QUY TRÌNH VÀ THỦ TỤC KHI ĐẾN TUỔI VỀ HƯU
Dr. Nguyễn Sỹ Phương
1- Danh mục những việc cần làm trước khi đệ đơn
1.1- Trước khi đủ tuổi về hưu 4 tháng
- Đặt lịch hẹn với Cơ quan thông tin và tư vấn Auskunfts- und Beratungsstelle của bảo hiểm hưu trí nhà nước. Có thể truy cập trang www.deutsche-rentenversicherung.de. Nhấp chuột vào cột bên trái mục „Beratung (tư vấn), sau đó click vào „Beratungsstellen (cơ quan tư vấn), cuối cùng „Beratungsstellensuche (tìm cơ quan tư vấn). Nhập nơi sống và mã thành phố, sau đó điền thông tin cần tìm. Đối với đa số cơ quan tư vấn, có thể thỏa thuận lịch hẹn online ở mục Online-Terminvereinbarung“. Lưu ý: Phải đặt lịch hẹn 3 tháng trước thời gian về hưu dự kiến.
- Kiểm tra thông báo về quá trình bảo hiểm Versicherungsverlauf của bảo hiểm hưu trí và chuẩn bị những hồ sơ còn thiếu để lấp đầy chỗ trống của thông báo này.
- Chuẩn bị tất cả giấy chứng nhận bảo hiểm Versicherungsbescheinigung. Nên viết thư hay gọi điện cho hãng bảo hiểm y tế nhà nước đã từng đóng bảo hiểm trong nửa sau của cuộc đời lao động (từ 1988), bất kể bắt buộc, tự nguyện hay bảo hiểm gia đình và yêu cầu cấp giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Nếu đóng bảo hiểm tư nhân, yêu cầu họ cung cấp giấy chứng nhận nộp phí Beitragsbescheinigung, do phí bảo hiểm hưu trí cũng phải đóng cho bảo hiểm y tế tư nhân khoản phí mà họ phải đóng như đối với người có bảo hiểm nhà nước.
1.2- Trước khi bắt đầu về hưu 3 tháng:
-Đệ đơn ở cơ quan Auskunfts- und Beratungsstelle của bảo hiểm hưu trí nhà nước.
-Nộp giấy chứng nhận của chủ lao động về thu nhập 12 tháng cuối cùng.
- Những người nhận tiền ốm đau hay thất nghiệp yêu cầu cơ quan tương ứng chứng nhận nhận trợ cấp và phí bảo hiểm hưu trí đã đóng.
1.3- Khi nhận thông báo hưu trí Rentenbescheid: Hãy kiểm tra thông báo và khiếu nại nếu cần.
1.4- Khi nhận tháng lương hưu đầu tiên:
Kiểm tra khoản tiền được chuyển. Lương hưu được chuyển vào cuối tháng. Có nghĩa, tháng lương hưu đầu tiên được nhận vào cuối tháng, sau khi đủ tuổi về hưu.
1.5- Sau khi đủ tiêu chuẩn về hưu 3 tháng:
Cho đến thời điểm này có thể đệ đơn và vẫn được truy lĩnh từ tháng đủ tuổi về hưu. Nếu đệ đơn muộn hơn, chỉ được nhận lương hưu từ tháng đệ đơn, theo Điều 99, Khoản 1 Bộ luật Xã hội quyển IV.
2- Đệ đơn
Nếu muốn, có thể in trước đơn xin về hưu hay yêu cầu hãng bảo hiểm hưu trí Đức gửi về. Tuy nhiên điều này không cần thiết, do có thể đặt lịch hẹn với nhân viên của Auskunfts- und Beratungsstelle thuộc bảo hiểm hưu trí Đức và được giúp điền ngay thông tin trên máy tính. Đa số thông tin bắt buộc đã được hãng bảo hiểm lưu giữ. Khi đến buổi hẹn phải mang theo những giấy tờ sau:
- Thông báo Versicherungsverlauf cuối cùng. - Giấy tờ tùy thân. - Thẻ bảo hiểm y tế nhà nước.
- Đối với người bảo hiểm tư nhân, mang theo chứng nhận đóng phí Beitragsbescheinigung của quỹ bảo hiểm y tế.
- Mã số thuế Steueridentifikationsnummer.
- Thông tin về ngân hàng giao dịch.
Ngoài ra, đối với đàn ông có con phải nộp kèm giấy khai sinh con, nếu thời gian chăm sóc con không được ghi trong tài khoản hưu trí Rentenkonto. Điều này quan trọng, do người có con đóng ít hơn 0,25% phí bảo hiểm chăm sóc. Lưu ý: Cả những người lấy vợ có con riêng cũng nên thông báo điều này, do khi đó cũng được giảm phí bảo hiểm chăm sóc. Đối với phụ nữ không bắt buộc phải nộp giấy chứng nhận này, vì trong tài khoản bảo hiểm hưu trí đã ghi chú có con, do thời gian chăm sóc con được tính vào tiêu chuẩn hưu trí.
Đối với những người đóng bảo hiểm y tế bắt buộc, nên mang theo giấy chứng nhận thành viên của hãng bảo hiểm y tế nhà nước trong nửa sau của cuộc đời lao động, tính cả thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm gia đình miễn phí. Chỉ những người có hơn 90% thời gian đóng bảo hiểm nhà nước (tức không phải tư nhân hay không đóng bảo hiểm), mới phải đóng bảo hiểm y tế hưu trí bắt buộc (Krankenversicherung der Rentner) khi về hưu. Những người còn lại phải đóng bảo hiểm tự nguyện khi về hưu với mức phí đa phần cao hơn.
Trên trang mạng của hãng bảo hiểm hưu trí Đức có liệt kê các giấy tờ khác cần mang theo như: - Giấy khai sinh/ Giấy đăng kí kết hôn/ Giấy chứng tử. - Giấy chứng nhận đóng phí bảo hiểm hưu trí nhà nước Aufrechnungsbescheinigung. - Chứng nhận thời gian đào tạo. - Chứng nhận về thời gian thất nghiệp. - Chứng nhận về thời gian bị ốm. - Hợp đồng giảng dạy Lehrvertrag, bằng tốt nghiệp nghề Gesellenbrief/ Bằng tốt nghiệp doanh nhân hay tương tự.
3- Ước tính thu nhập 3 tháng làm việc cuối cùng
Về cơ bản, đơn xin lương hưu được nộp 3 tháng trước khi về hưu. Trong 3 tháng này, người đệ đơn vẫn có tiêu chuẩn nhận lương hưu, có thể từ công việc hay từ tiền thất nghiệp, tiền ốm đau Krankengeld. Nếu vẫn còn đi làm, sẽ nhận được từ Cơ quan Thông tin và Tư vấn mẫu in sẵn R250 dành cho chủ lao động. Chủ lao động có trách nhiệm điền mức lương 12 tháng gần nhất. Căn cứ vào đó, Bảo hiểm Hưu trí Đức sẽ tính thu nhập 3 tháng cuối cùng trước khi bắt đầu về hưu. Lưu ý: Lương hưu được tính theo kết quả này, có thể có lợi hay gây bất lợi cho người đệ đơn. Một số lợi thế: Trong 3 tháng cuối trước khi về hưu, người đệ đơn có thể có thu nhập ít đi và đóng bảo hiểm hưu trí ít hơn mức trung bình của 12 tháng trước đó, nhưng lương hưu vẫn được tính dựa vào lương trung bình cao hơn. Nếu lương trung bình thấp hơn thu nhập 3 tháng cuối trước khi về hưu, nên khiếu nại bằng cách đánh dấu dòng thứ 4: entfällt, weil eine Hochrechnung unterbleiben soll của mục Die Anforderung einer gesonderten Meldung (Vordruck R 250). Bất lợi nhỏ: Lương hưu chỉ được tính dứt điểm và trả khi chủ lao động thông báo thời điểm kết thúc hợp đồng và ngưng trả lương. Có nghĩa, sẽ nhận được lương hưu muộn một hay hai tháng và được truy lĩnh từ tháng đủ tuổi về hưu hay đủ tuổi đệ đơn về hưu non.
4- Kiểm tra mức lương hưu và tài khoản hưu trí Rentenkonto
Khi nhận được thông báo lương hưu Rentenbescheid, trước tiên sẽ có một tháng để kiểm tra kĩ thông tin. Nếu nghi ngờ tính chính xác của thông báo, nên hẹn gặp ngay cơ quan thông tin và tư vấn của Cơ quan bảo hiểm hưu trí Đức. Thời hạn nộp khiếu nại chống lại thông báo hưu trí một tháng. Tuy nhiên, sau khi nhận lương hưu vẫn có thể yêu cầu sửa lý lịch bảo hiểm Versicherungsverlauf, mặc dù hết thời hạn khiếu nại một tháng. Có thể đệ đơn yêu cầu kiểm tra và ấn định mới lại lương hưu bất kì lúc nào, chẳng hạn khi đang nhận lương hưu và nhận ra bị tính thiếu một năm bảo hiểm. Trong trường hợp này, không chỉ được tăng mức lương hưu cho các tháng tới, mà có thể truy lĩnh cho 4 năm gần nhất sau khi nhận lương hưu (theo Điều 45 khoản 1 SGB I).
a- Những lỗi thường gặp nhất trong lý lịch bảo hiểm hưu trí hay thông báo lương hưu
Thời gian học ở trường hay đại học/cao đẳng: Thời gian này không được thông báo tự động cho bảo hiểm hưu trí thông qua chuyển giao dữ liệu Datenübermittlung. Để thời gian này được lưu trong tài khoản bảo hiểm Versicherungskonto, phải trình cho bảo hiểm hưu trí bản gốc các giấy chứng nhận hay bản phô tô chứng minh thời gian đào tạo. Đối với thời gian đi học, cần giấy chứng nhận từ năm 16 hay 17 tuổi. Những người tốt nghiệp đại học/cao đẳng phải trình những giấy tờ có ghi rõ thời điểm bắt đầu học, thời gian và chứng nhận tốt nghiệp thành công cũng như giấy ra trường.
Thời gian làm việc, đặc biệt tại các tiểu bang mới: Tại Cộng hòa Dân chủ Đức cũ, thu nhập không được lưu giữ điện tử. Do đó, hãng bảo hiểm hưu trí Đức không tự động nhận được thông báo về thu nhập đóng bảo hiểm bắt buộc, mà người liên quan phải tự điền thời gian làm việc vào tài khoản hưu trí và chứng minh bằng cách trình thẻ bảo hiểm xã hội Sozialversicherungsausweis, trong đó ghi rõ thời gian làm việc. Nếu không có, sẽ gặp rắc rối với việc chứng minh thời gian làm việc.
Thời gian đào tạo nghề trong doanh nghiệp: Đào tạo nghề trong doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm bắt buộc. Cả trước đây, các doanh nghiệp đào tạo nghề cũng phải đóng phí bảo hiểm hưu trí cho học sinh học nghề. Vấn đề: Không ít trường hợp, thời gian này xuất hiện trên lý lịch bảo hiểm như thời gian đóng phí bắt buộc Pflichtbeitragszeiten thông thường, không nhận biết được đó là thời gian đào tạo nghề. Tuy nhiên, nên thể hiện rõ điều này, do 3 năm đào tạo nghề có thể được đánh giá cao hơn, được gọi là thời gian được giảm phí. Khi đó, thời gian đào tạo sẽ được đánh giá tối đa bằng 75% thu nhập trung bình của tất cả người lao động vào thời điểm đào tạo.
b- Kiểm tra nhanh bản thông báo tình hình đóng bảo hiểm Versicherungsverlauf, gồm:
- Có thiếu sót gì không? Theo luật định, thời gian tham gia nghĩa vụ quân, dân sự, nhận tiền thất nghiệp, hỗ trợ thất nghiệp Arbeitslosenhilfe, tiền ốm đau Krankengeld, các khoản trợ cấp thay thế lương khác, thời gian nuôi dạy con, thời gian học ở trường và thời gian đào tạo đều được tính toàn bộ vào thời gian hưởng tiêu chuẩn hưu trí. Liệu có quãng thời gian nào, trong thông báo bị sót.
- Mức thu nhập xem xét có đúng không? Đặc biệt nên để ý xem số có bị đảo ngược không, chẳng hạn thay vì thu nhập 61.000 Euro/năm lại ghi ngược thành 16.000 Euro/năm. Điều này sẽ khiến tiêu chuẩn lương hưu bị giảm đi rất nhiều.
c- Yêu cầu sửa thông báo hưu trí Rentenbescheid
Cách đây 5 năm, cơ quan Bảo hiểm Liên bang Bundesversicherungsamt đã công bố báo cáo chứng nhận bảo hiểm hưu trí hoạt động chính xác và chắc chắn, tuy nhiên không tránh khỏi sai sót. Theo đó, có 9.202 trường hợp không xem xét tiền con bổ sung Kinderzuschlag đối với lương hưu góa bụa, khiến lương hưu hàng tháng bị giảm đi trung bình 57,28 Euro. 147.702 trường hợp tính sai thời gian đào tạo nghề khiến lương hưu hàng tháng giảm gần 3 Euro. Cơ quan Bảo hiểm Hưu trí Đức cho biết, hiện đã sửa chữa thông báo hưu trí và trả bù. Tuy nhiên, theo Điều 44, khoản 4, SGB X, chỉ trả bù cho 4 năm gần nhất. Thời hạn 4 năm này áp dụng trong mọi trường hợp, khi người đóng bảo hiểm nộp bổ sung hồ sơ. Không áp dụng giới hạn trên, khi lương hưu do Bảo hiểm Hưu trí tính toán sai, quá thấp và người nhận lương hưu không nhận ra, như trong vụ kiện ở Tòa án Liên bang ngày 9.3.1989. Vụ kiện liên quan đến lương hưu do nghỉ mất sức, được trả từ năm 1974. Tuy nhiên, mãi đến năm 1983, Cơ quan bảo hiểm mới phát hiện tra và trả bù cho nguyên đơn, nhưng chỉ trả cho 4 năm gần nhất. Nguyên đơn kiện lên Tòa án Dân sự, yêu cầu bồi thường và thắng kiện (án số: III ZR 76/88). Tòa phán, nguyên đơn được nhận đền bù, khi nhân viên bảo hiểm vi phạm trách nhiệm và tính lương hưu sai. Nguyên đơn không có trách nhiệm phải nhận ra tính lương hưu bị sai. Trước khi kiện ra tòa, người hưởng lương hưu nên yêu cầu Cơ quan Bảo hiểm hưu trí Đức trả bù khoản lương hưu bị thiếu cho toàn bộ thời gian.
5- Ngay khi về hưu
Lương hưu luôn được tự động chuyển vào tài khoản người đóng bảo hiểm vào cuối tháng. Tiền hưu được chuyển thông qua Dịch vụ Hưu trí của Bưu điện Đức (Rentenservice der Deutschen Post). Deutsche Post cũng gửi thư thông báo cho người nhận lương hưu về khoản hưu được tăng. Sau khi được cấp lương hưu, người nhận không liên quan đến bảo hiểm hưu trí nữa. Chỉ phải thông báo khi chuyển nhà, có tài khoản mới hay thay đổi tên họ cho một chi nhánh của Deutsche Post. Cũng có thể thực hiện trên trang web: www.rentenservice.com. Tại đó, nhấp chuột vào mục „ẩnderungsmitteilung (thay đổi địa chỉ). Lưu ý: Nếu Rentenservice der Deutsche không thể chuyên thông báo hưu trí Rentenanpassungsmittelung đến ngày 1.7 của năm, lương hưu sẽ bị ngưng trả cho đến khi người nhận liên lạc.
5.1- Di cư sang nước ngoài
Nếu chuyển sang nước ngoài sống lâu dài, sẽ không bị cắt giảm tiền lương hưu. Nhưng sẽ áp dụng ngoại lệ khi chuyển sang sống tại các quốc gia ngoài EU, những nước không có Hiệp ước Bảo hiểm Xã hội Sozialversicherungsabkommen hoặc khi tính lương hưu không chỉ mỗi xem xét thời gian đóng phí tại Đức. Do đó, trước khi di cư, nên đến cơ quan Auskunfts- und Beratungsstelle của Bảo hiểm Hưu trí để được tư vấn. Lưu ý: Hãy hỏi rõ kịp thời, để tiền hưu chuyển vào tài khoản ở nước ngoài không bị ngắt quãng.
-------------------------------------------------------
Xin lại tiền bảo hiểm hưu trí khi rời khỏi nước Đức
Xin lại bảo hiểm (rentenversicherung) chỉ cho trường hợp bạn đã đi làm có đóng thuế ở Đức và sẽ rời Đức. Trong bảng lương của bạn có khoản bảo hiểm do người lao động đóng (khoảng 9,5%) và khoản bảo hiểm do chủ lao động đóng cho bạn (cũng chừng 9,5%). Cái bạn sẽ được lấy lại là khoản bảo hiểm hưu do bạn đóng, tuy nhiên bạn chỉ có thể lấy lại được khoản này khi bạn đã rời khỏi Đức 2 năm. Nếu bạn không lấy lại khoản bạn đã đóng thì khi về hưu, bạn sẽ được nhận hưu do bạn đóng và do chủ lao động đóng.
Nếu bạn về VN thì bạn sẽ có 2 lựa chọn: 1 là lấy lại được khoản bảo hiểm này và sẽ không được hưởng lương hưu (khi bạn ngoài 65 tuổi), 2 là không lấy khoản bảo hiểm đó và sẽ được nhận lương hưu (cho dù bạn ở bất cứ nước nào) khi bạn ngoài 65 tuổi.
Nếu bạn rời Đức mà sang 1 nước khác, trong trường hợp nước này có Hiệp định về lương hưu với Đức, chẳng hạn một số nước châu Âu khác thì bạn sẽ không có lựa chọn 1 mà chỉ có lựa chọn thứ 2. Tuy vậy vẫn có cách để bạn lấy lại được khoản kia: bạn sẽ gửi hồ sơ từ VN, có chứng nhận là bạn đang sinh sống tại VN thì họ vẫn trả cho bạn như bình thường. Đó là cách mà bạn tôi đã làm và đã lấy lại được bảo hiểm hưu.
Các thông tin, application form bạn có thể hỏi qua điện thoại, email (nhớ ghi tên tuổi, mã số thuế của bạn như trong bảng lương) họ trả lời rất nhanh.
Trong trường hợp bạn đi khỏi Đức thì tốt nhất là ủy quyền cho bạn bè, người quen đang ở Đức nhận thư của Rentenversicherung. Ủy quyền này bạn cần thông báo cho Rentenversicherung qua thư hoặc email.
Nếu bạn không quen với các form, bạn có thể ký Hợp đồng với 1 văn phòng luật sư và ủy quyền cho họ xử lý các giấy tờ, họ sẽ làm cho bạn, tốn khoảng vài trăm € gì đó.
Sau khi Rentenversicherung nhận được application của bạn, họ sẽ gửi cho bạn 1 cái thư nói rõ luôn khoản tiền bạn sẽ nhận lại được là bao nhiêu, nếu bạn quyết định lấy lại bảo hiểm hưu đó thì bạn sẽ không được nhận lương hưu cho thời gian làm việc tại Đức nữa, nếu bạn thay đổi quyết định thì trong vòng 3 tháng bạn phải trả lời họ, còn nếu không thì họ sẽ automatic trả lại tiền cho bạn.
Để tránh rủi ro thì bạn chỉ nên ủy quyền nhận giấy tờ/gửi giấy tờ thôi, còn tài khoản để nhận tiền thì dùng tài khoản của bạn, Rentenversicherung sẽ chuyển trực tiếp cho bạn.
---------------------------------------
Luật pháp Đức có các quy định về chế độ tiền tuất (Witwenrente) như sau:
1. Để được hưởng trợ cấp tiền tuất phải hội đủ các điều kiện sau đây.
- Đối tượng trước khi chết đã có thời gian đi làm và có đóng năm năm bảo hiểm xã hội trở lên;
- Trước khi chết đối tượng và vợ/chồng (góa phụ) có đăng ký kết hôn hợp pháp;
- Vào thời điểm xin tiền tuất, góa phụ chưa đăng ký kết hôn với một người thứ ba
2. Khi các điều kiện nêu trên được hội đủ, pháp luật tiếp tục phân biệt các khoản trợ cấp như sau:
- Nhà nước sẽ trả 100% tiền lương hưu trong vòng ba tháng đầu tiên sau khi đối tượng chết cho góa phụ (Sterbevierteljahr). Tiền này được coi như trợ cấp mai táng và không bị đánh thuế thu nhập. Trong vòng 30 ngày sau khi đối tượng chết, góa phụ có thề ra bưu điện (Postamt/Postfiliale) xin ứng trước số tiền trợ cấp mai táng.
- Tuất lớn: ngoài trợ cấp mai táng, góa phụ sẽ được hưởng tiền tuất lớn hàng tháng (große Witwenrente) bằng 55% (60% cho các góa phụ có đăng ký kết hôn trước 01.01.2002) mức lương hưu của đối tượng khi còn sống trong các trường hợp sau:
a) Góa phụ trên 45 tuổi vào thời điểm đối tượng chết;
b) Góa phụ phải nuôi con dưới tuổi vị thành niên ( dưới 18 tuổi) vào thời điểm đối tượng chết.
c) Góa phụ không có khả năng lao động
- Tuất nhỏ: nếu không nằm trong các trường hợp nêu trên, góa phụ sẽ được hưởng tiền tuất nhỏ (kleine Witwenrente) hằng tháng bằng 25% mức lương hưu của đối tượng khi còn sống. Tiền tuất nhỏ chỉ được trợ cấp trong vòng hai năm đầu tiên sau khi đối tượng chết.
3. Các khoản trợ cấp tuất hàng tháng được coi là thu nhập và bị nhà nước đánh thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra trợ cấp tuất hàng tháng còn phụ thuộc vào các khoản thu nhập của góa phụ. Các mức trợ cấp được nêu ở trên (55%, 60% và 25%) là mức trợ cấp tối đa và chỉ dành cho các góa phụ không có các khoản thu nhập khác.
-----------------------------------
Chế độ hưu trí cho người Đức gốc Việt hồi hương khi đang nhận trợ cấp
Người Đức đóng bảo hiểm hưu trí khi về hưu có quyền lựa chọn nơi nghỉ hưu. Bảo hiểm hưu trí Đức trả tiền hưu trí hiện nay trên 150 nước cho những người được hưởng hưu trí.
Còn tiền xã hội thì chiểu theo điều § 24 luật bảo hiểm xã hội (Das Zwölfte Buch Sozialgesetzbuch – Sozialhilfe) ghi rõ:
Tiền hỗ trợ xã hội cho người Đức chỉ được chi trả cho người Đức sống ở nước Đức và không trợ cấp xã hội cho người Đức sống ở nước ngoài.
Tuy nhiên theo thống kê hiện nay nước Đức đang trả trợ cấp xã hội một cách ngoại lệ cho 959 người Đức đang sinh sống ở nước ngoài. Đây là trường hợp đặc biệt và ngoại lệ của SGB, điều § 19 Abs. 1.
Ai hồi hương có thể ra trực tiếp sở xã hội trình bày hoặc trực tiếp đệ đơn để hy vọng người thân của anh chị có cơ hội được hưởng trường hợp ngoại lệ và đặc biệt này.
Nguồn: Bùi Quang Huy/Tuantintuc
|