộ máy nhà nước nói chung và của ngành công tố nói riêng cũng khác với các nhà nước đơn nhất. Hệ thống ngành công tố có thể được thể hiện bằng sơ đồ sau:

Như trên đã trình bày, ở cấp liên bang chỉ có một Viện công tố liên bang ở địa phương. Ở cấp bang, về nguyên tắc thì mô hình Viện công tố được tổ chức như biểu đồ. Trước đây có một số bang còn có Viện công tố bang, nhưng cho đến nay cấp này đã bị xoá bỏ.

Hệ thống công tố được tổ chức không theo địa giới hành chính như tổ chức của các cơ quan chấp hành, mà được tổ chức theo từng vùng và khu vực. Một vùng có thể bao gồm một tỉnh hoặc nhiều tỉnh, một khu vực có thể bao gồm một huyện hoặc nhiều huyện(quận). Tuỳ theo số lượng công việc cụ thể của từng nơi mà Bộ trưởng Tư pháp bố trí Viện công tố cho phù hợp. Ví dụ, ở những nơi có ít tội phạm xảy ra thì có thể tổ chức một Viện công tố khu vực có thẩm quyền quản hạt rộng hơn các Viện công tố khu vực có ít nhiều tội phạm xảy ra hoặc không tổ chức Viện công tố khu vực ở đó. Khi có tội phạm xảy ra thì Công tố viên cấp vùng đó thực hành quyền công tố ở khu vực đó, nếu ở khu vực đó có Toà án khu vực. Đây là cách thức tổ chức rất linh hoạt của Đức nhằm giảm thiểu gánh nặng về tài chính cho nhà nước, vì một khu vực một năm chỉ có một vài vụ án xảy ra mà cùng tổ chức một Viện công tố ở đó thì thật là lãng phí. Toà án thì lại hoàn toàn khác với Viện công tố, vì ngoài án hình sự ra, Toà án còn phải giải quyết rất nhiều những loại án khác nữa như án dân sự, kinh tế, lao động,… Do đó, tuy luật tổ chức quy định, Viện công tố được tổ chức song song với Toà án, ở đâu có Toà án thì ở đó có Viện công tố được tổ chức không thống nhất ở cấp bang.

b. Về nguyên tắc hoạt động

Ngành công tố được tổ chức theo ngành dọc, độc lập với cơ quan chính quyền và nguyên tắc hoạt động của nó là tập trung thống nhất, Công tố viên cấp trên và thống nhất chịu sự lãnh đạo của Tổng công tố bang.

Viện công tố là cơ quan thuộc hệ cơ quan quyên lực nhà nước (Stastgewalt), song nó lại không phải là cơ quan thi hành quyền lực nhà nước. Tôn chỉ, mục đích hoạt động của Viện công tố là chỉ tuân theo pháp luật và tôn trọng sự thật khách quan. Do đó, Viện công tố là cơ quan bảo vệ quyền lợi của nhà nước và là người đại diện cho lợi ích công (Allgemeine interegge). Do đó, Viện công tố chỉ hoạt động khi có hành vi xâm phạm lợi ích của nhà nước, xâm phạm lợi ích công. Đây là một điểm căn bản để phân biệt giữa công tố trong luật tố tụng của Đức.

Trong quá trình điều tra, truy tố và thực hành quyền công tố trước Toà, Viện công tố không chỉ tiến hành điều tra một chiều, không chỉ thu thập chứng cứ vô tội của người bị tình nghi phạm tội. Và nếu trong quá trình điều tra, truy tố, nếu Viện công tố thấy hành vi phạm tội không còn ý nghĩa đối với lợi ích công nữa thì có thể kết thúc tố tụng bằng một quyết định đình chỉ vụ án.

Xuất phát từ lý do trên, các nhà khoa học pháp lý và những nhà làm luật đã bác bỏ quan điểm cho rằng, tại phiên toà Công tố viên là một bên tham gia tố tụng với tư cách là người buộc tội, bên kia là luật sư bào chữa hoặc bị cáo với tư cách là một bên gỡ tội. Viện công tố không phải chỉ đơn thuần là bên tham gia xét xử với tư cách là người buộc tội, vì với vị thế của người đại diện cho lợi ích công thì Công tố viên có trách nhiệm không chỉ đưa ra những chứng cứ buộc tội, mà còn đưa ra những chứng cứ vô tội ra trước Toà cả. Lợi ích công không bao giờ truy cứu trách nhiệm một người vô tội. Trong khi đó luật sư bào chữa với tư cách là một bên tham gia tố tụng, chỉ có quyền và trách nhiệm đưa ra những chứng cứ làm giảm nhẹ tội hoặc những chứng cứ làm giảm nhẹ tội trạng của bị cáo.

Đây là điều căn bản nói lên vị thế khác nhau giữa Công tố viên và luật sư bào chữa và cũng là điểm quan trọng để xác định đúng vị trí của Công tố viên trong tố tụng hình sự Đức.

c. Nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo trong ngành công tố

Nhìn trên toang biểu đồ tổ chức của ngành công tố cho thấy, ngành công tố của Đức được tổ chức thành hai cấp rõ rệt, cấp liên bang chỉ có một Viện công tố duy nhất là Viện công tố tối cao liên bang. Giữa các cấp liên bang và cấp bang không có mối quan hệ lãnh đạo chỉ đạo, không có mối quan hệ chấp hành. Viện công tố tối cao liên bang không có quyền chỉ thị cho Viện công tố bang, ngược lại Viện công tố không có trách nhiệm báo cáo công tác cho Viện công tố liên bang. Tuy nhiên, pháp luật có qui định trường hợp ngoại lệ là nếu giữa Viện công tố tối cao liên bang và Viện công tố bang có tranh chấp về thẩm quyền, thì quyền quyết định thuộc Viện công tố liên bang hoặc Viện công tố ở Toà án cấp cao bang hoặc có thể giao cho Viện công tố cấp cao bang thực hành quyền công tố tại Toà án cấp cao bang những vụ án thuộc thẩm quyền truy tố của mình.

- Ở cấp liên bang đứng đầu Viện công tố tối cao liên bang là Tổng trưởng công tố, sau đó là các Phó Tổng trưởng công tố, các Công tố viên cấp cao và các công tố viên. Tổng trưởng công tố là người lãnh đạo cao nhất, có quyền ra chỉ thị cho các Công tố viên thuộc quyền của Viện công tố tối cao Liên bang. Các công tố viên cấp dưới phải chịu sự chỉ đạo của Công tố viên cấp trên và của Tổng công tố trưởng.

- Ở cấp Bang, ngành công tố được tổ chức ở cả ba cấp. Trên trung ương có Viện công tố cấp cao Bang, Viện công tố cấp vùng là cấp thứ 2 và cấp 3 là Viện công tố khu vực. Tổng công tố cấp cao Bang có quyền chỉ đạo tất cả các Công tố viên thuộc quyền từ cấp trung ương đến địa phương. Các công tố viên cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Công tố viên cấp trên và thống nhất chịu sự lãnh đạo của Tổng công tố Bang.

Trong tố tụng hình sự của Đức không phân cấp có thẩm quyền giữa lãnh đạo và Công tố viên, như Viện trưởng, Phó Viện trưởng có những quyền năng tố tụng nào Công tố viên thì được phép làm gì, có những hoạt động tố tụng gì, ở đây, Công tố viên cũng như các cấp lãnh đạo Viện công tố đều có quyền thực thi những hành vi tố tụng như nhau, thẩm quyền tố tụng của một Công tố viên bình thường cũng giống như thẩm quyền tố tụng của Tổng trưởng công tố, của Viện trưởng. Do đó, xét từ góc độ " đối ngoại" thì Công tố viên hoạt động tố tụng một cách độc lập. Hoạt động của Công tố viên được coi là đại diện Viện công tố, thay mặt Viện trưởng trong mọi hành vi tố tụng. Công tố viên có toàn quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ một biện pháp tố tụng, như biện pháp bắt, giữ tạm thời người… hoặc ngay cả quyết định đình chỉ vụ án mà không cần phải cấp lãnh đạo Viện công tố trực tiếp ra các quyết định, lệnh đó. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì như vậy, song trong hoạt động thực tiễn điều tra, truy tố, nếu Công tố viên trưởng hoặc Công tố viên cấp trên thấy cần phải chỉ đạo hoặc định hướng hoạt động điều tra, truy tố của Công tố viên cấp dưới thì vẫn có quyền chỉ đạo, ra những chỉ thị, mệnh lệnh để công tố viên cấp dưới tuân theo. Công tố viên cũng có quyền không thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên khi những chỉ thị, mệnh lệnh đó vi phạm pháp luật.

Trong giai đoạn thực hành quyền công tố tại phiên toà thì Công tố viên hoạt động độc lập hơn ở những giai đoạn trước đó. Viện trưởng viện công tố hoặc Công tố viên cấp trên không có quyền chỉ đạo hoặc ra chỉ thị cho Công tố viên đang duy trì quyền công tố tại Toà. Công tố viên có toàn quyền phát biểu quan điểm của mình trên cơ sở kết quả thẩm tra tại Toà, thậm chí quan điểm đó trái nguợc hẳn với quan điểm trước đó của Viện trưởng, của Công tố viên cấp trên mà không cần phải thỉnh thị, xin phép. Ví dụ, trong cáo trạng, theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện công tố là phải truy tố tội hiếp dâm chẳng hạn. Nhưng trong quá trình xét xử, Công tố viên thấy bị cáo không phạm tội thì công tố viên có quyền yêu cầu Toà án tuyên bị cáo không phạm tội mà không cần phải xin phép chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo.

Để đảm bảo tính độc lập của Công tố viên, luật tố tụng qui định: "Không ai có quyền truy cứu trách nhiệm Công tố viên khi họ có sai sót trong hoạt động thực hành quyền công tố của mình, trừ trường hợp cố ý". Đồng thời luật cũng qui định, Công tố viên được bổ nhiệm suốt đời, trong khi đó Tổng trưởng công tố (Bang hoặc Liên bang) được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ.

3. Thẩm quyền của Viện công tố trong hoạt động tố tụng hình sự

a. Giai đoạn điều tra:

Theo qui định của luật tố tụng hình sự, thì cơ quan có thẩm quyền điều tra gồm: Viện công tố, cảnh sát, thuế quan, thuế vụ. Lực lượng cảnh sát có 2 loại, lực lượng cảnh sát hình sự và lực lượng cảnh sát khác. Lực lượng cảnh sát hình sự điều tra những vụ án lớn, phức tạp, rất nghiêm trọng, còn lực lượng cảnh sát khác điều tra những vụ án ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Cơ quan thuế quan hoặc thuế vụ tiến hành điều tra những vụ án thuộc lĩnh vực chuyên môn mà mình phụ trách. Còn Viện công tố thì có quyền điều tra tất cả các loại tội phạm.

Viện công tố, Toà án và cảnh sát là 3 cơ quan được pháp luật giao quyền và trách nhiệm tiếp nhận đơn, thư, tin tố giác tội phạm. Vì toà án không có quyền xác minh, nên khi nhận được đơn, thư, tin báo, tố giác tội phạm Toà án phải chuyển cho Viện công tố để tiến hành xác minh. Viện công tố và cảnh sát là hai cơ quan có quyền và trách nhiệm xác minh đơn, thư, tin báo, tố giác tội phạm. Trong quá trình xác minh, nếu cơ quan cảnh sát không thể xác định được hành vi tố giác đó là hành vi phạm tội hay không phạm tội thì cảnh sát có trách nhiệm chuyển đơn, thư, tin báo đó cùng tất cả các tài liệu đã xác minh đến cho Viện công tố để xem xét quyết định. Cảnh sát không được tự quyền ra quyết định trong trường hợp này.

Về nguyên tắc, Viện công tố có thẩm quyền điều tra tất cả các loại tội phạm. Song trong thực tiễn, Viện công tố không làm được điều đó. Phần lớn các tội phạm xảy ra là do cảnh sát tiến hành điều tra. Tuy cảnh sát tiến hành điều tra ở hầu hết các loại tội phạm, song không làm mất đi vai trò chỉ đạo của Viện công tố. Luật tố tụng Đức xác định, Viện công tố là " Ông chủ" ở giai đoạn điều tra (Herrin des Ermittlungs verfarens). Viện công tố có quyền tiến hành điều tra bất kỳ vụ án nào, có quyền lấy bất kỳ vụ án nào mà cơ quan cảnh sát đang điều tra để tự tiến hành bất kỳ hành vi điều tra nào trong những vụ án mà cơ quan cảnh sát đang điều tra. Viện công tố thực hiện quyền giám sát, chỉ đạo điều tra, ra các chỉ thị, yêu cầu điều tra, những cơ quan, tổ chức có liên quan phải chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị, yêu cầu điều tra của Viện công tố. Bất kỳ lúc nào Viện công tố cũng có quyền yêu cầu cảnh sát các cơ quan có thẩm quyền điều tra báo cáo tiến độ và hiệu quả điều tra.

Hoạt động giám sát, chỉ đạo điều tra vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của Viện công tố. Quyền và trách nhiệm giám sát chỉ đạo điều tra xuất phát từ chỗ, Viện công tố là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm trước nhà nước, trước xã hội về mặt chứng cứ của vụ án, về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra của các cơ quan có thẩm quyền điều tra.

Tuy Viên công tố có thẩm quyền điều tra, nhưng lại không có lực lượng điều tra riêng của mình. Vấn đề này các nhà khoa học pháp lý Đức đã ví Viện công tố như một người khổng lồ " có đầu mà không có tay". Để thực hiện thẩm quyền điều tra cuả mình, pháp luật qui định rõ lực lượng cảnh sát hình sự là bộ phận giúp việc cho Viện công tố trong hoạt động điều tra ( Hilfsbeamte) ở Đức không có cảnh sát tư pháp. Về mặt tổ chức và quản lý hành chính, mặc dù cảnh sát hình sự trực thuộc Bộ Nội vụ, nhưng trong quá trình điều tra tội phạm, Viện công tố có toàn quyền chỉ huy cảnh sát hình sự thông qua việc ban hành các chỉ thị, mệnh lệnh, thông qua việc giao nhiệm vụ điều tra.

Ngoài bộ phận giúp việc này ra (cảnh sát hình sự), Viện công tố còn có thẩm quyền đề ra các yêu cầu điều tra đối với tất cả lực lượng cảnh sát khác, đối với các cơ quan, tổ chức, viên chức có liên quan, yêu cầu điều tra của Viện công tố cũng được coi như mện lệnh điều tra mà các cơ quan, tổ chức, viên chức có liên quan phải chấp hành nghiêm chỉnh.

Về vai trò của Viện công tố trong hoạt động điều tra cũng có ý kiến của một số quan chức cao cấp thuộc Bộ nội vụ cũng cho rằng, nên giao cảnh sát toàn quyền điều tra và Viện công tố chỉ có quyền ở giai đoạn truy tố mà thôi. Quan điểm này đã bị các nhà pháp lý, các nhà làm luật bác bỏ, vì cho rằng quan điểm của các quan chức Bộ Nội vụ muốn đưa tố tụng hình sự Đức quay trở lại thời Trung cổ, không phù hợp với tố tụng hiện đại, không phù hợp với Nhà nước pháp quyền.

b. Giai đoạn truy tố:

- Khi nhận được bản cáo trạng và hồ sơ vụ án Viện công tố chuyển sang, Toà án tiến hành việc nghiên cứu hồ sơ và mở phiên toà trù bị. Ở giai đoạn này Toà án có thể đưa ra một trong những quyết định sau đây:

+ Không chấp nhận quyết định truy tố của Viện công tố.

+ Tạm đình chỉ vụ án

+ Đình chỉ vụ án

+ Đưa vụ án ra xét xử công khai.

Quyết định truy tố của Viện công tố xác định ranh giới xét xử của Toà án. Toà án chỉ xét xử những hành vi và bị cáo khi được Viện công tố truy tố. Toà án không được xét xử những hành vi, những người mà Viện công tố không truy tố.

c. Giai đoạn xét xử.

Phiên toà được tiến hành theo thủ tục thẩm vấn. Nguyên tắc xét xử công khai, trực tiếp. Toà án chỉ có thể đưa ra những quyết định dựa trên kết quả thẩm vấn công khai tại phiên toà.

Tại phiên toà, Thẩm phán là người điều khiển phiên toà, là người thẩm vấn chính. Luật tố tụng Đức vẫn giữ mô hình tố tụng thẩm vấn, mà không áp dụng mô hình tố tụng tranh tụng. Tuy nhiên trong quá trình xét xử có đan xen một số yếu tố tranh tụng. Tố tụng Đức vẫn coi trách nhiệm hình sự của Thẩm phán và coi giai đoạn xét xử là giai đoạn điều tra công khai mà Thẩm phán giữ vai trò chủ đạo. Công tố viên là người thay mặt nhà nước, là người đại diện cho lợi ích công khai tại phiên toà. Do đó, vị trí của Công tố viên không hẳn giữ vai trò của người buộc tội, không hẳn phải nhất thiết bảo vệ quan điểm truy tố của mình. Công tố viên cũng không phải là một bên "đối tụng" với luật sư bào chữa, với bị cáo, vì công tố viên không chỉ có nghĩa vụ đưa ra những chứng cứ để buộc tội bị cáo, mà còn trách nhiệm đưa ra những chứng cứ vô tội của bị cáo, mà còn trách nhiệm đưa ra những chứng cứ vô tội của bị cáo. Nếu coi Công tố viên là một bên " đối tụng" , là một bên buộc tội, thì công tố viên sẽ không còn có trách nhiệm đưa ra những chứng cứ vô tội của bị cáo hoặc những chứng cứ vô tội của bị cáo hoặc những chứng cứ giảm nhẹ tội trạng của bị cáo.

Xét về góc độ quyền đưa ra chứng cứ tại phiên toà, thì người bào chữa và bị cáo có quyền ngang bằng với Công tố viên, không ai có thể ngăn cản được quyền luật đó. Luật tố tụng hình sự Đức xác định, bị cáo không phải là đối tượng xét xử. Đối tượng xét xử là hành vi phạm tội của anh ta. Bị cáo được coi la chủ thể của tố tụng hình sự, do đó bị cáo có quyền tham gia vào quá trình làm sáng tỏ sự thật vụ án ở giai đoạn xét xử này.

Trong quá trình thẩm vấn, Thẩm phán phải thẩm vấn tất cả những nhân chứng do Công tố viên, luật sư bào chữa và bị cáo đưa ra, phải thẩm tra tất cả những vật chứng mà những người này đưa ra tại Toà. Sau khi thẩm vấn xong, thì Công tố viên, luật sư bào chữa và thậm chí cả bị cáo có quyền "kiểm tra chéo" những chứng cứ. Công tố viên, luật sư bào chữa, bị cáo có quyền đưa ra những nhận xét của mình hoặc chất vấn những nhân chứng của "bên kia" để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, trong quá trình "kiểm tra chéo" chứng cứ, Thẩm phán có quyền đặt câu hỏi khi thấy cần thiết.

Tại phiên toà, luật sư bào chữa chỉ có quyền chấp nhận hay không chấp nhận chứng cứ hoặc vật chứng của Công tố viên. Nếu luật sư bào chữa không có quyền chất vấn đối với Công tố viên. Nếu luật sư bào chữa đưa ra những câu hỏi đối với Công tố viên thì Công tố viên không có trách nhiệm trả lời và thường bị Toà án bác bỏ.

Kết thúc giai đoạn thẩm vấn, Công tố viên đọc lời luận tội. Lời luận tội của Công tố viên không phải là để bảo vệ cáo trạng. Lời luận tội của công tố viên về kết quả điều tra công khai tại phiên toà. Ở đây, Công tố viên hoàn toàn độc lập khi phát biểu quan điểm của mình về vụ án, không bị ràng buộc bởi quan điểm truy tố trong cáo trạng, không bị ảnh hưởng của bất kỳ ai, kể cả của Viện trưởng Viện công tố. Công tố viên chỉ chịu ràng buộc bởi kết quả điều tra công khai tại Toà.

Trong giai đoạn xét xử, Công tố viên không có quyền giám sát hoạt động xét xủ cuả Toà án. Tuy nhiên luật tố tụng cho phép Công tố viên có thể đưa ra những kiến nghị hoặc khiếu nại các hành vi, quyết định của Toà án, nếu hành vi đó, quyết định đó vi phạm pháp luật hoặc Công tố viên có quyền kháng nghị bản án của Toà án.

Tóm lại, mối quan hệ giữa Viện công tố và Toà án là mối quan hệ chế ước. Còn mối quan hệ giữa Viện công tố và cảnh sát là mối quan hệ chỉ đạo- chấp hành. Luật tố tụng Đức không chấp nhận mối quan hệ chế ước giữa Viện công tố và cảnh sát.

Trên đây là một số nét cơ bản về sự hình thành và phát triển của Viện công tố Đức, cũng như một số qui định của pháp luật tố tụng, những quan điểm khoa học về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của hệ thống cơ quan này để cùng bạn đọc tham khảo./.

 

NGUỒN: THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ PHÁP LÝ, SỐ 5+6/ 2005

Địa chỉ cá nhân
 
Phạm Hoành
Hamburg, Germany
phamhoanh2@yahoo.de
LỊCH ÂM
 
 
Diese Webseite wurde kostenlos mit Homepage-Baukasten.de erstellt. Willst du auch eine eigene Webseite?
Gratis anmelden