TÁC DỤNG CỦA NHÂN SÂM
Nhân sâm có tên khoa học là (Panax ginseng C. A. Mey.), họ nhân sâm (Araliaceae), họ (ngũ gia bì).
- Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương.Có tác dụng gây hưng phấn thần kinh.
Với liều điều trị từ 2 – 9g: làm đỡ mệt, tăng hiệu suất công tác, có khả năng rút ngắn thời kỳ phản xạ tiềm phục của thần kinh và làm nhanh sự chuyển động của thần kinh.
Với liều cao: Gây hiện tượng quá trấn tĩnh. Đây là lý do dùng quá nhiều nhân sâm vào buổi chiều tối làm khó ngủ.
- Tác dụng trên huyết áp và tim
-Nghiên cứu nước sắc và cồn Nhân sâm trên dược lý thực nghiệm thu nhận:
Nồng độ Nhân sâm thấp có tác dụng co bóp tim mạch và số lần co bóp tăng.
Nồng độ càng cao: tác dụng ức chế tim càng mạnh và hạ huyết áp. Do đó kết luận Nhân sâm có 2 hướng tác dụng lên hệ thần kinh thực vật:
Liều nhỏ có tác dụng như thần kinh giao cảm.
Liều lớn có tác dụng như thần kinh đối giao cảm (thần kinh phế vị)
-Tác dụng đối với sự sinh trưởng và phát dục của động vật.Nghiên cứu đối chiếu 2 lô súc vật thí nghiệm có dùng Nhân sâm và không dùng Nhân sâm ghi nhận, ở nhóm được uống Nhân sâm:
Trọng lượng súc vật tăng.
Thời gian giao cấu kéo dài.
Hiện tượng tình dục xuất hiện rõ rệt.
- Tác dụng đối với sức chống đỡ bệnh tật
Nhân sâm có tác dụng tăng sức đề kháng của động vật đối với bệnh Tật.Kích thích hệ thống miễn dịch làm gia tăng số lượng bạch cầu, đại thực bào và Interferon giúp cơ thể chống vi trùng và siêu vi.
- Tác dụng bảo vệ cơ thể.Giảm lượng cholesterol máu, giảm LDL-cholesterol và tăng HDL-cholesterol, giãn nở các động mạch giúp cho sự tuần hoàn khỏi bị đình trệ tắc nghẽn, giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch.
Hỗ trợ gan giúp gan giải các chất độc như rượu,…
Ngăn ngừa và bảo vệ tế bào tránh sự hủy hoại của các tia xạ, tia X quang,…
Giúp chống lão hóa cơ thể, lão hóa tế bào.
- Tác dụng đối với stress
Nhân sâm có tác dụng bảo vệ không làm thay đổi trọng lượng tuyến thượng thận, lách và tuyến giáp của chuột trong quá trình chịu đựng stress thực nghiệm. Nhân sâm có tác dụng hỗ trợ cho sự tổng hợp các Glucocorticoides và Mineralocorticoides trong tuyến thượng thận. Sử dụng liều nhỏ Nhân sâm kéo dài giúp cho chuột cống và chuột nhắt trắng gia tăng khả năng chịu đựng sự kích thích của sự thay đổi nhiệt độ thật nóng và thật lạnh liên tục.
- Tác dụng đối với chuyển hóa
Nhân sâm có tác dụng gia tăng sự tổng hợp protein và acid nucleic. Trong thực nghiệm nó làm gia tăng hoạt động của RNA polymerase trong nhân của tế bào gan chuột.
- Gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể, được xem là loại thuốc bổ toàn diện.
- Tác dụng chống lão hóa tế bào, thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp protein của tế bào mới. Do đó người xưa cho rằng sâm là vị thuốc “cải lão hoàn đồng”.
- Kích thích cơ chế miễn dịch của cơ thể, giúp chống lại bệnh nhiễm trùng, là phương thuốc phòng bệnh.
Tuy nhiên sâm không có giá trị cung cấp năng lượng và các chất liệu để bồi bổ cơ thể mà đóng vai trò một chất xúc tác vạn năng, một “điều phối viên” sẵn sàng làm nhiệm vụ điều hoà một khi các chức năng bị suy giảm, rối loạn, nhất là vào những “thời điểm nguy hiểm” để lập lại sự cân bằng, duy trì sự ổn định các chức năng của cơ thể. Vì thế người còn trẻ chưa nên dùng sâm.
-Từ xa xưa, sâm đã được sử dụng như là phương thuốc thần hiệu trị được nhiều bệnh và đứng hàng đầu trong bốn vị thuốc bổ của đông y, đó là sâm, nhung, quế, phụ.
Nhân sâm được Đông y ghi vào loại “thượng phẩm”, nghĩa là có tác dụng tốt mà không gây ra độc tính, được ghi vào đầu vị của dòng “bổ khí” với những công năng tuyệt vời: đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí... Nhân sâm được dùng để bổ khí, đặc biệt cho các trường hợp chân khí suy giảm, người mệt mỏi, vô lực, mới ốm dậy, trẻ em chậm lớn. Tăng cường sinh lý, tăng khả năng hồi phục cho mọi hoạt động cơ thể.
CÁC LOẠI SÂM
Nhân sâm có nhiều loại khác nhau tùy theo nơi khai thác, nguồn gốc địa lý và cách chế biến. Cho đến nay, sâm Triều Tiên (Cao Ly sâm) vẫn được coi là tốt hơn cả, trong đó hồng sâm (loại to nặng trên 37 g, cắt bỏ rễ râu, chế biến sao tẩm với các phụ gia khác rồi đem chưng cách thủy, sấy khô và đóng vào hộp gỗ) là tuyệt vời nhất.Người ta đã thử lấy giống sâm Hàn Quốc đi trồng ở nơi khác với cấu tạo đất và điều kiện khí hậu tương đương (sâm Hoa kỳ) nhưng vẫn không có được sản phẩm tốt tương đương.
Sâm tốt là nhân sâm Triều Tiên (Panax Ginseng C.A.Meyer) được thu hái từ năm thứ sáu, khi hái không làm rễ bị đứt. Hai loại nổi tiếng nhất là:
- Hồng sâm: là những củ sâm to nhất, màu trắng ngà còn nguyên rễ nhỏ, màu đẹp, giống hình người (vì thế có tên là nhân sâm). Hồng sâm lại chia làm nhiều loại theo trọng lượng.
- Bạch sâm là sâm tốt nhưng không đạt tiêu chuẩn như hồng sâm.
Ngoài ra còn có sâm của nhiều nước khác trên thế giới như Liên xô (cũ), Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa kỳ… Tại Việt Nam, có hai loại sâm được sắp vào loại sâm thật, đó là sâm Việt Nam (Panax Vietnamensis) còn gọi là sâm K5 và sâm Tam thất (Panax pseudogingseng) mà các sản phẩm đặc chế từ hai loại sâm này đang được nhiều người tín nhiệm.
CÁC DẠNG THUỐC SÂM
Ngoài sản phẩm hàng đầu là sâm củ, Hàn quốc tận dụng thế mạnh để sản xuất nhiều dạng thuốc chứa sâm như sâm lát (ngậm hoặc pha trà), trà sâm (hoà tan), thuốc bổ đa sinh tố kết hợp với sâm, rượu bổ sâm… Ngoài ra còn có các thức ăn bổ dưỡng (health food) chứa sâm.
Việt Nam cũng khai thác rất nhiều các loại thuốc chứa sâm như sâm nhung đại bổ, sâm qui tinh, đại bổ trường sinh tửu, sâm kỳ bá bổ tinh, sâm nhung kiện lực….
NHỮNG VỊ THUỐC MANG TÊN SÂM
Trên thị trường có rất nhiều dược liệu mang tên sâm nhưng thật ra không mang những dược tính của sâm và thường được dùng như là thuốc bổ trong y học dân tộc.
- Đảng sâm: thuộc họ hoa chuông (Camparulaceae) trong khi nhân sâm thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae), được xem là có thể thay thế nhân sâm nhưng giá lại rẻ.
- Sâm bố chính: thuộc họ bông vải (Malvaceae) có rễ giống hình người dễ nhầm với nhân sâm.
- Thổ cao ly sâm: thuộc họ rau răm (Fortulacaceae).
- Huyền sâm, sa sâm….
Nhìn chung có rất nhiều vị thuốc mang tên sâm nhưng lại thuộc nhiều họ thực vật khác nhau, có thể có củ giống hình người như nhân sâm nhưng tính chất dược lý không giống hoặc chỉ giống một phần…
CÁCH CHỌN VÀ NHẬN BIẾT NHÂN SÂM
Người bán thường tìm cách làm nhân sâm giả hoặc nhân sâm kém chất lượng rồi trộn với sâm thật, sâm tốt để kiếm lời.
Căn cứ vào nguồn khai thác, có thể chia làm 2 loại là dã sơn sâm (mọc tự nhiên, còn gọi là sâm rừng), nguyên sâm (được gieo trồng, còn gọi là sâm vườn).
Căn cứ vào nguồn gốc địa lý thì có sâm Trung Quốc (cát lâm sâm, liêu sâm), sâm Triều Tiên, Nhật Bản (Cao Ly sâm), sâm Mỹ (Tây Dương sâm), sâm Việt Nam (Ngọc Linh sâm)...
Căn cứ vào cách thức chế biến thì có sinh sái sâm (loại để nguyên vỏ, rửa sạch đất cát rồi phơi khô), đại lực sâm (khi chế biến có nhúng vào nước sôi vài phút rồi lấy ra phơi khô), hồng sâm (loại bỏ rễ, râu sấy khô mà thành, còn gọi là thạch trụ sâm), bạch sâm (loại ngâm tẩm trong nước đường đặc, còn gọi là đường sâm), cáp bì sâm (trước tiên ngâm trong nước sôi, sau đó ngâm trong nước đường loãng)... Ngoài ra, còn có sâm trà, sâm lát, sâm viên nang..., tùy theo công nghệ bào chế.
Bên cạnh những phẩm chất và công dụng chung, mỗi loại nhân sâm lại có những đặc tính và năng lực riêng.
Nhận biết nhân sâm rừng
Nhân sâm rừng thường đắt và tốt hơn nhân sâm trồng. Đây là loại sâm mọc hoang, chất lượng tốt. Rễ ngắn và thô, dài bằng hoặc ngắn hơn thân rễ một chút, thường có hai nhánh rễ chính, trông giống hình người, đầu trên có đường vằn ngang nhỏ và sâu, thân rễ nhỏ dài, thường từ 3-9 cm, phần trên uốn khúc gồ ghề, quen gọi là “rễ cổ nhọn”. Bát rễ dày đặc, phía dưới không có mắt rễ và khá trơn bóng, thường gọi là “rễ tròn”. Rễ râu thưa thớt, dài gấp 2 lần rễ chính, dai, khó bẻ gãy, có nốt sần nổi lên rất rõ, được gọi là “trân châu điểm” hay “hạt trân châu”.
Vì hai loại có hình dáng giống nhau nên người ta hay lấy sâm trồng giả mạo là sâm rừng. Cách phân biệt:
- Đầu rễ của sâm trồng hơi ngắn, bát rễ tương đối ít. Đầu rễ sâm rừng nhỏ dài, bát rễ sâu và dày, đầu rễ cong hình giống cổ nhọn, có rễ tròn.
- Thân của sâm trồng dài, phần vai có các vằn ngang hơi thưa, nông, không liên tục. Thân sâm rừng giống như thân hoàng tinh, dài bằng hoặc ngắn, nhỏ hơn, đầu rễ vằn, chỗ vai nhỏ mà sâu, màu đen, phần nhiều có hình xoáy ốc liên tục.
- Vỏ sâm trồng ráp và xốp giòn, còn vỏ sâm rừng mịn và chắc.
- Thân sâm trồng tương đối nhiều, thường từ 3 nhánh trở lên, trên dưới to nhỏ không đều. Thân sâm rừng chỉ có 1-2 nhánh, rất ít gặp loại có 3 nhánh.
-Râu sâm trồng không có nốt sần, hoặc có nhưng không rõ. Râu sâm rừng dài, dai và có nốt trân châu rõ.
Hồng sâm
Là loại sâm được chế biến bằng cách: chọn củ to, thường nặng 37 g, rửa sạch đất cát, cho vào nồi chưng chín trong khoảng 2 giờ, sau đó sấy hoặc phơi khô. Sau khi chế biến thì tinh bột có trong rễ đã chín, khi khô có thể trong suốt như sừng, màu hồng, mùi thơm, vị ngọt hơi đắng. Thân sâm hình thoi hoặc gần như hình trụ, phần trên và dưới thót lại. Đầu sâm (tức cổ rễ) đôi khi nom như có vết sẹo của thân, rễ có thể phân nhánh trông như cánh tay, phần dưới có 2 hoặc 3 nhánh trông như chân. Toàn bộ củ sâm trông giống hình người nên gọi là nhân sâm.
Hồng sâm Triều Tiên có hình trụ hoặc hình vuông tròn, rễ thô ngắn, dài 1,5-2 cm, đường kính trên dưới gần bằng nhau, phần lớn là đơn nhánh và rất ít rễ phụ, màu nâu đỏ hơi đục. Hồng sâm Trung Quốc bề mặt trong mờ, màu nâu hồng, thỉnh thoảng có đốm màu nâu sẫm đục, có khía dọc, vân và vết rễ nhỏ, phần trên có các vân tròn.
Hồng sâm Nhật Bản rễ hơi nhỏ hơn rễ sâm Triều Tiên, phần trên thường có màu vàng, vỏ ráp, đoạn giữa và dưới to thô hơn đầu trên, rễ phụ ngắn, thót lại, nhìn chung hình thể và màu sắc nằm giữa hồng sâm Triều Tiên và hồng sâm Trung Quốc.
Bạch sâm
Những củ sâm không đủ tiêu chuẩn để làm hồng sâm thì được chế thành bạch sâm. Củ sâm được rửa sạch đất cát rồi nhúng vào nước sôi vài phút, sau đó tẩm đường vài ngày rồi phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ không quá 60 độ C. Dược liệu đã chế biến có màu trắng ngà, mềm, thường có tinh thể đường bám ngoài mặt. Mặt cắt ngang có màu trắng ngà, vằn hình tia, xốp, mùi thơm, vị ngọt. Rễ chính hình trụ, mập và ngắn, phần đỉnh có thân rễ dài nhỏ, phía trên nó có các chỗ lõm hình xoáy trôn ốc đan xen nhau, tuổi đời càng lâu thì thân rễ càng dài. Bên cạnh thân rễ thường mọc một hoặc vài sợi rễ. Đầu trên của rễ chính có vằn dày, phía dưới thường phân nhánh.
Tây Dương sâm
Loại sâm này chủ yếu được nhập từ các nước như Mỹ, Canada và Pháp, có công dụng khá tốt và được người tiêu dùng ưa chuộng. Bởi vậy, gian thương thường dùng sâm nội để giả mạo làm Tây dương sâm kiếm lời.
Đặc điểm nhận dạng: Thân chính có hình trụ hoặc hình thoi, nặng, chất cứng. Bát rễ có đốt rõ. Vỏ có vằn ngang hoặc có nốt sần lỗ nông và các vằn dọc nông nhỏ chi chít. Vỏ chỗ mặt cắt ngang có thể thấy các vạch nhựa có dạng chấm nâu vàng, tạo thành từng lớp vằn rõ. Mặt ngoài có màu vàng nhạt hoặc màu vàng gạo, mặt cắt phẳng, màu trắng ngà, hơi bột. Vị hơi đắng, khi nhai có cảm giác hơi hăng đắng và có mùi thơm mát đặc trưng của Tây Dương sâm.
Nhận biết nhân sâm giả
Nhân sâm giả thường được làm từ đậu đũa dại, sâm đất, thương lục, niễng rừng và hoa sơn sâm, trong đó sâm đất và thương lục hay được dùng nhất. Cách nhận biết:
Sâm đất có hình nón hoặc hình thoi, phân ra nhiều nhánh, dài khoảng 15-20 cm, đầu đỉnh là gốc sót lại của rễ. Khi chưa gia công, bề mặt có màu đen nâu, thô ráp, nhiều vằn. Sau khi đã gia công, bề mặt có vằn rúm màu vàng nâu, thô ráp, chất giòn, dễ bẻ gãy, có chất keo trong mờ, vị ngọt.
Thương lục có hình trụ, đầu trên khá giáp, xuống dưới nhỏ dần, dài khoảng 20 cm, mặt ngoài có màu nâu vàng hoặc nâu đen, đỉnh rễ có gốc sót, chất dai dẻo, khó bẻ gãy. Mặt cắt có màu nâu vàng đến nâu đen, không phẳng, có mùi tanh, vị đắng và cay chua.
BẢO QUẢN NHÂN SÂM
- Nhân sâm muốn không bị mốc, mọt, có thể dùng mật ong đổ ngập, cất trong lọ kín. Cách này giúp vị thuốc không biến chất. Muốn bảo quản được lâu, trước hết phải làm khô bằng cách rang hoặc sấy ở nhiệt độ 60 đến 80 (khoảng 40 phút đến 1 giờ) rồi cho vào lọ để bảo quản. Sau đó thường kỳ 15 hay 20 ngày, kiểm tra nếu thấy ẩm (lắc kêu không ròn) phải thay chất hút ẩm mới hoặc làm khô trở lại chất hút ẩm (có thể rang gạo đến vàng làm chất hút ẩm).Cách bảo quản này có nhược điểm là khi quên kiểm tra, quên thay chất hút ẩm thì sâm sẽ bị mốc mọt.
- Cắt nhỏ nhân sâm thành từng miếng: nhỏ nhất khoảng 1 gam, to nhất khoảng 3 gam. Vì liều dùng nhân sâm từ 1-4 gam/1 lần.
- Xếp các miếng nhân sâm vào lọ rộng miệng, sạch, khô có nắp đậy kín...
- Đổ mật ong (loại tốt không lẫn nước) ngập miếng sâm rồi đậy nắp lại (phòng kiến gió chui vào).
Khi cần dùng, lấy kẹp hoặc đũa sạch gắp miếng sâm ra.Làm cách này, có thể để cả năm nhân sâm cũng không bị hỏng.Người bệnh tiểu đường cũng dùng được mật ong với liều không quá 10 gam mật ong/lần.
Chú ý: Nhân sâm trong hộp sắt hàn kín cũng có hộp không kín (tuy tỷ lệ rất ít) nhân sâm ở hộp này cũng bị mốc. Vì vậy mua về nên bảo quản ngay theo phương pháp dùng mật ong nêu trên.
LƯU Ý KHI DÙNG SÂM
- Không cứ sâm mà cái gì cũng vậy, “bổ” không có nghĩa là “không bổ ngang thì cũng bổ dọc” với tất cả mọi người ai cũng như ai, bởi dùng không cẩn thận có người sẽ “bổ ngửa” chứ chẳng chơi.
Theo Đông y, nhân sâm thường kết hợp với một vài bài thuốc làm thức ăn bổ dưỡng cho người huyết áp thấp để làm tăng huyết áp. Vì vậy người cao huyết áp cũng như những người trẻ tuổi cần thận trọng khi sử dụng nhân sâm.
- Theo Đông y, sâm có tính hàn (lạnh). Vì vậy, những người yếu do “cảm mạo phong hàn”, đau bụng do “lạnh bụng”… không được cho dùng nhân sâm. Dân gian đã có câu chuyện về ông thầy lang đọc sách thuốc không đến nơi đến chốn và “phúc thống phục nhân sâm…” (“đau bụng cho uống nhân sâm…”) khiến bệnh nhân “tắc tử” – để cảnh báo chúng ta cũng là vì lẽ vậy.“Phúc thống phục nhân sâm tắc tử” (đau bụng uống nhân sâm sẽ chết).
- Núm rễ của củ sâm (còn gọi là lô sâm). Để giữ được các hoạt chất khi chế biến và để tạo dáng cho nhân sâm (giống như cái đầu người),người ta đã giữ nó lại. Lô sâm, không có tác dụng bổ mà còn gây ra cảm giác buồn nôn. Do đó cần cắt bỏ đi, trước khi sử dụng.
Bốn điều kiêng kị khi dùng nhân sâm
1.- Không được dùng đồ kim loại để nấu nhân sâm
Dùng nồi kim loại nấu nhân sâm sẽ làm chất kim loại hòa tan với nhân sâm thành 1 loại độc dược hay có thể triệt tiêu chất bổ của nhân sâm.
2.- Không uống trà chung với nhân sâm
Trà có duợc chất chống với nhân sâm nên vô hiệu hoá bổ dưỡng của nhân sâm. Vì vậy muồn uống trà thì phải uống 2 thứ cách nhau ít nhất 2 hay 3 tiếng đồng hồ.
3. Không dùng quá nhiều
Do nghĩ rằng nhân sâm là thuốc bổ, dùng càng nhiều càng tốt. Việc lạm dụng nhân sâm có thể đưa đến nhiều hậu quả nguy hiểm và phản tác dụng.
4. Sau khi uống sâm, không nên ăn củ cải và đồ biển
Tất cả các loại củ cải (đỏ, trắng, xanh...) và hải sản đều là cấm kỵ sau khi bạn uống nhân sâm. Theo y học cổ truyền, củ cải và đồ biển đại hạ khí, còn nhân sâm đại bổ khí, hai thứ triệt tiêu lẫn nhau, gây hại cho người sử dụng.
CÁCH DÙNG:
1) Hầm với gà: Ngâm 50gr củ sâm vào nước sôi để nguội khoảng 60 phút, sau đó thái lát mỏng. Gà ta, bỏ hết ngũ tạng, sau đó cho sâm đã thái lát và 100gr gạo nếp vào trong con gà, hấp cách thủy trong vòng khoảng 60 phút, sau đó mang ra dùng. Mỗi tháng một người chỉ nên dùng từ 3 - 4 lần, để cơ thể có thể hấp thụ hết.
2) Ngâm với mật ong: Ngâm sâm vào nước sôi để nguội 60 phút, sau đó thái lát và ngâm với mật ong nguyên chất. Sau khoảng 30 ngày thì mang ra dùng. Mỗi ngày dùng 2-3 lẫn với trọng lượng khoảng 5 -6 gr mỗi ngày.
3) Hấp cách thủy: hồng sâm thái lát, rồi hầm cách thủy và ăn vào các buổi sáng.
- Có thể cắt lát, ngậm, nhai cả nuốt cả bã, hãm với nước sôi, chưng mật ong, hầm với gà….Trẻ em và phụ nữ có thai không nên dùng!
- Hấp cách thủy, cắt nhỏ từng viên cỡ đầu ngón tay, nhai vào mỗi buổi sáng.
- Có thể ngâm những viên này với rượu hoặc mật ong nguyên chất sẽ mềm và dễ ăn hơn. Mật ong sau khi ngâm với hồng sâm thì dùng để uống với trà lipton vừa ngon vừa bổ dưỡng. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần từ 3- 6 g trước bữa ăn.
4) Người lớn, có thể dùng riêng, ngày 6 - 8g, dưới dạng thuốc hãm, thuốc sắc, hoặc phối hợp với các vị thuốc khác: nhân sâm 8g; bạch truật, bạch linh, cam thảo, mỗi vị 4-6g, ngày một thang, uống liền 2-3 tuần lễ.
Cũng có thể sử dụng dưới dạng rượu sâm (40g sâm, thái lát mỏng ngâm trong 1 lít rượu trắng 30-35 độ trong 3 - 4 tuần là có thể dùng được. Tiếp tục ngâm lần 2 với 0,5 lít rượu trong 2-3 tuần lễ nữa). Ngày có thể dùng 2 – 3 lần, mỗi lần 30 -50ml. Uống trước các bữa ăn, hoặc vào các buổi tối.
-Với trẻ em gầy còm chậm lớn, yếu mệt, biếng ăn, có thể dùng với lượng nhỏ hơn, 2 - 4 g/ngày, dưới dạng thuốc hãm.
Cách dùng nhân sâm với mật ong
Công thức 1: Nhân sâm 500 g, mật ong 250 g, nhân sâm thái vụn sắc kỹ 3 lần, sau đó bỏ bã, hòa với mật ong rồi cô đặc thành dạng cao đặc, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15 g.Công dụng: diên niên ích thọ, rất thích hợp cho người già cần bồi bổ sức khỏe để kéo dài tuổi thọ.
Công thức 2: Nhân sâm 3 g, mật ong 15 g, nhân sâm thái vụn sắc kỹ lấy chừng 200 ml (bã thuốc có thể nhai nuốt, sau đó cho mật ong vào hòa đều, chia uống vài lần trong ngày.Công dụng: bổ khí đề tỉnh thần, tráng dương hưng dục, diên niên ích thọ, dùng làm thuốc bồi bổ cho những người suy nhược cơ thể, nam giới liệt dương, suy giảm khả năng tình dục, xuất tinh sớm, di tinh...
Công thức 3: Nhân sâm tươi 30 g, sữa bò 150 g, lê tươi 500 g, mật ong 120 g. Nhân sâm thái vụn, sắc kỹ 3 lần, bỏ bã lấy nước cốt; lê gọt vỏ bỏ hạt, rửa sạch, ép lấy nước; đổ mật ong, sữa bò, nước lê và dịch chiết sâm vào nồi, cô bằng lửa nhỏ thành dạng cao đặc, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 g.Công dụng: bổ khí dương âm, thanh phế nhuận táo, dùng đặc biệt tốt cho những người bị bệnh đường hô hấp thể Khí âm lưỡng hư biểu hiện bằng các triệu chứng mệt như mất sức, khó thở, dễ bị cảm mạo, hay vã mồ hôi, ho khan ít đờm, môi khô miệng khát, hoa mắt chóng mặt, hay có cảm giác sốt về chiều, lòng bàn tay bàn chân nóng, tai ù tai điếc, đại tiện táo...
Công thức 4: Nhân sâm 5 g, hạnh đào nhân 50 g, mật ong 300 g. Nhân sâm thái vụn, hạnh đào nhân sao thơm tán vụn, hai thứ đem sắc thật kỹ lấy nước rồi hòa với mật ong, cô bằng lửa nhỏ thành dạng cao đặc, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 g với nước ấm.Công dụng: bổ nguyên dương, làm đen râu tóc, phòng chống rụng tóc, chuyên dùng bồi bổ cho những người thể lực suy yếu, thị lực giảm sút, râu tóc sớm bạc, rụng tóc nhiều...
Công thức 5: Nhân sâm 100 g, can khương 100 g, cam thảo 150 g, bạch truật 150 g, phụ tử chế 100 g, mật ong 650 g. Các vị thuốc sấy khô, tán bột, luyện với mật ong thành viên hoàn, mỗi viên 7 g, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên với nước ấm.Công dụng: đại bổ nguyên khí, ôn vị tán hàn, chuyên dùng bồi bổ và trị liệu cho những người bị bệnh lý dạ dày - đại tràng thuộc thể hư hàn, biểu hiện bằng các triệu chứng, mệt như mất sức, bụng lạnh đau âm ỉ, chườm nóng thì đỡ đau, buồn nôn và nôn ra nước trong, đại tiện lỏng nát, sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt nhợt nhạt, chất lưỡi nhợt...
Công thức 6: Nhân sâm 30 g, sinh địa tươi 320 g, bạch linh 60 g, mật ong 400 g. Nhân sâm và bạch linh sấy khô tán bột, sinh địa rửa sạch, giã nát, ép lấy nước, sau đó cho tất cả vào nồi cô bằng lửa nhỏ thành dạng cao đặc, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 g.Công dụng: tư âm nhuận phế, ích khí bổ tỳ, chuyên dùng để bồi bổ cho những người bị bệnh đường hô hấp, suy nhược thần kinh, thiểu năng tuần hoàn não, di tinh, liệt dương thuộc thể Khí âm lưỡng hư.
Công thức 7: Nhân sâm tươi (loại được bảo quản trong túi nilông đã hút chân không) 30 g, mật ong lượng vừa đủ. Nhân sâm giã nát, ép lấy nước rồi hòa với mật ong, chia uống 2 lần trong ngày, bã có thể hãm với nước sôi uống thay trà.Công dụng: đại bổ nguyên khí, nhuận táo sinh tân, thường được dùng làm nước uống tăng lực cho những người có thể chất suy nhược. Công thức này cũng có thể gia thêm lê 1 quả, táo (loại to nhập từTrung Quốc) 1 quả, cà rốt 1 củ, tất cả rửa sạch, ép lấy nước uống để làm đồ giải khát, tăng lực và cải thiện làn da cho phụ nữ.
Công thức 8: Nhân sâm 30 g, bào thai hươu 1 bộ, bạch truật 30 g, bạch linh 30 g, cam thảo 30 g, đương quy 30 g, xuyên khung 30 g, bạch thược 30 g, thục địa 30 g, mật ong lượng vừa đủ. Các vị thuốc đem sắc thật kỹ, lấy nước hòa với mật ong rồi cô thành dạng cao đặc, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20 g.Công dụng: bổ ích khí huyết, điều kinh trợ thai, dùng làm thuốc để bồi bổ sức khỏe, đặc biệt tốt cho những phụ nữ muộn con do tử cung lạnh.
Một số bài thuốc trợ dương có nhân sâm:
Bài 1: Nhân sâm, nhung hươu, nhục quế mỗi thứ 6g, kỷ tử, thục địa, sơn thù nhục, ba kích, dương khởi thạch mỗi thứ 10g; dâm dương hoắc 15g, hoàng kỳ 30g, cam thảo sao 3g. Nhân sâm và nhung hươu sấy khô, tán bột, chia uống 2 lần (sáng, chiều) với nước ấm. Các vị khác sấy sắc kỹ lấy nước cốt, chia uống 2 lần trong ngày.Bài thuốc này có công dụng bổ thận, ích tinh, thích hợp cho những người suy giảm tình dục kèm theo các triệu chứng: tai ù, sức nghe giảm, hay hoa mắt, chóng mặt, dễ mệt mỏi, sắc mặt nhợt, lưng gối mỏi...
Bài 2: Nhân sâm, nhục quế, bạch thược, cam thảo (sao), hoàng kỳ, đương quy, xuyên khung, bạch truật, bạch linh, thục địa lượng bằng nhau. Tất cả đem sấy khô, tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 15g (chia 2 lần) với nước sắc của 2 quả đại táo và 3 lát gừng tươi, uống khi bụng đói.Bài này có công dụng ích khí, dưỡng huyết, ôn dương bổ tinh, thích hợp cho người bị suy giảm tình dục kèm theo các triệu chứng: mệt mỏi, mất sức, sắc mặt nhợt nhạt, hay khó thở, hoa mắt, chóng mặt, dễ hồi hộp, ăn kém, đại tiện lỏng loãng...
Bài 3: Nhân sâm, bạch linh, bạch thược, nhục quế, bạch truật, ngũ gia bì mỗi thứ 30g, cam thảo (sao) 15g, bào khương 6g. Tất cả sấy khô, tán bột đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g (khi bụng đói) với nước sắc 3 quả đại táo và 2 lát gừng tươi.Bài này thích hợp cho những người bị suy giảm tình dục kèm theo các triệu chứng: mệt mỏi do lao lực quá độ, lưng gối đau mỏi, tứ chi gầy yếu, hay đau bụng dưới, ngủ kém, hay mê mộng...
Bài 4: Nhân sâm, nhung hươu, ba kích, phúc bồn tử, dâm dương hoắc mỗi thứ 50g. Tất cả sấy khô, tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g với nước muối nhạt.Bài thuốc này có công dụng bổ thận, tráng dương, dùng cho người bị suy giảm tình dục kèm theo các triệu chứng: lưng gối mỏi đau, đầu choáng, hoa mắt, tinh thần bạc nhược, sắc mặt trắng nhợt, sợ lạnh, chân tay lạnh, ăn kém đại tiện lỏng loãng...
Bài 5: Nhân sâm 30g; viễn chí, sinh toan táo nhân, đương quy, bạch thược mỗi thứ 60g, sa nhân 75g, bạch truật, hoài sơn, thần khúc mỗi thứ 90g; bạch linh, thỏ ty tử mỗi thứ 120g, sài hồ 15g, cam thảo (sao) 10g. Tất cả sấy khô, tán bột đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g với nước ấm, uống khi bụng đói.Bài thuốc này có công dụng dưỡng tâm, kiện tỳ, bổ khí huyết, cố thận khí, thích hợp với người bị suy giảm tình dục có các triệu chứng như: xuất tinh sớm hoặc di tinh, đầu choáng, mắt hoa, mệt như mất sức, hay hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, ăn kém, mất ngủ...
Bài 6: Nhân sâm, nhung hươu mỗi thứ 50g, dâm dương hoắc 100g, hà thủ ô chế và đỗ trọng mỗi thứ 200g, tử hà sa 250g, thục địa và quy bản mỗi thứ 300g. Tất cả sấy khô, tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g với nước sôi để nguội; uống khi bụng đói.Bài thuốc này có công dụng tráng dương, bổ thận, bổ khí, dưỡng huyết, thích hợp với người bị suy giảm tình dục có các triệu chứng lưng gối đau mỏi, tinh dịch lạnh loãng, đầu choáng, mắt hoa, tinh thần mỏi mệt, di tinh, liệt dương...
Bài 7: Nhân sâm 3g, chim sẻ 2 con, phúc bồn tử, thỏ ty tử, kỳ tử mỗi thứ 10g, ngũ vị tử 5g, gạo tẻ 100g, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Chim sẻ làm sạch, bỏ nội tạng đem nấu với gạo và gừng tươi thành cháo. Các vị thuốc khác sấy khô, tán thành bột rồi hoà với cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.Món ăn này giúp tráng dương, bổ thận. Trong đó, chim sẻ có công năng tráng dương, nâng cao năng lực tình dục; các vị thuốc có tác dụng bổ thận, ích tinh. Dùng cho những người bị suy giảm tình dục có các triệu chứng mệt mỏi nhiều, lưng gối đau mỏi, đầu choáng, mắt hoa, xuất tinh sớm....Lưu ý: Tất cả các bài thuốc trên chỉ dùng cho người bị suy giảm tình dục thuộc thể thận dương hư nhược. Không dùng cho bệnh nhân thể thận âm hư nhược; biểu hiện là: môi khô, miệng khát, lòng bàn tay và chân nóng, ngực bồn chồn không yên, đại tiện táo kết, tiểu tiện vàng đỏ....
Phạm Hoành tổng hợp
|