Gà sao -

GÀ SAO 

ga-sao

Kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi gà sao.

KINH NGHIỆM VÀ KỸ THUẬT CHĂN NUÔI GÀ SAO

Phần 1: ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

1. Nguồn gốc:
Gà sao bắt nguồn từ gà rừng và có tên khoa học là Bam busicola, thường sinh sống ở những khu rừng mưa nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, hiện có ở Thái Lan, Trung Quốc, một số nước ĐNÁ, châu Á và nam châu Phi. Qua quá trình lai tạo và thuần hóa đến nay gà sao đã được người chăn nuôi áp dụng nuôi theo mô hình trang trại rất thành công và đạt được hiệu quả kinh tế cao.

2. Ngoại hình:
Gà sao trên đầu có một mấu sừng, hai tích to ở dưới vòm miệng và bộ lông có màu sám đen đốm trắng tròn nhỏ tạo thành những đường kẻ sọc chạy từ đầu đến đuôi khá đẹp nên người ta gọi là gà sao. Thân hình thoi, lưng hơi gù, đuôi cúp, da mặt và phần trên cổ gà sao không có lông mà chỉ có lớp da trần mầu xanh da trời, dưới cổ có yếm thịt mỏng, đặc biệt con trống không có cựa và không biết gáy.

3. Giới tính:
Việc phân biệt trống, mái đối với gà sao lúc còn nhỏ (nhỏ hơn 90 ngày tuổi) rất khó khăn. Gà sao một ngày tuổi phân biệt qua lỗ huyệt không chính sác như các loại gà khác mà phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nuôi lúc gà trưởng thành.

- Con mái kêu tiếng kép, con trống kêu tiếng đơn.

- Phân biệt qua lỗ huyệt.

- Con trống thường cao hơn con mái, mào tích hướng về phía trước và lúc thả gà từ trong chuồng ra ngoài sân chơi con trống thường xù lông hướng chạy lao về phía trước tựa Công hoặc Đà Điểu.

4. Tập tính của gà Sao:
Trong chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gà Sao vẫn còn giữ lại một số bản năng hoang dã của núi rừng như: Nhút nhát, dễ sợ hãi, hay cảnh giác, rất thích bay và bay giỏi ở giai đoạn trưởng thành.

Gà Sao sống theo bầy đàn và rất nhạy cảm với những tiếng động lạ xuất hiện bất ngờ, thậm chí lúc còn nhỏ gà Sao sợ cả bóng tối nên khi mất điện chúng thường dồn đống lên nhau, đến khi có điện hoặc ánh sáng khác chúng mới trở lại hoạt động bình thường.

Trong chăn nuôi chúng ta cần chú ý để tránh stress liên tục đối với chúng. Gà Sao rất thích kêu nhất là khi bay chúng phát ra tiếng kêu khá ồn ào.

Gà Sao rất linh hoạt nên rất ít mổ cắn nhau, tuy nhiên chúng rất thích những vật lạ như dây cao su, sợi nilon, dây dù, dây cước,...thậm chí cả nền tường trong chuồng trại, nên người nuôi cần chú ý hạn chế khắc phục để tránh không làm tổn thương đến vòm miệng, niêm mạc của chúng.

Gà Sao rất thích tắm nắng, chúng thường tắm nắng vào buổi sáng từ 9 giờ đến 12 giờ trưa, buổi chiều từ 15 giờ ÷ 16 giờ 30 nên khi xây dựng chuồng trại ta nhất thiết phải thiết kế xây dựng sân chơi cho chúng và có các hố cát để gà tắm nắng.

Gà Sao giao phối vào sáng sớm và đẻ trứng vào 9 giờ sáng đến 14 giờ chiều vào mỗi ngày. Đối với con mái khi đẻ trứng không cục tác, riêng con trống không cất tiếng gáy như gà ta.

5. Đặc điểm nổi bật của gà Sao:
Gần đây gà Sao được người tiêu dùng yêu thích bởi chất lượng thịt rất thơm ngon và bổ dưỡng, nhất là giới thượng khách coi đây là món đặc sản chủ yếu mới xuất hiện ở các nhà hàng, khách sạn và các quán ăn sang trọng ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ...

Với những đặc tính ưu việt của loại gà này như: dễ nuôi, tỷ lệ nuôi sống cao, sức đề kháng tốt, miễn dịch với cúm A H5N1, nhanh lớn, thức ăn đa dạng dễ kiếm chính vì vậy mô hình trang trại chăn nuôi gà sao đang được bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến khích nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

6. Nhược điểm:
Gà Sao bay rất giỏi ở lứa tuổi từ 1 đến 5 tháng tuổi nên trong thiết kế xây dựng chuồng trại ta cần sử dụng lớp lưới dù hoặc lưới cước để chống bay ra ngoài, khó quản lý dễ mất mát.

Gà Sao thường kêu to khá ồn ào nên khi xây dựng chuồng trại cần một khoảng cách tối thiểu 25m cách xa nhà dân, trường học, khu đô thị ,...

Phần 2: CƠ SỞ HẠ TẦNG - CHUỒNG TRẠI

1. Địa điểm làm truồng trại:
Chọn nơi cao ráo thoáng mát để xây dựng chuồng trại, gần ao hồ càng tốt nhưng phải đảm bảo an ninh và đường sá đi lại thuận tiện giao thông không gặp trở ngại.

Có thể sử dụng chuồng heo, trâu bò, gà vịt khác,... để tận dụng sửa chữa quy hoạch lại để giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu.

2. Xây dựng chuồng trại:
Đổ trụ kết hợp cột bê tông có các móc thép trên cột để liên kết thép lưới B40 thay vì xây tường chuồng, xây móng chuồng sâu 30 cm âm và cao 30 cm dương liền trụ, nền chuồng láng xi măng từ 2 ÷ 3 cm (không láng bóng).

Mái lợp sử dụng tấm brô ximăng  hoặc tranh, rơm càng tốt. mùa đông ta mua bạt phủ kín chuồng và thông hơi thường xuyên, mùa hè cuốn bạt nên để chuồng đảm bảo thoáng mát. Trong chuồng nên bố chí một ngách nhỏ có diện tích từ 3 ÷ 5m2 để mỗi khi bắt gà xuất chuồng hoặc bắt gà phân chọn được dễ dàng.

Mỗi gian chuồng được bố chí một bóng đèn từ 60w ÷ 100w để thắp sáng trong các trường hợp: trời mù sương, trời mưa, chiều muộn hoặc cho gà ăn buổi tối...

Hệ thống nước sạch được bố trí bên ngoài chuồng nhưng gần với cửa chuồng để thuận tiện cho việc vệ sinh máng ăn, uống, và cung cấp nước sạch cho gà uống nước.

3. Sân chơi (Hành lang):

Gà Sao rất linh hoạt chính vì vậy nhất thiết khi xây dựng chuồng trại phải kết hợp thiết kế sân chơi liền kề chuồng.

Hàng rào sân chơi được chôn các cọc bê tông có móc thép để liên kết thép lưới B40 cao 1,8m hoặc lưới cước, lưới khác...

Trên nóc sân chơi được phủ kín một lớp lưới dù từ mái chuồng đến hàng rào sân chơi để chống bay, quản lý theo hướng công nghiệp.

Nền sân chơi được trồng cây xanh lấy bóng mát, xen kẽ các cây trồng ta bố chí các hố cát có đường kính từ 1,0 ÷ 1,2m, sâu 30 cm đổ đầy cát để gà tắm nắng, việc tắm cát như vậy giúp gà loại bỏ được kí sinh trùng, mò mạt. Sân chơi cũng là nơi ta cho gà ăn thức ăn sơ như: rau, bèo, cỏ, chuối...

4. Những điểm cần lưu ý:

- Trước khi thả gà vào chuồng ta phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị, thức ăn chăn nuôi... đặc biệt là tính toán số lượng gà giống phù hợp với diện tích chuồng ở theo công thức:

1,0 m2 chuồng ở + 2,0 m2 sân chơi = 5 ÷ 6 con gà nuôi thịt thương phẩm.

- Khi bắt gà xuất chuồng hoặc trong quá trình nuôi có mục đích phân chọn, tách chuồng ta cần lưu ý không lùa bắt những con gà cần bắt khi tổng số đàn ở cùng một chuồng mà phân tách một số lượng gà không quá 20 con lùa vào một ngách chuồng để bắt những con cần bắt rồi đuổi số gà không cần bắt sang ngăn chuồng khác, tiếp tục lùa một số gà tương tự như lần bắt thứ nhất để bắt những con gà cần bắt. Tránh trường hợp để nguyên tổng số đàn gà trong một chuồng để bắt sẽ xảy ra trường hợp gà đè lên nhau làm chết những con nằm dưới.

Phần 3: KỸ THUẬT CHĂN NUÔI

I. Gà sao từ 1 đến 21 ngày tuổi:

1. Cách úm gà thứ nhất:

Ta dùng cót lá cao 0,6 ÷ 1,0 m; dài 3 ÷ 4 m cuộn vòng tròn đặt lên nền chuồng hoặc nền nhà có mái che, đặt hai thanh tre hoặc gỗ lên vòng tròn cót hình dấu ‘+', các thanh dấu ‘+' này mục đích bố trí treo các bóng đèn và đồng thời có tác dụng đỡ mành tre mặt trên của vòng cót. Mỗi vòng cót có đường kính 1,2m ta úm được 100 ÷ 120 con gà, để đảm bảo đủ nhiệt độ từ 320C trở lên ta cần bố trí 4 bóng đèn từ 60 ÷ 100W (tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết khác nhau). Trên nền trong vòng cót úm ta rải một lớp trấu dày từ 2 ÷ 3cm, trên lớp trấu tiếp tục rải một lớp rơm mỏng để trấu không bị tung bắn vào các khay thức ăn, một vòng cót úm như vậy ta bố trí 2 ÷ 3 khay thức ăn (có thể dùng mẹt tre càng tốt), nước uống ta sử dụng 2 bình nước uống loại nhỏ để gà uống phù hợp.

2. Cách úm thứ hai:

Ta chuẩn bị cách lồng úm có kích thước rộng 1m, dài 2m, cao 35cm. mặt đáy lồng úm cách nền 20cm để úm tối đa 120 con gà.

Lồng úm được đóng bằng gỗ hoặc tre, vách lồng úm được liên kết thép lưới mắt cáo hoặc thép lưới ô li 1cm, xung quanh vách và nắp được phủ bạt che gió đồng thời giữ nhiệt. trong lồng úm được mắc 3 ÷ 4 bóng đèn 60 ÷ 100W (tuỳ điều kiện thời tiết nóng, lạnh khác nhau), đáy lồng úm rải một lớp rơm mỏng 2 ÷ 3cm, mỗi lồng úm có 2 khay thức ăn, nên bố trí 2 mảnh lưới ôli đặt vào lòng khay thức ăn để tránh việc gà canh bới thức ăn trong khay bắn ra ngoài.

Mỗi lồng úm được bố trí 2 bình nước treo lên trên xà ngang lồng úm 1 khoảng cách vừa phải để gà dễ dàng uống nước, trong lồng úm được bố trí một nhiệt kế đo nhiệt độ, nhiệt độ trong lồng úm phải đảm bảo từ 300C trở lên.

Mùa hè quy trình úm gà cơ bản như mùa đông, chỉ khác: Ta thay các bóng đèn có công suất thấp hơn mùa đông và tháo bỏ bớt bạt che xung quanh nhưng chú ý không để gió lùa trực tiếp vào lồng úm. Cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên và đảm bảo tiêu chí "mùa đông ấm áp, mùa hè thoáng mát".

3. Nước uống cho gà:

Mỗi ngày ta thay nước uống 4 lần sáng, trưa, chiều, và 21h tối. Nước cho gà uống phải đảm bảo sạch sẽ được lắng lọc, trường hợp nguồn nước nghi ngờ phải xử lý khử trùng bằng clo, iod,...dụng cụ cho gà uống nước phải được chùi rửa sạch sẽ trước mỗi lần thay nước, tuyệt đối không được sử dụng nuớc ao hồ cho gà uống.

4. Chế độ ăn:

Sử dụng đúng thức ăn của các hãng sản xuất thức ăn gia cầm có uy tín như C.P Grour, Vina Grour,... dạng mảnh đúng chỉ định với lứa tuổi ghi trên bao bì, không pha trộn với các chất tinh bột khác kể cả các dòng thức ăn đậm đặc trên thị trường. Thức ăn được rải đều trên khay và có lưới thép oli 1cm đặt lên khay thức ăn. Vào mỗi buổi sáng trước khi thay thức ăn mới ta loại bỏ thức ăn cũ còn lại trong khay và vệ sinh khay sạch sẽ rồi thay thức ăn mới. 

Chú ý: Khi thay thức ăn cho gà, ta cho một lượng vừa phải để gà ăn hết một lần đến no, nếu ta cho thức ăn quá nhiều thì lượng thức ăn cũ sẽ mất mùi vị không kích thích chúng và có thể mất vệ sinh.

5. Quy trình chủng thuốc khi úm gà sao (Sản phẩm thuốc chủ đạo Bayer) 

từ 1÷21 ngày tuổi

Ngày tuổi

Sản phẩm thuốc

Liều dùng

Thời gian sử dụng

1÷3

Baytril 10%

1ml/2 lít nước

3 ngày liên tiếp

4÷6

A-T 111 Vitamin C

A-T 110 Electrolytec

A-T 112 Multivitamin

1ml/ 2-4 lít nước

1ml/ 2-4 lít nước

1ml/ 2-4 lít nước

3 ngày liên tiếp

7

Vacxin New

Liều hướng dẫn

Theo nhà sản xuất

8÷10

Lactobac C, Mutisol

Liều gấp đôi

3 ngày liên tiếp

11÷12

Baycox 2.5%

1ml/ 1 lít nước

Uống liên tục 48h

13÷15

Đường gluco, chất điện giải

Liều gấp đôi

3 ngày liên tiếp

16

Vacxin Gumburo

Liều hướng dẫn

Theo nhà sản xuất

17÷19

Lactobac C, A-T 111, Mutisol

Liều gấp đôi

3 ngày liên tiếp

20

Vacxin dịch tả (ND)

Liều hướng dẫn

Theo nhà sản xuất

21

Chuyển thức ăn

 

 



6. Phòng bệnh:
Gà sao dưới 30 ngày tuổi có thể nhiễm một số bệnh như Gram âm, Gram dương, thương hàn, corzyza, tụ huyết trùng, cầu trùng, tiêu chảy... để phòng các bệnh cho gà ta cần tiêm chủng Văcxin và sử dụng thuốc thú y có chất lượng tốt để phòng và trị bệnh có hiệu quả nhất. Sản phẩm chuyên dụng cho gia cầm có chất lượng tốt hiện nay là các sản phẩm của Bayer (Baytril, Vacxin New, Baycox, Vacxin  Gumburo, Saigo nox Poultry, Virkon S, Lactovac C, A-T 110, A-T 112...), Korea ngoài ra ta có thể bổ sung các vitamin hỗ trợ như A, C, D3, E, K3, B1, B6, chất điện giải và đường Gluco.

II. Gà sao từ 22 đến 45 ngày tuổi:

1. Úm gà:

Gà sao ở ngày tuổi thứ 22 trở lên lớp lông đã tương đối hoàn thiện, cùng với sự linh hoạt vốn có từ bản năng nên chúng đã có thể tập bay và nhảy khá cao bởi vậy lồng úm lúc này không còn phù hợp nữa mà ta phải dùng thép lưới 1cm quay tròn trên diện tích phòng phù hợp giữa diện tích và sự tăng trưởng của gà. Nền chuồng úm rải một lớp trấu hoặc mùn cưa và có thể cả rơm, trong chuồng úm được bố trí 3 bóng đèn và đảm bảo nhiệt độ từ 25 ÷ 290C.

2. Nước uống, chế độ ăn và phòng bệnh:

- Nước cho gà uống: Luôn sử dụng nước sạch và sử dụng bình chuyên dụng, mỗi ngày đêm ta vệ sinh chùi rửa và thay nước 4 lần. Trước khi thay nước ta cần vệ sinh bình sạch sẽ tránh trường hợp để bình nước còn cặn nhớt đọng lại ở thành bình.

- Chế độ ăn: Đối với các nhà sản xuất thức ăn tổng hợp dù cùng một hãng nhưng sẽ có 3 nhóm thức ăn khác nhau (thức ăn cho gà từ 1 ÷ 21 ngày tuổi, từ 21 ngày tuổi đến khi xuất chuồng và thức ăn dành cho gà đẻ).

Chính vì vậy khi gà 22 ngày tuổi trở lên ta phải đổi nhóm thức ăn để đảm bảo cho sự phát triển của đàn gà. Đối với gà sao luôn đòi hỏi lượng chất xơ rất lớn và sớm so với các loại gia cầm khác chính vì vậy ta có thể tập cho gà ăn rau, bèo, cỏ các loại từ ngày tuổi thứ 22 trở lên, tận dụng khả năng này ta chuẩn bị rau, bèo, chuối...thái nhỏ trộn lẫn với cám gạo, bột ngô và bột tổng hợp cho gà ăn lẫn để đảm bảo đủ chất và phát triển tốt.

- Phòng bệnh: Ở lứa tuổi từ 22 ÷ 40 ngày tuổi ta cần cho gà sao uống thuốc phòng bệnh đường ruột Erofloxacin và khi điều kiện thời tiết thay đổi ta cần bổ sung thêm vitamin, chất điện giải. Đặc biệt chú ý đến công tác vệ sinh chuồng trại tiêu độc khử trùng. 

3. Quy trình chủng thuốc khi úm gà sao (Sản phẩm thuốc chủ đạo Bayer) 

từ 22÷45 ngày tuổi

Ngày tuổi

Sản phẩm thuốc

Liều dùng

Thời gian sử dụng

22÷23

A-T 110, BayGum

Liều gấp đôi

2 ngày liên tiếp

24

Saigo nox 10 new

Liều hướng dẫn

1 ngày

25÷27

Đường gluco, chất điện giải

Liều gấp đôi

3 ngày liên tiếp

28

Saigo nox Poultry

1g/1 lít nước

1 ngày

29÷31

Lactobac C, A-T 111

Liều gấp đôi

3 ngày liên tiếp

32÷35

Teravit E, Tylo-Salfa-C

2,75 kg/1 tấn

4 ngày liên tiếp

36÷45

Mutisol, đường gluco, chất điện giải

Liều thường dùng

Liên tục



III. Gà sao từ 41 ngày tuổi đến xuất chuồng:

Lúc này gà được đưa đến chuồng nuôi kết thúc giai đoạn úm, mỗi gian chuồng được bố trí một bóng đèn treo cao, lợi dụng đòn tay kèo nhà để buộc dây treo bình nước uống mỗi gian chuồng một bình nước từ 5 ÷ 7 lít, cần treo bình có độ cao phù hợp với lứa tuổi của gà tính từ nền chuồng trở nên. Máng ăn ta đóng bằng máng gỗ đặt trên nền chuồng hoặc máng nhựa treo dây.

Về thức ăn có hai dạng chủ đạo:

Thức ăn tinh: Bao gồm bột tổng hợp, lúa, cám gạo, bột ngô...trộn lẫn theo tỷ lệ bột tổng hợp 2kg, lúa 3kg, cám các loại 3kg, nếu có bã bia hoặc hèm rượu 3 ÷ 4kg trộn lẫn cho số lượng 150 con/ngày (mỗi ngày cho ăn 3 bữa).

Thức ăn thô: Bao gồm rau, bèo, chuối cây, cỏ... cho gà ăn no trước khi cho ăn thức ăn tinh.

Khi gà 3 tháng tuổi trở lên chúng ta cắt bột tổng hợp không đưa vào bữa ăn nữa để đảm bảo chất lượng thịt thương phẩm.

Gà sao 4 tháng tuổi trở lên là xuất bán thịt trọng lượng trung bình đạt từ 1,3 đến 1,5 kg.

* Những điểm cần lưu ý khi nuôi gà sao:

- Nếu thời tiết thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nắng ấm xuống lạnh rét ta cần che chắn lồng úm và chuồng trại không để gà rét lạnh xẽ dẫn đến trường hợp gà dồn đè lên nhau làm cho những con gà nằm dưới chết ngạt dẫn đến thiệt hại lớn trong tổng đàn. Trong trường hợp nhiệt độ từ 38 độ trở lên chúng ta cần bổ xung thêm Vitamin, đường Gluco, chất điện giải và Bcomlech cho gà uống.

- Đối với gà 30 ngày tuổi trở lên khi ta đem về nuôi cần chú ý đến chuồng trại lưới vây phải đảm bảo chắc chắn vì gà sao ở lứa tuổi này bay rất giỏi nên khi ta mới đưa đàn gà về nuôi gà sao chưa quen chuồng cộng với tính nhút nhát khi xổng chuồng ra ngoài dễ thất thoát hàng loạt vì vậy cần nhốt cho quen chuồng ít nhất là 15 ÷ 20 ngày rối mới thả dần vào trước mỗi bữa ăn và khi thả gà những ngày đầu ta cần theo dõi kiểm soát quản lý đồng thời tăng dần thời gian thả mỗi ngày.

Phần 4: HIỆU QUẢ KINH TẾ

Gà sao có giá trị kinh tế cao, hiện nay gà thịt thương phẩm giá từ 120.000 ÷150.000 đồng/kg, gà hậu bị giống 90 ngày tuổi giá 200.000 đồng/con, gà con giá từ 25.000 ÷ 34.000 đồng/con. Đây là mô hình chăn nuôi bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực góp phần xoá đói giảm nghèo và làm giàu ở địa bàn nông thôn, đồng thời đây cũng là mô hình mới mang tính khả thi cao được nhân rộng trong thời gian tới góp phần đa dạng hoá vật nuôi đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình kinh tế trang trại vừa và nhỏ bởi vì những đặc điểm ưu việt và nổi bật của gà sao so với các loại giống gà khác hứa hẹn sẽ làm "thay da đổi thịt" nghành chăn nuôi gia cầm nông thôn nước ta.

Địa chỉ cá nhân
 
Phạm Hoành
Hamburg, Germany
phamhoanh2@yahoo.de
LỊCH ÂM
 
 
Diese Webseite wurde kostenlos mit Homepage-Baukasten.de erstellt. Willst du auch eine eigene Webseite?
Gratis anmelden